Trong một nghiên cứu công bố gần đây trên tập san quốc tế hàng đầu quốc tế về kinh tế nông nghiệp Food Policy, các nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế, đại học Huế và đại học Ghent đã điều tra phản ứng của người tiêu dùng thành thị Việt Nam trước các nhãn chứng nhận sản xuất bền vững trên gạo.
Thông qua các thực nghiệm hành vi thị trường, nghiên cứu chỉ ra mức độ sẵn sàng của người tiêu dùng chi tiêu cho gạo sản xuất và gán nhãn tiêu chuẩn sản xuất quốc gia “VietGAP” tại một siêu thị tại thành phố Cần Thơ thuộc ĐBSCL. Các nhà nghiên cứu cũng đánh giá các điều kiện để người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm cho gạo chứng nhận bền vững. Kết quả cho thấy người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm 9% đối với gạo sản xuất được chứng nhận bền vững so với giá gạo thường. Mức chi trả thêm lên tới 33% khi họ được thông tin chi tiết về ý nghĩa của nhãn dán ghi trên các sản phẩm được sản xuất bền vững và nơi chính xác gạo được sản xuất ra. Người tiêu dùng tự coi mình có ý thức về môi trường và sức khỏe có xu hướng phản ứng mạnh hơn với các nhãn sản xuất bền vững.
Là một trong những nước sản xuất – xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, Việt Nam cần thúc đẩy sản xuất lúa gạo bền vững. Theo nhà kinh tế học cấp cao tại IRRI Matty Demont, “khu vực ĐBSCL đang đối mặt với các thách thức môi trường nghiêm trọng do sử dụng quá mức hóa chất nông nghiệp trong sản xuất lúa gạo. Các cảnh báo an toàn thực phẩm gần đây có thể thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam đối với các chứng nhận sản xuất bền vững trong nông nghiệp”.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra các đường hướng cho các nhà làm chính sách Việt Nam trong công cuộc tái cấu trúc ngành lúa gạo nội địa nhằm cải thiện tính bền vững, uy tín và khả năng cạnh tranh về chất lượng trên thị trường quốc tế.
Theo IRRI
Bình luận