Thủy sản là một trong những hàng hóa thực phẩm được giao dịch mạnh nhất trên thế giới, và tăng trưởng thương mại nhóm hàng hóa này vẫn tiếp tục diễn biến tích cực. Tổng giá trị thương mại thủy sản năm 2017 đạt 153 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng kép CAGR 4%/năm trong 5 năm từ 2012-2017. Rabobank dự báo cung – cầu thủy sản thế giới tiếp tục tăng trưởng trong 5 năm tới, mặc dù diễn biến thương mại có thể thay đổi. Các vấn đề hiện nay, như những căng thẳng và bất ổn trong thương mại thế giới, các kỹ thuật nuôi trồng thủy sản mới nổi và các rủi ro an ninh sinh học trong sản xuất protein động vật sẽ ngày càng quan trọng trong định hình các luồng thương mại thủy sản toàn cầu tương lai.

Thương mại thủy sản toàn cầu tăng trưởng 4%/năm

Từ năm 2012 – 2017, tăng trưởng thương mại thủy sản toàn cầu đạt 4%/năm, ước đạt 153 tỷ USD năm 2017. Nhìn chung, tăng trưởng giá trị thương mại thủy sản vượt lượng giao dịch – chủ yếu do giá trị giao dịch cao của cá hồi và các loại giáp xác. Bản đồ thương mại thủy sản thế giới trên cho thấy luồng thương mại thủy sản lớn nhất về giá trị vẫn là từ Na Uy sang EU, chủ yếu là cá hồi và một số loài cá thịt trắng; theo sau là các luồng thương mại cá hồi và giáp xác từ Canada và các luồng cá thịt trắng và giáp xác từ Trung Quốc tới Mỹ.

Giáp xác và cá hồi là các động lực chính cho tăng trưởng giá trị thương mại

Từ 2013-2017, thương mại giáp xác tăng lên trên toàn cầu, với Mỹ, EU và Trung Quốc tăng nhập khẩu. Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, Mexico và Ecuador là các nhà cung cấp chính do sản xuất hiệu quả hơn, sản lượng cao hơn tại các khu vực này).

Tương tự, thương mại cá hồi tăng trưởng trên toàn cầu nhờ tăng trưởng nhu cầu. Ví dụ, Chile đã tăng gấp đôi xuất khẩu cá hồi sang Trung Quốc chỉ trong 4 năm qua. Thực tế, tất cả các nhà sản xuất cá hồi, đặc biệt là Na Uy, đã tăng xuất khẩu tới tất cả các khu vực tiêu dùng trên thế giới trong giai đoạn trên.

Cá thịt trắng là phân khúc giao dịch lớn nhất về lượng

Cá thịt trắng vẫn là phân khúc thủy sản giao dịch mạnh nhất về lượng và duy trì ổn định lượng này, bất chấp những thay đổi về luồng thương mại. Phân khúc này bao gồm cả các loài cá khai thác tự nhiên và nuôi. Ngoài ra, một phần lớn của luồng thương mại này thuộc về phần Trung Quốc gia công tái xuất nguồn cá thịt trắng từ Nga. So với năm 2013, xuất khẩu cá thịt trắng của Trung Quốc – chủ yếu là cá rô phi – tới Mỹ đã giảm 33%. Tuy nhiên, Việt Nam đã lấp đầy khoảng trống này khi tăng xuất khẩu cá tra sang thị trường này.

Thương mại bột cá và dầu cá tăng cả về lượng và giá trị

Do nguồn cung từ Peru cải thiện, thương mại bột cá và dầu cá tăng trong 4 năm qua. Nhờ ngành nuôi trồng thủy sản lớn, Trung Quốc vẫn là nước tiêu thụ bột cá và dầu cá lớn nhất, với nguồn cung chủ yếu từ Peru. Giá bột cá và dầu cá tương đối cao cũng dẫn tới tăng giá trị các luồng thương mại cho phân khúc sản phẩm này.

Trung Quốc vẫn là nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới

Xét cả về lượng và giá trị, Trung Quốc vẫn là nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, theo sau là Na Uy. Cả hai nước đều tăng hơn 2 tỷ USD trong giá trị xuất khẩu thủy sản 5 năm qua (2012-2017). Tuy nhiên, lượng xuất khẩu chỉ tăng nhẹ.

Việt Nam đã vượt qua Thái Lan về mặt xuất khẩu thủy sản, trở thành nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 thế giới về giá trị. Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng chủ yếu dựa vào thương mại cá thịt trắng và giáp xác. Ấn Độ cũng thăng hạng mạnh từ vị trí thứ 8 lên thứ 4, với giá trị xuất khẩu tăng 3,7 tỷ USD – chủ yếu nhờ tăng xuất khẩu tôm.

Trong những năm tới, Rabobank dự báo Trung Quốc và Na Uy tiếp tục giữ các vị trí nước xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới. Tuy nhiên, Rabobank cho rằng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thủy sản Trung Quốc sẽ chậm lại. Một số chuyển dịch về thứ tự các nước xuất khẩu lớn có thể diễn ra do các thách thức về sinh học trong hoạt động nuôi trồng thủy sản hoặc mức độ hiệu quả sản xuất khác nhau.

Top 10 nước nhập khẩu thủy sản lớn nhất dẫn đầu bởi EU, Mỹ, Nhật Bản, nhưng Trung Quốc đang nhanh chóng đuổi kịp

Nhập khẩu thủy sản thế giới cũng cho thấy tăng trưởng giá trị nhanh hơn lượng. Top 5 nước nhập khảu thủy sản lớn nhất thế giới, cả về lượng và giá trị, đều không đổi từ năm 2012 đến nay.

