Ngày 21/2/2021, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hội đồng Nhà nước đã ban hành các chỉ đạo chính sách thường niên đối với nông nghiệp và phát triển nông thôn, thường biết đến là “Văn bản số 1”. Văn bản số 1 năm 2021 đặt ra vấn đề thương mại hóa giống cây trồng và vật nuôi chất lượng cao là các yếu tố quan trọng đối với an ninh lương thực, đồng thời nguồn cung ngũ cốc và thịt lợn ổn định vẫn tiếp tục là các vấn đề trọng tâm. Chính quyền trung ương nhấn mạnh vào hỗ trợ phát triển giống cây trồng, bao gồm các giống sử dụng công nghệ sinh học, là một điểm mới trong Văn bản số 1 năm 2021 và tiếp tục nhấn mạnh trọng tâm tích lũy đất nông nghiệp chất lượng cao.
Văn bản số 1 đã được ban hành trong 18 năm liên tiếp kể từ năm 2004. Năm 2021 đánh dấu năm đầu tiên của Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021 – 2025). Dựa trên Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, Trung Quốc đạt được mục tiêu giảm nghèo ở khu vực nông thôn và tăng gấp đôi thu nhập đầu người cho nông dân so với mức năm 2010 – là các mục tiêu chính sách trước đây của nước này. Mức nghèo được định nghĩa nhiều cách khác nhau tại Trung Quốc, như mức thu nhập dưới 4.000 NDT/ngày (tương đương 1,7 USD/ngày – thấp hơn mức tiêu chuẩn của World Bank ở 1,9 USD/ngày), tiếp cận thực phẩm, quần áo và chăm sóc y tế ở mức tối thiểu. Văn bản só 1 của Trung Quốc tập trung vào chính sách nông nghiệp, sẽ chuyển dịch từ hỗ trợ giảm nghèo sang thuận lợi hóa phát triển “toàn diện” tại khu vực nông thôn. Văn bản cung cấp một số ví dụ về phát triển “toàn diện”, bao gồm cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn và dịch vụ công.
Phát triển giống cây trồng
Văn bản số 1 năm 2021 cam kết cung cấp hỗ trợ dài hạn cho các chương trình giống cây trồng chính và các dự án giống cây trồng sử dụng công nghệ sinh học lớn. Năm 2019, Trung Quốc có gần 6.400 công ty sản xuất giống cây trồng có đăng ký. Tuy nhiên, truyền thông cho rằng các công ty này nhìn chung rất nhỏ. Theo Văn bản số 1, Bộ Nông nghiệp và các vấn đề nông thôn (MARA) được hướng dẫn “hỗ trợ các doanh nghiệp hàng đầu trong nước để đẩy nhanh việc thành lập và xây dựng “các trung tâm sản xuất” để hiện đại hóa ngành giống cây trồng của Trung Quốc. Ví dụ, hỗ trợ nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi thương mại, và thúc đẩy nghiên cứu các giống cây trồng mới. Dựa trên các báo cáo mới, để Trung Quốc có thể thương mại hóa giống cây trồng năng suất cao, chất lượng cao, các khoản đầu tư lớn vẫn cần thiết cho ngành này để hỗ trợ đổi mới trong nước và ứng dụng rộng rãi các quy tắc quyền tài sản trí tuệ.
Cơ chế dài hạn cho sản xuất thịt lợn
Văn bản số 1 năm 2021 đề xuất thiết lập một cơ chế dài hạn để đảm bảo sản xuất chăn nuôi lợn và giá thịt lợn ổn định khi ngành chăn nuôi lợn của Trung Quốc đang nỗ lực tái thiết sau đại dịch tả lợn năm 2018. Một nhà chức trách cấp cao của MARA nhấn mạnh rằng phát triển các chính sách nhằm ổn định và hỗ trợ năng lực sản xuất chăn nuôi lợn sẽ được tiếp tục, tránh tình trạng biến động giá thịt lợn trong “các chu kỳ sản xuất chăn nuôi lợn”. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã trải qua một số chu kỳ chăn nuôi lợn điển hình: nông dân phản ứng trươc giá thịt lợn cao, nâng quy mô chăn nuôi, dẫn tới giá thịt lợn rẻ, giết mổ lợn nái và đóng cửa các trang trại chăn nuôi lợn, thiếu thịt lợn, giá thịt lợn cao. Các đợt bùng phát đại dịch tác động mạnh tới sản xuất thịt lợn không được coi là một diễn biến điển hình trong chu kỳ chăn nuôi lợn. Như được chỉ ra trong “các chu kỳ chăn nuôi lợn” trong Văn bản số 1 năm 2020, MARA đã vạch ra một số biện pháp nhằm giải quyết dịch tả lợn. Tuy nhiên, các báo cáo gần đây cho biết dịch tả lợn và một số dịch bệnh khác vẫn đang hoành hành trên khắp Trung Quốc. Dựa trên dữ liệu Tổng cục Thống kê Trung Quốc, giá thịt lợn đã tăng 109% trong năm 2019 và tăng thêm 55% trong năm 2020, chiếm một phần lớn trong lạm phát giá thực phẩm nói chung.
