Triển vọng giá cao su tự nhiên đang ngày một tích cực, chủ yếu nhờ nhu cầu tăng vọt để sản xuất gang tay cao su bảo hộ trước tình hình đại dịch tiếp tục phức tạp và nguồn cung hạn chế trên thị trường thế giới.
Luckchai Kittipol, chủ tịch danh dự của Hiệp hội Cao su Thái Lan, ông đánh cược giá lên cho triển vọng giá cao su tự nhiên sau khi giá mủ tờ xông khói loại 3 đạt 60 Baht/kg lần đầu tiên vào ngày 1/9 sau hơn 1 thập kỷ, so với mức giá 58,25 Baht/kg vào ngày 31/8 và 40,99 Baht/kg hồi đầu năm nay.
Trước đây, sản xuất cao su tự nhiên của Thái Lan phần lớn tập trung vào mủ tờ, được dung làm nguyên liệu thô cho sản xuất lốp xe hơi. Nhu cầu tăng đột biến gần đây đối với găng tay cao su bảo hộ, chủ yếu do diễn biến COVID-19, đang khuyến khích những người sản xuất chuyển sang sản xuất mủ cao su, vốn chủ yếu được dung để sản xuất găng tay cao su. Năm 2020, tỷ trọng mủ latex trong tổng sản lượng cao su của Thái Lan đạt 30%, so với mức 20% trong năm 2019, theo ông Luckchai. Thái Lan là nước sản xuất cao tự nhiên lớn nhất thế giới, với sản lượng 4,8 triệu tấn trong năm 2019, xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn. Thái Lan xếp thứ 4 thế giới về xuất khẩu các sản phẩm cao su và cao su chế biến, sau Trung Quốc, Đức và Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cao su và cao su chế biến của Thái Lan trong năm 2019 là 11,2 tỷ USD, tăng 2% so với năm 2018. Các thị trường chính bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN và Úc, với lốp xe ô tô chiếm 51% tổng kim ngạch, theo sau là cao su chế biến và găng tay cao su, chiếm lần lượt 19% và 11%.
Báo cáo của Bộ Thương mại Thái Lan cho biết nhu cầu đối với găng tay bảo hộ tăng vọt do đại dịch virus corona, đẩy xuất khẩu găng tay cao su của Thái Lan tăng vọt 38,5% trong 7 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019, lên 959 triệu USD. Các thị trường chính bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Anh.
Năm 2019, Thái Lan sản xuất hơn 20 tỷ găng tay cao su và xuất khẩu chiếm 89% tổng sản lượng, giá trị xuất khẩu găng tay cao su đạt 1,2 tỷ USD. Thái Lan là nước xuất khẩu găng tay cao su lớn thứ 3 thế giới, sau Malaysia và Trung Quốc.
Theo ông Luckchai, sản lượng cao su tự nhiên của Thái Lan ước đạt 4,5 triệu tấn trong năm 2020, với xuất khẩu đạ 3,8 – 3,9 triệu tấn. Sản lượng giảm chủ yếu do lượng mưa tăng và thiếu lao động, phần lớn nhập cư từ Myanmar và Campuchia. Giá cao su tự nhiên liên tục duy trì ở mức thấp là một nguyên nhân khác khiến sản lượng giảm, không khuyến khích nông dân chăm bón vườn và khai thác mủ. Giá cao su tự nhiên Thái Lan bắt đầu giảm từ năm 2017, chủ yếu do dư cung tại các nước sản xuất cao su tự nhiên lớn. Nền kinh tế thế giới yếu làm giảm nhu cầu đối với ngành xe hơi, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất cao su tự nhiên. Giá giảm cũng xuất phát từ tăng trưởng diện tích trồng cao su tại Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) trong thập kỷ qua. CLMB hiện cung cấp 5,3% nguồn cung cho thị trường cao su thế giới.
Trung Quốc, thị trường tiêu dùng cao su tự nhiên lớn nhất thế giới, cũng tăng nhập khẩu cao su từ CLMV để đáp ứng nhu cầu nội địa. Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) dự báo sản lượng cao su tự nhiên thế giới có thể giảm 4,7% trong năm 2020 xuống còn 13,1 triệu tấn do đại dịch làm giảm mạnh nhu cầu và đẩy ngành cao su vào tình trạng khủng hoảng. Hồi đầu năm, Hiệp hội dự báo sản lượng cao su và tiêu dùng cao su toàn cầu tăng lần lượt 3,8% và 2,7%. Nhưng dự báo tiêu dùng cao su toàn cầu hiện đảo chiều, có thể giảm 6% xuống còn 12,9 triệu tấn. Nhập khẩu cao su tự nhiên của Trung Quốc có thể giảm 5,1% so với năm 2019 xuống còn 4,8 triệu tấn, theo ANRPC. Trong khi đó, nhu cầu cao su tự nhiên từ Ấn Độ - nước tiêu dùng cao su lớn thứ 2 thế giới – có thể giảm tới 21,3% do các lệnh phong tỏa khiến ngành ô tô nước này khốn đốn trong đại dịch.
Ông Luckchai cho biết tiêu dùng cao su tự nhiên của Thái Lan dự báo tăng từ 800.000 tấn trong năm 2019 lên 900.000 tấn trong năm 2020 khi Bộ Giao thông quyết định sử dụng cao su tự nhiên để sả xuất các rào chắn đường trên toàn quốc. Ông đề xuất chính phủ thúc đẩy sử dụng cao su tự nhiên trên cả nước để giữ giá cao su nội địa và giảm phụ thuộc quá mức vào xuất khẩu – hiện chiếm tới 80% tổng sản lượng. “Nhiều nhà đầu tư tại Trung Quốc, Đức và Nhật Bản đang quan tâm tới đầu tư vào Thái Lan, như vào ngành sản xuât găng tay cao su và ngành sản xuất lốp xe hơi, nhưng COVID-19 đã chặn đứng luồng đầu tư này trong thời điểm hiện nay”, ông Luckchai cho hay.
Theo Bangkok Post
Bình luận