Các nhà sản xuất cao su tự nhiên hàng đầu thế giới tại Đông Nam Á đang bắt đầu thoát khỏi quý tồi tệ nhất trong hơn 1 thập kỷ nhưng con đường phục hồi sản xuất kinh doanh còn nhiều gập ghềnh. Mặc dù tiêu dùng găng tay cao su tiếp tục tăng, nhu cầu từ các nhà sản xuất xe hơi – khách hàng lớn nhất của ngành cao su tự nhiên – vẫn giảm. Đồng thời, trong khi Trung Quốc đang mở cửa nền kinh tế trở lại, mang đến chút í thy vọng, lo ngại về phần còn lại của thế giới, bao gồm Mỹ, vẫn chồng chất.
Trên các thị trường tương lai, giá cao su tự nhiên – vốn đã sụt giảm tới 27% trong quý 1/2020 là mức giảm tồi tệ nhất kể từ năm 2008 – đã tăng khoảng 14%. Tuy nhiên, giá cao su giao ngay không biến động mạnh do nhu cầu từ các nhà sản xuất lốp xe vẫn yếu, theo Gu Jiong, một nhà phân tích tại hãng môi giới Yutaka Shoji có trụ sở tại Tokyo cho hay. “Giá cao su tự nhiên không thể tăng thêm bởi thị trường không có nhu cầu”, Gu cho hay. Nhiều nhà máy cao su, bao gồm các nhà máy cung cấp cho các nhà sản xuất lốp xe lớn như Goodyear và Bridgestone, không thể bán cao su giao ngay và buộc phải giao dịch trên thị trường tương lai.
Với triển vọng vẫn khá u ám, các nước sản xuất cao su tự nhiên chính – Thái Lan, Indonesia và Malaysia – đang thích ứng theo những cách khác nhau. Thái Lan lựa chọn tăng tiêu dùng nội địa, sử dụng cao su tự nhiên là đầu vào để xây dựng đường sá và các biển chỉ dẫn. Indonesia cho biết nhu cầu từ Trung Quốc đang là yếu tố hỗ trợ chính nhưng xuất khẩu nhìn chung đang giảm và sẽ không phục hồi cho tới cuối năm. Và Malaysia đang đặt cược vào găng gay cao su – thế mạnh của nước này.
Dưới đây là một số bình luận từ các nhà sản xuất cao su lớn về viễn kiến đối với thị trường cao su:
Thái Lan
Kajohnjak Nuanphromsakul, quyền điều hành Rubber Authority of Thailand:
- Xuất khẩu lốp xe ô tô giảm nhưng giá mủ cao su tăng nhanh hơn mủ tờ; các đợt bùng phát dịch bệnh làm tăng nhu cầu với cao su cô đặc sử dụng trong sản xuất các trang thiết bị y tế như găng tay cao su;
- Thái Lan dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu cao su khoảng 3,7 triệu tấn trong năm 2020, giảm 5% so với năm 2019;
- Mặc dù bệnh rụng lá gây thiệt hại nặng hồi năm 2019 đã thuyên giảm nhưng vẫn đang xuất hiện tại 4 tỉnh, làm giảm nguồn cung cao su tự nhiên.
Pattarapol Wongsasuthikul, giám đốc điều hành Thai Rubber Latex Group Plc:
- Trên toàn cầu, nguồn cung cho thị trường giảm khoảng 10% trong 6 tháng qua do thời tiết cực đoan tại các nước sản xuất lớn.
- Hạn hán tại Thái Lan vào tháng 3 và tháng 4 làm giảm sản lượng khai thác mủ cao su.
Malaysia
Zairossani Mohd Nor, tổng giám đốc của Hội đồng Cao su Malaysia:
- Ngành cao su của Malaysia dự báo tăng trưởng 6,5% trong năm 2020, so với năm 2019 lên 33 tỷ ringgit, tương đương 7,7 tỷ USD;
- Xuất khẩu găng tay cao su của Malaysia dự báo tăng mạnh 15% trong năm 2020 lên 20 tỷ ringgit;
- Malaysia ước tính xuất khẩu 225 tỷ chiếc găng tay cao su ra thị trường thế giới và thị phần của Malaysia trên thị trường găng tay cao su dự báo tăng từ 62% lên 65% trong năm 2020;
- Xuất khẩu cao su tự nhiên đang giảm khoảng 10% do nhu cầu giảm, đặc biệt là từ Trung Quốc, trong 5 tháng đầu năm 2020;
- Chính phủ đang có các chính sách khuyến khích những nhà sản xuất cao su tiểu điền tăng khai thác cạo mủ và hỗ trợ chi phí, bao gồm trả chênh lệch giá cao su cho nông dân khi giá cao su sụt giảm xuống một mức nhất định, cũng như trợ cấp tiền mặt trong mùa mưa.
Indonesia
Moenardji Soedargo, chủ tịch của Hiệp hội Cao su Indonesia:
- “Các lô hàng xuất khẩu đang bị hủy hoặc chậm giao hàng nên hoạt động kinh doanh rất trầm lắng. Nếu thị trường phục hồi vào quý 4 thì sẽ là một tin cực tốt;
- Mặc dù nhu cầu găng tay cao su đang tăng, ngành cao su Indonesia không có nguồn cung cho thị trường này;
- Malaysia đang tận dụng co ưhội kinh doanh từ đại dịch để thay đổi cấu trúc sản xuất của ngành cao su nhưng không thể hoàn thành trong 1 – 2 năm;
- Nông dân đang hoãn khai thác mủ do giá và nhu cầu đều thấp.
Theo Bloomberg
Bình luận