Một hội nghị đã được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 29/9 để thảo luận các giải pháp đảm bảo phát triển thanh long bền vững ở Việt Nam trong bối cảnh thị trường toàn cầu có nhiều bất ổn.
Việt Nam hiện có gần 55.000ha trồng thanh long và thu hoạch khoảng 1,3 triệu tấn mỗi năm. Điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi đã giúp cả nước có thể sản xuất thanh long quy mô lớn quanh năm. Nhờ đó, Việt Nam từng dẫn đầu thế giới về diện tích trồng thanh long, sản lượng lẫn giá trị xuất khẩu thanh long, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Trưởng phòng cây ăn quả, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.
Tuy nhiên, sau khi chinh phục một số thị trường trong một giai đoạn nhất định, loại trái cây này từ Việt Nam đang phải đối mặt với một số thách thức, ông lưu ý và chỉ ra các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường nước ngoài về chất lượng, an toàn thực phẩm và hình thức của thanh long tươi, diễn biến xuất hiện nhiều loại sâu bệnh do tác động của biến đổi khí hậu, giá phân bón tăng cao, sự kết nối thiếu bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân, số lượng doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị để đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn và khó tính còn hạn chế và thiếu công nghệ chế biến, đóng gói tiên tiến và thiếu các cơ sở bảo quản.
Trung Quốc, thị trường chính của thanh long Việt Nam, áp dụng tiêu chuẩn chất lượng ngày càng khắt khe. Trong khi đó, xuất khẩu sang các thị trường mới như Ấn Độ và các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ cũng như tiêu thụ tại thị trường nội địa và công nghiệp chế biến đều chưa ghi nhận mức tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó, diện tích trồng thanh long ở những nơi khác trên thế giới đang mở rộng nhanh chóng. Trong khi diện tích và sản lượng thanh long ở Trung Quốc đã vượt qua Việt Nam, Ấn Độ - một thị trường lớn và tiềm năng - cũng đang nỗ lực nâng diện tích trồng thanh long từ 3.000ha hiện nay lên 50.000ha trong 5 năm tới, ông Mạnh lưu ý. Vì vậy, xuất khẩu thanh long được dự báo sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới nếu Việt Nam mở rộng diện tích trồng và không có động thái nâng cao chất lượng để đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu.
Đồng quan điểm, bà Trần Thanh Bình, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản, Cục Ngoại thương, Bộ Công Thương, cho biết thanh long là một trong những mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực. Khoảng 80 - 85% sản lượng thanh long được xuất khẩu, còn lại tiêu thụ ở thị trường nội địa. Thanh long từng mang lại kim ngạch xuất khẩu lên tới 1 tỷ USD cho Việt Nam nhưng giá trị đã giảm trong 3 năm qua. Dữ liệu cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thanh long chỉ đạt 450 triệu USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2022. Ông Mạnh cho rằng, do nhiều nước đang tăng diện tích và sản lượng trồng thanh long nên ngành nông nghiệp không chủ trương mở rộng diện tích trồng, đặc biệt là ở những vùng có điều kiện đất đai, khí hậu không thuận lợi. Diện tích và sản lượng duy trì ở mức 60.000 - 65.000ha và 1,3 - 1,5 triệu tấn.
Các địa phương cần áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, đảm bảo năng suất, nâng cao hình thức, chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc trái cây, trồng các giống phù hợp với nhu cầu của các thị trường, hình thành các vùng sản xuất phù hợp với thị trường xuất khẩu, tăng cường kết nối giữa các vùng sản xuất và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, duy trì thị trường truyền thống và phát triển thị trường mới, nâng cấp cơ sở chế biến, bảo quản, theo ông Mạnh.
Bà Bình nhận thấy ngoài thách thức, vẫn còn cơ hội cho xuất khẩu thanh long nhờ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, nhu cầu nông sản toàn cầu phục hồi và chi phí vận tải đường biển giảm. Bà đề nghị các bộ, ngành hỗ trợ các địa phương bán trái cây tại thị trường nội địa, tạo điều kiện xuất khẩu qua các cửa khẩu phía Bắc và kênh chính ngạch, nâng cao chất lượng để đa dạng hóa thị trường và tận dụng các chương trình xúc tiến thương mại và kết nối kinh doanh.
Ông Patrick Haverman, Phó đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, đề nghị Việt Nam tập trung vào chất lượng thay vì sản lượng và duy trì sản xuất tập trung tại các tỉnh như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang để áp dụng Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Để làm được điều đó, người nông dân và các bên tham gia chuỗi giá trị thanh long cần áp dụng tư duy sản xuất theo định hướng thị trường, hình thành các vùng sản uất chuyên canh phù hợp với thị trường chính và nâng cấp các kết nối trong chuỗi giá trị từ nhà sản xuất, nhà chế biến đến hệ thống hậu cần. Bên cạnh đó, ông cho biết thêm, người tiêu dùng hiện nay có xu hướng ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp phát thải thấp nên ngành thanh long Việt Nam cần xây dựng và mở rộng các mô hình sản xuất xanh, giảm thiểu khí thải và đầu vào để nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của trái cây.
Theo VNS
Bình luận