Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) ngày 11/11 đã chính thức triển khai dự án tăng cường tính tuân thủ của ngành với Hệ thống Đảm bảo Tính hợp pháp Gỗ Việt Nam (VNTLAS). Được hỗ trợ bởi Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) và Tổng cục Lâm sản Việt Nam, dự án nhằm giúp nông dân và doanh nghiệp cải thiện năng lực và đáp ứng các yêu cầu của VNTLAS đối với các chuỗi cung ứng quy mô nhỏ.
Để đáp ứng toàn bộ các cam kết trong Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), ký kết năm 2018 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2020/ND-CP về VNTLAS. VNTLAS là một hệ thống quốc gia nhằm đảm bảo tính tuân thủ luật lâm nghiệp ở mỗi khâu của chuỗi cung ứng, bao gồm thu hoạch, nhập khẩu, thu mua, buôn bán, vận chuyển, chế biến và xuất khẩu.
Phát biểu tại lễ khởi động dự án. Chủ tịch VRA Trần Ngọc Thuận cho biết gỗ cao su đóng góp lớn vào cung ứng gỗ của Việt Nam và được xem là một nguồn nguyên liệu quan trọng, nổi bật bởi nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm gỗ cho tiêu dùng trong nước lẫn xuất khẩu có thể truy xuất và được đảm bảo hợp pháp. Năm 2019, diện tích rừng cao su của Việt Nam đạt khoảng 943.000ha, với gỗ cao su và các sản phẩm từ gỗ cao su đã được xuất khẩu sang hơn 100 nước và vùng lãnh thổ.
Điều phối viên dự án Trần Hồng Vân cho hay dự án sẽ kéo dài từ tháng 7/2020 – 7/2021, thử nghiệm tại các tỉnh miền nam, gồm Bình Dương và Tây Ninh, nhằm mục tiêu thúc đẩy thương mại các sản phẩm gỗ hợp pháp và quản lý rừng bền vững. Bà cho biết thêm dự án này sẽ cung cấp một cái nhìn khái quát về ngành gỗ cao su Việt Nam, xác định các thách thức trong tuân thủ VNTLAS, và soạn thảo các tài liệu hướng dẫn cho nông dân và doanh nghiệp liên quan, cùng nhiều hoạt động khác.
Theo VNS
Bình luận