Các nhà chế biến cà phê tại Mỹ - nước tiêu dùng cà phê lớn nhất thế giới – đang báo cáo chi phí vận hành tăng vọt, chủ yếu liên quan đến vấn đề vận chuyển và dự báo giá bán lẻ cà phê sẽ tăng trong thời gian tới.
Các nhà rang xay quy mô nhỏ và vừa, đặc biệt là các công ty cà phê đặc sản, chịu tác động nặng nề nhất, theo các nhà quản lý công ty cho hay, nhưng ngay cả những công ty lớn như Peet’s và JM Smucker Co cũng cho biết họ đang xoay xở với vấn đề tăng chi phí. Các ngành kinh doanh khác tại Mỹ cũng đối mặt với lạm phát giá vận chuyển. Tổ chức cung cấp thông tin thị trường S&P Global Platts cho biết cước vận chuyển có thể làm tăng chi phí vận hành doanh nghiệp tới gần 10 tỷ USD đối vói các tuyến vận tải nội địa trong quý 4/2020 và có thể tiếp tục tăng.
Tuần trước, tắc nghẽn lớn trong vận chuyển đẩy giá cà phê lên mức cao nhất trong hơn 1 năm. “Hiện chúng tôi đang ký hợp đồng giao hàng cho mùa hè và mùa thu và giá tăng khá mạnh, với mức tăng tổng cộng khoảng 15%”, theo ông Oliver Stormshak, CEO của Olympia Coffee Roasting, trụ sở tại Olympia, Washington. “Tôi đang cố gắng đưa ra quyết định về liệu chúng tôi nên ngậm đắng nuốt cay đợt tăng chi phí này hay tái cấu trúc giá và tăng giá”, ông cho biết thêm.
Các nhà quản lý công ty cà phê cho biết nhu cầu tăng đối với các dịch vụ giao hàng do ngày càng nhiều người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và quy trình kiểm soát an toàn cồng kềnh hơn trong đại dịch làm tăng chi phí vận chuyển tại Mỹ. “Những khó khăn về nguồn cung, không phải do vấn đề sản xuất mà đơn giản là do những vấn đề do COVID-19 gây ra dọc chuỗi cung ứng và các hướng dấn đảm bảo an toàn dịch. Đó là một vấn đề hệ thống”, theo ông Jorge Cuevas, quản lý tại Sustainable Harvest Coffee Importers, có trụ sở tại Portland, Oregon. “Chi phí để đưa cà phê tới khách hàng hiện đắt hơn bất cứ thời điểm nào trong 5 – 10 năm qua”.
Các công ty cà phê cũng cho biết chi phí vận chuyển đường biển quốc tế đang tăng do sự mất cân bằng luồng container gây ra bởi đại dịch. Ở một số tuyến, nhu cầu containers đang tăng, trong khi những tuyến khác lại giảm, gây ra sự mất cân đối luồng phân bổ container và làm tăng chi phí. “Chi phí container là vấn đề lớn trên thị trường cà phê”, theo nhà phân tích Carlos Mera của Rabobank, cho biết thêm các tuyến vận chuyển từ Đông Nam Á tới châu Âu và Mỹ đang tăng giá do thiếu hụt container. “Ngay cả nếu bạn sẵn sàng trả thêm thì cũng không có container rỗng”.
Các hàng hóa bao gồm cà phê, cacao, bông và đường tinh luyện thường được vận chuyển trong containers, trong khi các hàng hóa khác như đậu tương, ngô và đường thô thường sử dụng tàu chở hàng rời. Các nhà rang xay cho biết các chuyến hàng giao cà phê từ châu Phi và một số nước Nam Mỹ bị trễ. Ông Lee Harríon, giám đốc cấp cao tại Joe Coffee Company, trụ sở tại New York cho biết lô hàng cà phê từ Burundi theo lịch trình sẽ tới vào thời điểm đầu năm mới đã bị đẩy thời hạn giao hàng tới tháng 3. Ông cho biết có thể sẽ thay thế bằng một lô hàng từ nước cung cấp khác. JM Smucker, sở hữu các thương hiệu như Folgers and Dunkin, cho biết: “Chung tình cảnh với những người khác, chúng tôi đang trải qua một số vấn đề thách thức chuỗi cung ứng trong thời gian gần đây”, Smucker cho biết: “Chúng tôi thường xuyên đánh giá chi phí để có hành đồng phù hợp nhưng chúng tôi không có bất cứ kế hoạch nào trong thời điểm hiện tại”.
Các công ty cà phê lớn đã tăng dự trữ trong năm 2020 – một động thái thận trọng trước tình hình đại dịch. “Chúng tôi không lo lắng về nguồn cung do đã có dự trữ tốt”, theo Eric Lauterbach, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Peet’s, và cho biết thêm công ty đã có các giải pháp ứng phó với vấn đề vận chuyển tại Mỹ và châu Á. Starbucks, nhà bán lẻ cà phê lớn nhất Mỹ, chưa phản hồi trước các yêu cầu bình luận.
Theo Reuters
Bình luận