Các nhà chức trách nông nghiệp Việt Nam đang đưa trái cây trở thành nông sản xuất khẩu chủ lực bởi xuất khẩu trái cây mang lại giá trị cao hơn gấp 8 – 9 lần so với xuất khẩu gạo.
Bộ NNPTNT (MARD) trong năm 2019 đã đưa trái cây vào danh sách nông sản xuất khẩu chủ lực, bao gồm thủy sản, gạo, hạt điều, gỗ và đồ nội thất gỗ, cà phê, cao su và hạt tiêu. “Nhu cầu đối với rau quả trên thị trường thế giới tăng 3,6%/năm”, một đại diện MARD cho hay. “Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam phát triển thị trường xuất khẩu trái cây”.
Hiện xuất khẩu trái cây Việt Nam đang tới 60 thị trường, giá trị xuất khẩu trái cây đạt 3,5 tỷ USD trong năm 2018 và dự báo đạt 3,6 tỷ USD trong năm 2019. Theo FAO, thị trường rau quả thế giới tăng trưởng với tốc độ gần 2,9%/năm trong giai đoạn 2016 – 2021.
Xuâtkhẩu rau quả Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 1% tổng giá trị xuất khẩu rau quả thế giới (270 tỷ USD), cho thấy tiềm năng lớn của ngành này và dư địa phát triển còn nhiều. “Với tổng diện tích chỉ bằng 40% diện tích trồng lúa nhưng trái cây mang về giá trị xuất khẩu cao hơn gấp nhiều lần so với xuất khẩu gạo”, theo Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường phát biểu hồi đầu năm nay.
Trong 7 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt hơn 4 triệu tấn, trị giá 1,73 tỷ USD, giảm 14,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Ông Cường cho biết giá trị thương mại gạo thế giới chỉ vào khoảng 35 – 36 tỷ USD hàng năm; trong khi giá trị thương mại trái cây lên tới khoảng 240 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng trung bình 2 – 3%/năm trong 5 năm tới, sản xuất trái cây có thể mang lại giá trị xuất khẩu cao gấp 8 – 9 lần so với gạo.
Theo Cục Trồng trọt thuộc Bộ NNPTNT, miền nam có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất cả nước với 600.000ha và sản lượng 6,6 triệut ấn, chiếm 67% tổng sản lượng trái cây toàn cầu. Các loại trái cây phổ biến trong khu vực là xoài, chuối, thanh long, sầu riêng, cam, nho, nhãn, dứa, chôm chôm, mít, bơ và chanh dây. Cùng với cơ hội, MARD cũng nhận ra nhiều thách thức trong sản xuất trái cây. Hiện sản xuất trái cây tại miền nam chỉ ở quy mô nhỏ, thiếu mặt hàng trái cây chế biến và ít áp dụng các tiêu chuẩn trồng trọt quốc tế.
Ông Đặng Phúc Nguyên, tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết trung tâm sản xuất trái cây nằm ở miền nam và nông dân sản xuất trái cây ở ĐBSCL mang tính phân tán cao nên rất khó áp dụng máy móc để nâng cao sản xuất. Để thay đổi thực trạng này, ông Nguyên cho rằng Bộ NNPTNT cần triển khai ngay kế hoạch chuyển đổi 500.000ha trồng lúa sang trồng cây ăn trái hoặc nuôi trồng thủy sản.
Bộ NNPTNT cũng chỉ ra rằng chỉ 10% diện tích trồng cây ăn trái của Việt Nam có ứng dụng GlobalGAP, là tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu sản phẩm tới các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Để cải thiện tình trạng này. MARD kêu gọi các cơ quan địa phương khuyến khích nông dân áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động trồng trọt.
Ông Nguyễn Quốc Toản, cục trưởng Cục Chế biến Nông sản và Phát triển Thị trường, cho hay thương hiệu là một vấn đề quan trọng. Hiện chỉ có 2 sản phẩm có thương hiệu quốc gia là gạo và chè, nên các sản phẩm trái cây Việt Nam nên sớm chú trọng xây dựng thương hiệu.
Để đạt dược mục tiêu này, ngành rau quả nên chú ý tới các yêu cầu của các thị trường xuất khẩu, khả năng truy xuất nguồn gốc, đóng gói và ghi nhãn. Ngoài ra, các doanh nghiệp nên chú trọng vào phân khúc sản phẩm chế biến và tăng năng lực chế biến do xuất khẩu trái cây đối mặt nhiều rào cản kỹ thuật. Bên cạnh đó, trái cây chế biến cũng có giá trị cao hơn.
Theo VNS
Bình luận