An ninh lương thực
An ninh lương thực luôn luôn là ưu tiên hàng đầu của ngành nông nghiệp Trung Quốc. Văn bản số 1 năm 2021 càng nâng tầm vấn đề an ninh lương thực trong bối cảnh COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Văn bản số 1 năm 2021 kêu gọi các chính quyền địa phương các tỉnh sản xuất ngũ cốc lớn ổn định diện tích trồng ngũ cốc và đảm bảo sản lượng ngũ cốc cả nước vượt 650 triệu tấn từ năm 2021 và trong suốt giai đoạn Kế hoạch 5 năm lần thứ 14.
Văn bản số 1 năm 2021 đề xuất xây dựng vành đai các ngành đảm bảo an ninh lương thực, kết nối sản xuất, chế biến và marketing ngũ cốc giữa 13 tỉnh sản xuất ngũ cốc chính, chiếm tổng cộng hơn 75% sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc. Các chính sách hiện hành đều khuyến khích sản xuất ngũ cốc như hỗ trợ nông dân trồng ngũ cốc, giá sàn thu mua lúa mỳ và lúa gạo, các chương trình thử nghiệm về bảo hiểm thu nhập và bảo hiểm chi phí sản xuất đối với lúa gạo, lúa mỳ và ngô sẽ tiếp tục được triển khai.
Ngoài ra, Văn bản số 1 năm 2021 lần đầu tiên đề cập tới vấn đề là để thúc đẩy hiện đại hóa nông nghiệp, các chính quyền địa phương cần tiến hành các hành động tiết kiệm thực phẩm, giảm thất thoát và lãng phí ngũ cốc trong sản xuất, chế biến, phân phối và dự trữ. Đến cuối năm 2020, Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc – cơ quan lập pháp quốc gia, đã đề xuất và rà soát dự thảo Luật Chống Lãng phí Thực phẩm, nhằm giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm trong ngành dịch vụ ăn uống.
Cải thiện đất nông nghiệp và bảo vệ đất trồng trọt
Chính quyền trung ương Trung Quốc sẽ hỗ trợ phát triển thêm 6,67 triệu ha đất nông nghiệp tiêu chuẩn cao trong năm 2021, nhằm đạt năng suất cao và ổn định bất chấp hạn hán hay lũ lụt. Diện tích đất này đã được tính chung vào số liệu nền chung là 120 triệu ha và nên được sử dụng chỉ dành cho sản xuất ngũ cốc. Trung Quốc đặt mục tiêu đạt 66,7 triệu ha đất nông nghiệp chất lượng cao vào năm 2022, theo các hướng dãn do Hội đồng Nhà nước công bố tháng 11/2019.
Chính phủ Trung Quốc liên tục nhấn mạnh rằng diện tích cơ sở 120 triệu đất trồng trọt sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt và không được sử dụng cho các mục đích phi nông nghiệp. “Diện tích đất nông nghiệp cơ bản vĩnh viễn”, hiện chiếm 86% đất trồng trọt tại Trung Quốc nên được dành riêng cho sản xuất ngũ cốc và rau, đặc biệt là các loại ngũ cốc thiết yếu (lúa gạo và lúa mỳ). Diện tích đất trồng trọt còn lại nên được dùng để sản xuất các hàng hóa nông sản lớn khác như bông, các loại hạt có dầu, đường và cỏ. Đồng thời, Văn bản số 1 cũng nhấn mạnh việc sử dụng các diện tích đất phi truyền thống, như đất rừng, để hỗ trợ bổ sung cho sản xuất các sản phẩm thực phẩm và chăn nuôi, nhằm đảm bảo tốt hơn an ninh lương thực.
Đa dạng hóa nguồn nhập khẩu
Trung Quốc phụ thuộc vào nguồn cung trên thị trường thế giới đối với một số hàng hóa nông sản nhất định như các loại ngũ cốc làm TACN và hạt có dầu, đồng thời gắn với chiến lược tự cung tự cấp các loại ngũ cốc thiết yếu. Sự bùng phát COVID-19 làm dấy lên những lo ngại trong giới lãnh đạo Trung Quốc và khả năng gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu. Ví dụ những nước như Nga và Việt Nam đã thông báo các lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc, qua đó làm hạn chế nguồn cung ngũ cốc toàn cầu. Do đó, Văn bản số 1 năm 2021 liên tục nhấn mạnh cần đa dạng hóa nguồn nhập khẩu nhưng ít đề cập tới nhập khẩu nông sản.
Theo USDA
Bình luận