Nhu cầu từ phương Tây và Ấn Độ có thể tăng trở lại và nguồn cung yếu từ các nước sản xuất cao su chính có thể đẩy giá cao su tăng. Giá cao su thực tế có thể còn tăng mạnh hơn nhờ Trung Quốc thu mua lượng lớn trong vài tuần tới, theo nhận định của Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC). Nguyên nhân là do tổng tồn kho cao su tại Trung Quốc giảm mạnh khi các công ty công nghiệp của nước này ưu tiên mua từ các nhà kho nội địa thay vì tự nhập khẩu.
Trung Quốc dự kiến tiêu thụ khoảng 500.000 tấn cao su tự nhiên hàng tháng trong giai đoạn tháng 8 – 11. Trong đó, sản xuất nội địa đáp ứng khoảng 115.000 tấn. Giai đoạn 5 tháng từ tháng 7 – 11 hàng năm là giai đoạn sản xuất cao điểm và Trung Quốc được cho là thâm hụt 385.000 tấn cao su tự nhiên hàng tháng trong mùa cao điểm sản xuất. Với tốc độ này, tổng thâm hụt nguồn cung trong 4 tháng, từ tháng 8 – 11/2021 – ước tính 1,54 triệu tấn. Do đó, các công ty công nghiệp tại Trung Quốc không thể nào hoãn nhập khẩu 2,4 triệu tấn. Sự xuất hiện của những khách hàng Trung Quốc trên thị trường cao su tự nhiên châu Á với những hợp đồng mua lớn được cho là sẽ chi phối toàn bộ tâm lý trên thị trường giao ngay ít nhất là trong vài tháng tới, theo báo cáo của ANRPC.
Tương tự, nhu cầu từ Mỹ, EU, Anh và Ấn Độ dự báo tăng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, sản lượng cao su tự nhiên tại Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Việt Nam dự báo giảm do số ca nhiễm virus corona vẫn tăng cao, tỷ lệ tiêm vắc xin thấp và các lệnh hạn chế mà chính phủ thực thi để kìm chế dịch bệnh.
Các rào cản nguồn cung
Về phía nguồn cung, sản xuất cao su tự nhiên tại Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Malaysia dự báo vẫn gặp nhiều khó khăn trong vài tháng tới do sự lây lan mạnh của virus. 4 nước này chiếm tổng cộng 70% tổng nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu.
Tuy nhiên, báo cáo cho biết thêm tình trạng gián đoạn logistics dai dẳng trên phạm vi toàn cầu, chi phí vận chuyển đường biển tăng bất thường và tình trạng thiếu hụt các chất bán dẫn có thể làm suy yếu động lực phục hồi của một số ngành quan trọng. Ngoài ra, những quan ngại về tình hình địa chính trị, như cuộc khủng hoảng tại Afghanistan sau khi Mỹ rút quân. Các lo ngại về diễn biến thời tiết và địa chính trị có thể làm nản lòng các nhà đầu cơ, đẩy họ chuyển từ nhóm tài sản rủi ro hơn sang các nhóm an toàn hơn, cũng là một số yếu tố tác động lên thị trường cao su tương lai.
Sự chuyển dịch sang mủ cao su tự nhiên
Theo N Radhakrishnan, nhà tư vấn cho Hiệp hội thương nhân cao su Cochin, bất cứ xu hướng tăng giá nào xuất hiện trên thị trường thế giới cũng sẽ được phản ánh tại Ấn Độ bởi thị trường nội địa nước này cũng đang trải qua giai đoạn “thiếu nguồn cung” nguyên liệu thô. Tình hình COVID-19 tại Kerala gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất. Hơn nữa, tiêu thụ mủ cao su tự nheient ăng cũng làm giảm sản xuất cao su mủ tờ, với mức độ suy giảm lên tới 25 – 30%. Giá mủ cao su tự nhiên lên tới 155 rupees/kg và để tránh các vấn đề liên quan tới chế biến mủ tờ, những người trồng cao su đồng loạt chuyển sang cung ứng mủ latex, ông cho biết thêm rằng nhu cầu thế giới đối với mủ latex cũng đang tăng do nhu cầu từ các nhà sản xuất găng tay cao su tăng lên.
Một nguồn tin trong ngành cao su chỉ ra rằng xu hướng tăng giá mạnh hiện nay đang thúc đẩy người trồng cao su ghim hàng và càng khiên tình hình khan hiếm nguồn cung trên thị trường nghiêm trọng hơn. Số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày tăng vọt cũng khiến lao động sợ hãi, không đi khai thác mủ cao su và càng gây thiệt hại nặng nề cho sản lượng.
Theo The Hindu Business Line
Bình luận