Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên lớn (ANRPC) dự báo giá cao su tự nhiên tăng trong ngắn hạn, nhờ nhu cầu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và châu Âu đồng loạt cải thiện. Tất cả các nước này đều có thể góp phần vào sự phục hồi nhu cầu cao su toàn cầu khi chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm 43% tổng tiêu dùng cao su thế giới, theo báo cáo thị trường cao su của ANRPC.
Theo báo cáo này, nhu cầu cao su thế giới hiện chịu sự chi phối lớn của Trung Quốc và Ấn Độ - hai nước tiêu dùng cao su lớn nhất thế giới – với Ấn Độ chiếm 8% tổng tiêu dùng cao su toàn cầu. Các hoạt động sản xuất tại Trung Quốc cũng được khôi phục, tạo ra nhu cầu rất lớn đối với nguyên liệu thô.
Các yếu tố rủi ro
Được hỗ trợ bởi việc dỡ bỏ các hạn chế liên quan tới COVID-19 tại một số bang, hoạt động sản xuất tại Ấn Độ cũng đang tăng tốc dần. Đối với các công ty sản xuất công nghiệp Ấn Độ, nhập khẩu cao su ngày càng trở nên đắt đỏ do gián đoạn logistics toàn cầu, giao hàng trễ và cước vận chuyển đường biển tăng bất thường. Sự mạnh lên của đồng USD, cộng với thuế hải quan cơ bản ở mức 25% giá trị hàng CIF và các loại phí bổ sung cho cao su RSS và TSR nhập khẩu, khiến cao su nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn bao giờ hết. Tất cả các yếu tố này khiến ngành sản xuất công nghiệp Ấn Độ nghiêng về lựa chọn nội địa thay vì nhập khẩu.
Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh một số yếu tố rủi ro khác như sự lây lan nhanh trên phạm vi toàn cầu của biến chủng Delta, có thể làm yếu đi các điều kiện thuận lợi và phủ tâm lý u ám lên thị trường.
Các yếu tố tích cực cho thị trường hàng hóa
Thông báo từ Chủ tịch Liên bang Mỹ về việc không rút lại các biện pháp kích thích kinh tế là tin rất tích cực cho các loại hàng hóa, bao gồm cao su tự nhiên do chính sách thắt chặt có thể châm ngòi cho việc các quỹ đầu cơ rút khỏi thị trường hàng hóa.
Báo cáo của ANRPC cũng nhấn mạnh thêm nhu cầu cao su tự nhiên từ Đông Nam Á sẽ duy trì ở mức yếu trong thời gian tới do sự leo thang số ca nhiễm COVID019 và tiến độ tiêm vắc xin chậm. Thị trường dầu toho khó tiếp tục tăng trong ngắn hạn do các nước OPEC báo cáo đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về tăng dần sản lượng dầu cho tới tháng 12/2021. Tuy nhiên, nhu cầu cao vào mùa hè theo chu kỳ và nhu cầu nhiên liệu cao sau khi các lệnh hạn chế được dỡ bỏ có thể giữ cho thị trường dầu thô không giảm giá mạnh từ mức hiện nay.
Theo The Hindu Business Line
Bình luận