Nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đang tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn xuất khẩu sang Mỹ, do các nhà sản xuất tại Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào gia công giai đoạn cuối hoặc tái xuất, chớp lấy các cơ hội trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo báo cáo của Bank of America Merrill Lynch công bố gần đây. “Vị thế xuất khẩu ròng của Việt Nam đang yếu đi kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang. Xuất khẩu sang Mỹ đang tăng nhưng phần tăng này đáng nhẽ nên mạnh hơn phần tăng nhập khẩu từ Trung Quốc”, báo cáo chỉ ra.

Các số liệu sơ bộ do Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố cho 4 tháng đầu năm 2019 cho thấy xuất khẩu đạt 20,4 tỷ USD, trong khi nhập khẩu ở mức 21 tỷ USD, dẫn tới thâm hụt khoảng 600 triệu USD, so với mức thặng dư 1,4 tỷ USD trong tháng 3/2019.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có thặng dư 3,2 tỷ USD trong tháng 4/2019 nhưng thâm hụt thương mại với Trung Quốc lên tới 3,7 tỷ USD, tăng mạnh từ mức tham hụt 1,5 tỷ USD trong tháng 2 và 3,4 tỷ USD trong tháng 3.

“Từ tháng 4/2018 đến tháng 4/2019, xuất khẩu máy tính, các linh kiện điện tử, di động và may mặc tăng mạnh nhất. Đồng thời, nhập khẩu máy tính, các hàng hóa điện tử và máy móc trong cùng thời kỳ cũng tăng mạnh”, theo báo cáo trên cho hay.

Ông Sanjay Mookim, thuộc nhóm tác giả báo cáo, cho rằng có hai yếu tố giải thích cho tình trạng này. “Đầu tiên là Việt Nam phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu thô từ Trung Quốc do không thể xây dựng toàn bộ chuỗi cung ứng trong vòng 6 tháng và Việt Nam chủ yếu đảm nhận công việc lắp ráp cuối cùng trong chuỗi”, ông cũng cho biết thêm công đoạn này có giá trị gia tăng rất nhỏ bé. Nguyên nhân thứ hai là rất nhiều hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ thực chất là tái xuất hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, để tránh thuế. Đối với hoạt động kinh doanh này, Việt Nam không có giá trị gia tăng thêm. Ông Mookim cho rằng với tình hình này thì Trung Quốc hiện vẫn là nước hưởng lợi phần lớn các giá trị gia tăng trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Cho tới nay, Việt Nam vẫn được cho là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc tăng 4,6 lần lên 1,56 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2019, do các công ty Trung Quốc mở rộng hoặc thiết lập hoạt động sản xuất mới tại Việt Nam để né mức thuế tăng lên. Báo cáo BofA cũng nhấn mạnh rằng ngoài Việt Nam, ngành máy móc kỹ thuật của Mexico, Malaysia và sẽ sớm tăng nhu cầu khi Mỹ chuyển hướng các đơn hàng ra khỏi Trung Quốc.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng để thay thế hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc, các nước khác phải tích cực tạo nên các lợi thế sản xuất, bên cạnh cung cấp lao động giá rẻ. “Trung Quốc đã châm ngòi cho sự thần kỳ của tăng xuất khẩu nhờ lợi thế chi phí lao động. Nhưng các nhà làm chính sách nước này cũng nỗ lực thu hút các doanh nghiệp tạo ra sản phẩm và xuất khẩu”, báo cáo nhấn mạnh. “Các cấu trúc đa dạng liên quan đến đất đai, lao động, vốn, các ưu đãi thuế đã được tạo ra đẻ thuận lợi hóa máy móc xuất khẩu”.

Theo South China Morning Post
Admin

Thế mạnh xuất khẩu tỷ đô của hạt điều Việt Nam yếu đi

Bài trước

Việt Nam lên kế hoạch giảm thuế nhập khẩu thịt lợn Mỹ, giảm căng thẳng thương mại

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc

Xem thêm Đầu tư