Vấn đề thực phẩm toàn cầu đang trở nên ngày một nghiêm trọng do giá tăng và chủ nghĩa bảo hộ lây lan khắp nơi, nhưng một chuyên gia an ninh lương thực cho rằng có cơ hội để các chính phủ có thể ngăn chặn tình trạng trở nên tồi tệ hơn nếu họ học được bài học từ cuộc khủng hoảng năm 2008: không hoảng loạn. Với chỉ số đo lường giá thực phẩm toàn cầu liên tục phá kỷ lục sau cuộc tấn công của Nga và Ukraine, một loạt các nước đã tiến hành các động thái giảm xuất khẩu nông sản, từ lúa mỳ và đường tới dầu ăn, càng làm trầm trọng thêm rủi ro an ninh lương thực cho phần còn lại của thế giới. Thời tiết xấu cũng là một mối lo khác. Dù vậy, trong khi giá lúa mỳ, ngô và đậu tương tăng vọt, gạo – ngũ cốc thiết yếu cho hơn 3 tỷ người – cho tới nay vẫn ổn định.
Nếu các nước không hoảng loạn hoặc bắt đầu tích trữ thì có thể ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng tương tự năm 2008, khi giá gạo tăng vọt và đẩy an ninh lương thực khu vực này vào rủi ro nghiêm trọng, theo ông Peter Timmer, giáo sư danh dự tại đại học Harvard, người nghiên cứu an ninh lương thực nhiều thập kỷ qua. “Bài học năm 2008 là: đừng khiến thị trường hoảng sợ”, ông Timmer cho hay, là người làm việc với các chính phủ châu Á về các phản ứng chính sách của họ trong cuộc khủng hoang lương thực. “Hãy cẩn trọng với bất cứ điều gì khi nói đến nhập khẩu, xuất khẩu hay kiểm soát thương mại gạo”.
Tình trạng hiện không thể leo thang hơn. Các nhà làm chính sách từ Mỹ tới Trung Quốc đang đối mặt với lạm phát leo thang và tăng trưởng chậm lại, trong khi người tiêu dùng đối mặt với chi phí sinh hoạt tăng nhanh và tình trạng đói đang lan rộng. Gạo – lương thực với tỷ trọng 90% được sản xuất và tiêu thụ tại châu Á – là một trong những lương thực quan trọng nhất.
Cuộc khủng hoảng năm 2008 đã mang tới bài học quan trọng trong đó nhấn mạnh cách các cú shock cho chính sách mà các chính phủ ban hành có thể gây ra đối với giá hàng hóa. Giá gạo tăng vọt vào thời gian đó chủ yếu do lệnh cấm xuất khẩu từ các nước sản xuất lớn, đáng chú ý là Ấn Độ và Việt Nam do thiếu hụt nguồn cung trong nước và giá tăng. Động thái đó đã châm ngòi cho hành vi tranh nhau mua từ các nước khác, bao gồm Philippines, gây nên hiệu ứng lan truyền.
Có một số điểm tương đồng với tình trạng hiện nay. Giá nhiên liệu tăng, thời tiết xấu và các lệnh cấm xuất khẩu góp phần đẩy giá thực phẩm tăng, cũng như lần trước, mặc dù lần này cuộc chiến tại Ukraine tạo ra một chiều kích mới, quan trọng khác. Năm 2022, giá nông sản tăng vọt, một số chính phủ đã chuyển sang trạng thái bảo vệ nguồn cung trong nước: Indonesia hạn chế xuất khẩu dầu cọ, Malaysia cấm xuất khẩu thịt gà; trong khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu lúa mỳ và đường.
Trong khi có nhiều lo ngại nổi lên cho rằng gạo là hàng hóa tiếp theo, xét tới vị thế quan trọng tuyệt đối với an ninh lương thực và ổn định chính trị tại châu Á, tình hình hiện nay cũng có nhiều khác biệt với năm 2008. Ông Timmer cho hay các nước đều đang đa dạng hóa thói quen ăn uống và xây dựng kho dự trữ lớn để ngăn chặn shock giá.
Thực tế, nguồn cung gạo hiện khá dồi dào, có thể giúp giảm bớt áp lực lên lúa mỳ vốn đã chạm mức giá kỷ lục vào tháng 3. Người tiêu dùng tại Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á có thể chuyển đổi tương đối dễ dàng từ lúa mỳ sang gạo – như trong mì gói và bánh – để tiết kiệm khoảng 30 – 40 triệu tấn lúa mỳ cho thị trường, theo ông Timmer. “Thị trường lúa mỳ có thể bớt nóng nhờ chia sẻ với thị trường gạo”, ông cho hay. Điều đó có thể khiến giá gạo tăng khoảng 10%, thậm chí 20% nhưng “đó không phải là một cuộc khủng hoảng gạo. Đó là thị trường gạo thích ứng với thực tế là tất cả mọi người cần đến gạo trong khoảng 1 – 2 năm”.
Tuy nhiên, thế giới vẫn lo ngại khả năng Việt Nam có thể áp dụng lệnh hạn chế xuất khẩu do các nhà chức trách lo ngại chi phí phân bón cao tác động lên năng suất và hạn hán đe dọa mùa màng tại ĐBSCL, ông Timmer cho biết. Việt Nam từng ban hành lệnh hạn chế xuất khẩu gạo trong cuộc khủng hoảng năm 2008, và Ấn Độ tiếp bước.
Nếu điều đó xảy ra và các nước Đông Nam Á khác cũng có động thái tương tự thì “một thảm họa thực sự” sẽ xảy ra ở châu Phi – vốn phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu gạo. Châu lục này cũng đang gặp khó khăn do gián đoạn nguồn cung lúa mỳ từ khu vực biển Đen và không thể chống đỡ một cuộc khủng hoảng gạo, ông Timmer cho hay.
Theo Bloomberg
Bình luận