Rũ bỏ lo ngại về tác động dài hạn của sự bùng phát virus corona, Starbucks Coffee cam kết đầu tư 130 triệu USD vào xây dựng nhà rang cà phê ở nước ngoài lớn nhất của hãng này ở một địa điểm gần Thượng Hải. Sự tập trung của Starbucks vào thị trường Trung Quốc – một trong hai thị trường trung tâm của hãng này cùng với Mỹ - nghĩa là việc đóng cửa phần lớn mạng lưới cửa hàng tại Trung Quốc trong giai đoạn tồi tệ nhất của đợt dịch sẽ gây thiệt hại lớn cho lợi nhuận của Starbucks.
Công ty có trụ sở tại Seattle này cảnh báo các nhà đầu tư hôm 5/3 rằng sự gián đoạn hoạt động chỉ riêng tại thị trường Trung Quốc sẽ làm giảm EPA từ 15 – 18 cents và làm giảm doanh thu khoảng 400 – 430 triệu USD trong quý 1/2020. Công ty có lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPA) đạt 74 cents trong quý 4/2019.
Tuy nhiên, hồi cuối tuần qua, công ty cho hay vẫn đặt mục tiêu vận hành 6.000 cửa hàng tại Trung Quốc đến năm 2022, tăng từ khoảng 4.200 cửa hàng hiện nay, mặc dù trước đó đã đưa ra cảnh báo rằng một số kế hoạch mở cửa hàng mới trong năm 2020 sẽ được dời sang năm 2021. “Starbucks luôn đặt ra một chiến lược dài hạn tại Trung Quốc và cam kết của chúng tôi đối với thị trường này chưa bao giờ mạnh như lúc này”, theo Belinda Wong, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành mảng kinh doanh tại Trung Quốc của Starbucks phát biểu.
Nhà rang mới tại thành phố Côn Sơn sẽ là nhà rang xay đầu tiên của Starbucks tại châu Á. Các cửa hàng tại khu vực này hiện vẫn phụ thuộc vào các nhà rang xay Starbucks đặt tại Mỹ. Starbucks đăt mục tiêu vận hành nhà rang xay mới này vào năm 2022 nằm trong một tổ hợp bao gồm 1 nhà kho và 1 trung tâm phân phối tự động. Trong khi nhà rang của Starbucks tại Amsterdam phục vụ cho toàn bộ các thị trường châu Âu rộng lớn của hãng này, kế hoạch cho các thị trường châu Á ngoài Trung Quốc đại lục của Starbucks vẫn mơ hồ. Khi được hỏi về việc cung ứng cà phê từ Côn Sơn cho các thị trường khác, công ty chỉ trả lời rằng “nguồn cung cà phê rang từ Côn Sơn chỉ dành cho Trung Quốc”.
Với đầu tư nước ngoài lao dốc dưới tác động của cả đại dịch COVID-19 và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại, Bắc Kinh nhanh chóng tóm lấy thông báo đầu tư hồi cuối tuần trước của Starbucks như một dấu hiệu cho thấy niềm tin của các công ty nước ngoài vào tương lai của nước này. Ngay khi chính phủ Trung Quốc mới công bố dữ liệu cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 25,6% trong tháng 2/2020 so với cùng kỳ năm 2019, Hội đồng Nhà nước thông báo thủ tướng Lí Khắc Cường hoan nghênh cam kết đầu tư của Starbucks. “Thị trường Trung Quốc có tiềm năng rất lớn và các yếu tố cơ bản của nền kinh tế chưa thay đổi về dài hạn”, ông Lí viết trong thư gửi Starbucks, theo truyền thông nhà nước đưa tin. “Trung Quốc sẽ tiếp tục là một điểm nóng cho đầu tư nước ngoài”.
Sau khi mở cửa hàng đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 1999, Starbucks liên tục tăng nhanh số cửa hàng tại các thành phố lớn bao gồm Bắc Kinh và Thượng Hải khi ngày càng giành được sự yêu mến của người tiêu dùng của đất nước có truyền thống uống trà này. Nhưng khoảng 80% số cửa hàng của Starbucks bị buộc phải đóng cửa vào đầu tháng 2 do sự lây lan của COVID-19, với phần còn lại cắt giảm giờ mở cửa.
Doanh thu tháng 2 của các cửa hàng còn mở cửa giảm tới 78%. Starbucks cho biết trong một thông báo tới Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ. Trong cả quý 1/2020, Starbucks dự báo doanh thu giảm 50%. Tính tới 5/3, hơn 90% cửa hàng của Starbucks tại Trung Quốc đã mở cửa trở lại. Một số vẫn chỉ mở cửa cho dịch vụ giao đồ uống trong khi một số khác giới hạn số chỗ ngồi và thường xuyên đóng cửa sớm. Công ty cho hay số đơn hàng thông qua điện thoại di động chiếm khoảng 80% doanh thu trong tuần cuối tháng 2/2020.
Việc Starbucks tập trung hơn vào mảng doanh thu bán hàng trực tuyến sẽ mang đến cho công ty lợi thế cạnh tranh trực tiếp với ngôi sao đang lên của Trung Quốc là Luckin Coffee – hiện có mạng lưới cửa hàng đã vượt qua Starbucks tại Trung Quốc. Tính tới ngày 31/12/2019, Luckin có 4.507 cửa hàng và đã đưa ra thông báo hồi tháng 1 cho biết sẽ bắt đầu triển khai các máy bán hàng tự động và máy pha cà phê thông minh tại các điểm có lưu lượng người qua loại lớn như các tòa nhà văn phòng.
Theo Nikkei Asia Review
Bình luận