Các doanh nghiệp phân bón ghi nhận lợi nhuận kỷ lục, triển vọng kinh doanh sáng lạn
Các nhà phân tích dự báo rằng ngành phân bón Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong ngắn hạn nhờ những cơ hội để tăng thị phần trên thị trường quốc tế. Nhiều doanh nghiệp phân bón báo cáo lợi nhuận rất cao trong năm 2021 do giá phân bón cao, nhu cầu tăng vọt trong khi nguồn cung giảm mạnh. Nhu cầu tích trữ thực phẩm tăng là dấu hiệu tích cực cho các công ty phân bón trong nước.
Lợi nhuận tăng
Công ty phân bón Phú Mỹ báo cáo tổng doanh thu năm 2021 lên tới 12.830 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 3.600 tỷ đồng, tăng lần lượt 63% và 324% so với năm 2020. Với kết quả này, công ty vượt mục tiêu doanh thu tới 54% và lợi nhuận thực tế cao gấp 8,2 lần so với mục tiêu cả năm. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất mà công ty ghi nhận trong 10 năm qua.
CTCP Phân bón Cà Mau – Petro Việt Nam (DCM) năm 2021 đạt tổng doanh thu 10.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.820 tỷ đồng, tăng 30% về doanh thu và cao hơn gấp gần 3 lần lợi nhuận năm 2020. Đây cũng là kết quả kinh doanh cao nhất trong 10 năm hoạt động. Với các kết quả trên, DCM vượt doanh thu mục tiêu 9% và lợi nhuận mục tiêu 110% cho cả năm 2021. Công ty cho rằng nguyên nhân khiến lợi nhuận liên tục tăng là nhờ giá bán các sản phẩm phân urea tăng mạnh trong những năm gần đây. Trong quý 3/2021, giá bán các sản phẩm phân urea trung bình tăng hơn 64% so với cùng kỳ năm 2020. Xu hướng tăng giá chủ yếu do nguồn cung phân bón toàn cầu không đáp ứng đủ nhu cầu và các chính sách thắt chặt xuất khẩu của các nước như Nga và Trung Quốc. DCM cũng chính thức đưa vào hoạt động nhà máy phân bón NPK với công suất 300.000 tấn hàng năm, sau khi bắt đầu sản xuất thử nghiệm từ tháng 4/2021, giúp cải thiện mạnh mẽ sản lượng phân NPK trong năm 2022.
Tập đoàn Hóa chất Quốc gia (Vinachem) thông báo doanh thu hợp nhất năm 2021 đạt mức kỷ lục 51.200 tỷ đồng, vượt 16% kế hoạch cả năm và tăng 24% so với năm 2020. Lợi nhuận của các công ty thành viên Vinachem cũng tăng, bao gồm CTCP Phân bón miền Nam (SFG) tăng tới 12 lần, CTCP DAP – Vinachem (DDV) tăng tới 6,7 lần và CTCP Hóa chất Việt Trì (HVT) tăng 2 lần.
Theo Cục BVTV thuộc Bộ NNPTNT, trong 9 tháng đầu năm 2021, sản lượng phân bón nội địa đạt 5,7 triệu tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2020. Theo Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu phân bón của Việt Nam đạt hơn 1,2 triệu tấn, trị giá gần 459,28 triệu USD, tăng 11,6% về lượng và 45,6% về giá trị. Giá xuất khẩu trung bình là 381,2 USD/tấn, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong tháng 12/2021, theo sát xu hướng giá phân urea trên thị trường thế giới, giá phân urea tại Việt Nam tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020, chạm mức 18.000 đồng/kg. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo giá phân bón sẽ tiếp tục tăng cho tới cuối quý 1/2022.
Vào cuối năm 2021, Trung Quốc và Nga – hai trong số 3 nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới – quyết định tạm ngừng xuất khẩu phân bón để bình ổn nguồn cung trong nước và kiểm soát lạm phát. Quyết định này có thể kéo dài tới cuối quý 2/2022. Theo báo cáo từ IndexBox, trong năm 2020, 3 nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới, bao gồm Nga, Trung Quốc và Canada, chiếm 35% tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón toàn cầu. Do đó, quyết định tạm ngừng xuất khẩu của 2 nước có tác động mạnh lên thị trường phân bón thế giới và giá phân bón được dự báo tiếp tục neo cao trong nửa đầu năm 2022.
Nguy – cơ
Theo Mordor Intelligence, một tổ chức tư vấn và phân tích thị trường, ngành phân bón Việt Nam sẽ tăng trưởng 4,9%/năm trong giai đoạn 2021 – 2026. Để đáp ứng nhu cầu nội địa, Nam Phi và Hàn Quốc đang chủ động tìm kiếm các nhà cung cấp mới, có thể giúp Việt Nam tăng xuất khẩu phân bón. Trong tháng 11, Hàn Quốc quyết định nhập khẩu 10.000 tấn phân urea từ Việt Nam. CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam hy vọng Việt Nam có thể tạn dụng lợi thế cơ hội hiếm hoi này để tăng thị phần trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, nhu cầu tích trữ thực phẩm tăng là một yếu tố tích cực cho ngành phân bón. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo tiêu dùng gạo toàn cầu niên vụ 2021/22 đạt 510,9 triệu tấn, tương đương mức tiêu dùng trong niên vụ vừa qua. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ của Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới – đạt 16,5 triệu tấn, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam dự báo đạt 6,3 triệu tấn trong năm 2022. Theo báo cáo từ Bộ NNPTNT, diện tích trồng lúa sẽ giảm khoảng 39.000ha nhưng năng suất tăng gần 190kg/ha so với năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2021 tương đương năm 2020 nhưng giá trị xuất khẩu đạt khoảng 3,27 tỷ USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2020.
CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết các ngành nông nghiệp và phân bón có mối quan hệ tương hỗ nên các kết quả này là dấu hiệu tích cực cho các công ty phân bón trong nước. Bên cạnh các thuận lợi, các doanh nghiệp phân bón cũng sẽ đối mặt nhiều rủi ro. Theo CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam, chính phủ sẽ can thiệp vào giá bán phân bón cho trồng lúa – hàng hóa nông sản được coi là hàng hóa thiết yếu – đặc biệt trong bối cảnh thiếu hụt thực phẩm hậu COVID-19. Chính phủ có thể ban hành các quy định buộc các công ty phân bón hạ giá bán để hỗ trợ nông dân. Từ tháng 7/2021, dưới áp lực giá phân bón tăng phi mã, Bộ Công thương đã yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tăng dự trữ phân bón để đảm bảo nguồn cung không bị gián đoạn.
Theo VNS
Bình luận