Nhập khẩu thịt gà của Việt Nam tăng vọt. Trung Quốc không thể loại bỏ khả năng các đợt bùng phát dịch cúm lợn châu Phi (ASF) mới.
Nhập khẩu thịt gà của Việt Nam tăng vọt
Trong nửa đầu năm 2018, nhập khẩu thịt gà của Việt Nam đạt gần 88.000 tấn, trị giá 84 triệu USD, tăng khoảng 72% so với cùng kỳ năm 2017. Top 3 nhà cung cấp thịt gà lớn nhất cho Việt Nam là Mỹ, Brazil và Hàn Quốc; trong đó hơn 50% thịt gà đến từ Mỹ. Nhập khẩu thịt của Việt Nam, phần lớn là đùi, cánh và gà mái già, có giá khoảng 1 USD/kg, chỉ bằng nửa giá các sản phẩm thịt gà nội địa. Năm 2017, Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ đã gửi thư thỉnh cầu tới Thủ tướng, Bộ Công thương và Bộ NNPTNT yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với đùi gà Mỹ. Với mức giá thấp như trên, thịt gà nhập khẩu có thể ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi gia cầm nội địa. Tuy nhiên, theo đại diện cơ quan quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, gà nhập khẩu rẻ bởi khẩu vị khác biệt của Việt Nam với các nước xuất khẩu thịt gà.
Trung Quốc không thể loại bỏ khả năng các đợt bùng phát dịch cúm lợn châu Phi (ASF) mới
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho hay hôm 29/8 rằng cơ quan này không thể loại trừ khả năng các đợt bùng phát dịch cúm lợn mới do những lo ngại ngày càng tăng về sự lan rộng của dịch bệnh này trong đàn lợn lớn nhất thế giới tập trung tại Trung Quốc. Cho đến nay, Trung Quốc đã báo cáo 4 đợt bùng phát dịch bệnh cúm ASF tại 4 tỉnh chỉ trong vòng 1 tháng và đã tiêu hủy hơn 25.000 con lợn, nhấn mạnh thách thức kiểm soát dịch bệnh lây nhiễm cao này. Virus đã xuất hiện và lan rộng tại các nước láng giềng của Trung Quốc trong thời gian dài, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho hay. Rủi ro lan truyền dịch bệnh vẫn lớn và Bắc Kinh đã yêu cầu các nhà chức trách địa phương ngừng vận chuyển lợn sống từ các khu vực rủi ro cao và thắt chặt giám sát vận chuyển lợn. Các chính quyền địa phương Trung Quốc cũng đang kiểm tra các trang trại nuôi, các chợ và các lò giết mổ tại các khu vực sản xuất chăn nuôi tập trung và các khu vực có rủi ro cao. “Vấn đê chính là ngăn chặn và kiểm soát”, theo một thương nhân buôn bán lợn từ miền trung Trung Quốc, tên Ni phân tích. “Do ASF chưa có vắc xin hoặc cách chữa trị nên chúng ta cần chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài”.
Theo Asian Agribiz, Reuters
Bình luận