Lưu ý: Dữ liệu nhập khẩu thủy sản Trung Quốc bao gồm dữ liệu nhập khẩu của Hong Kong đối với tất cả các luồng thương mại thủy sản. Đối với nhập khẩu cá hồi và giáp xác, nhập khẩu của Việt Nam cũng được bao gồm vào. Các luồng thương mại thủy sản của Nga cũng bao gồm dữ liệu thương mại của Belarus.

EU vẫn là nhà nhập khẩu lớn nhất các sản phẩm thủy sản và giá trị nhập khẩu tăng 4 tỷ USD trong giai đoạn 2012-2017. Nước nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 là Mỹ, với mức tăng 5 tỷ USD trong cùng giai đoạn. Trung Quốc cũng tăng mạnh nhập khẩu thủy sản, với mức tăng 3 tỷ USD từ năm 2012-2017. Nhập khẩu thủy sản của EU, Mỹ và Trung Quốc chủ yếu tập trung vào cá hồi và giáp xác.

Trong tương lai gần, Rabobank dự báo EU và Mỹ tiếp tục là các nước nhập khẩu thủy sản lớn nhất do nhu càu thủy sản cao. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể sớm vượt qua Nhật Bản. Tình hình dịch tả lợn hiện nay trong sản xuất thịt lợn của Trung Quốc đang dẫn tới tăng tiêu dùng thủy sản. Trong khi đó, tăng trưởng nhu cầu đối với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu, đặc biệt là thủy sản cao cấp do sức tiêu dùng mạnh lên và các lo ngại về an toàn thực phẩm đối với nguồn thủy sản nội bộ tại Trung Quốc.

Thủy sản nuôi trồng vượt qua thủy sản khai thác

Sản lượng khai thác thủy sản đi ngang trong khi sản lượng thủy sản nuôi trồng tiếp tục tăng lên. Rabobank dự báo tăng trưởng sản lượng thủy sản trong tương lai tiếp tục dựa vào hoạt động nuôi trồng, vốn chủ yếu nhờ vào chất lượng con giống tăng lên, các công nghệ nuôi ấp mới, các sáng kiến về thức ăn thủy sản và chuyển dịch sang các công nghệ nuôi hiệu quả hơn, thâm canh hơn.

Năm 2020, sản lượng thủy sản nuôi trồng sẽ vượt sản lượng thủy sản khai thác và sản lượng thủy sản nuôi trồng dự báo vượt 90.000 tấn so với sản lượng khai thác. Tuy nhiên, tăng trưởng sản lượng thủy sản nuôi trồng dự báo sẽ chậm lại so với thập kỷ trước.

Tất cả các phân khúc thủy sản lớn khác đều dự báo tăng trưởng trong những năm tới. Tuy nhiên, tăng trưởng mạnh nhất đối với sản lượng cá nước ngọt và giáp xác nuôi tại các nước đang phát triển tại châu Á, Nam Mỹ và ở mức độ thấp hơn, tại châu Phi. Sản xuất cá hồi tiếp tục tăng, chủ yếu về giá trị, tại châu Âu, Canada, Úc và Chile.

Nguồn cung tại chỗ và nhu cầu thế giới sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng thương mại thủy sản nhưng các luồng thương mại có thể thay đổi

Rabobank dự báo thủy sản tiếp tục là một trong những phân khúc thực phẩm được giao dịch mạnh nhất, do bản chất sản xuất tại địa phương và nhu cầu thế giới của mặt hàng này. Gia công và tái xuất cũng rất phổ biến trong ngành thủy sản – càng gia tăng thêm các luồng thương mại.

Rabobank cũng cho rằng nhu cầu đối với thủy sản cũng tiếp diễn tăng, đặc biệt tăng trưởng tiêu dùng thủy sản nuôi sẽ lấn át tiêu dùng thủy sản khai thác, là yếu tố hỗ trợ tăng trưởng thương mại thủy sản. Tăng trưởng thương mại thủy sản trong những năm gần đây chủ yếu dựa vào các loại thủy sản nuôi trồng, bao gồm các loại giáp xác cao cấp, giá trị cao và các loại cá thịt trắng giá trị thấp hơn từ Đông Nam Á xuất khẩu sang các nước phương Tây. Ngoài ra, những nước tiêu dùng thủy sản lớn như Trung Quốc – nơi cung không thể đáp ứng đủ nhu cầu – sẽ tiếp tục tăng nhập khẩu thủy sản.

Tuy nhiên, các luồng thương mại có thể thay đổi. Chủ nghĩa bảo hộ tăng lên, bất ổn hiện nay trong các mối quan hệ thương mại giữa một số đối tác – nổi bật là Brexit, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, ngành nuôi trồng thủy sản tăng trưởng khác nhau tại các khu vực khác nhau trên thế giới với các côn nghệ mới và các thách thức về sinh học trong ngành protein động vật, như dịch tả lợn châu Phi, có thể làm thay đổi các vận động và các luồng thương mại thủy sản trong những năm tới.

Theo Rabobank
Admin

Sản lượng thủy sản nuôi trồng toàn cầu đạt mức cao chưa từng thấy

Bài trước

Xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 9,2 tỷ USD năm 2003 và dự kiến đạt 9,5 tỷ USD vào năm 2024

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc