Ấn Độ - từ mối đe dọa trở thành cứu tinh thị trường đường thế giới
Ấn Độ có thể là nước duy nhất có khả năng giải quyết thâm hụt nguồn cung đường toàn cầu khi mùa sản xuất tại Brazil kết thúc, đưa Ấn Độ từ mối đe dọa trở thành vị cứu tinh bảo toàn tính ổn định của thị trường đường toàn cầu. “Không có Ấn Độ bù đắp vào lượng thâm hụt, từ tháng 11/2021 tới tháng 3-4/2022, thị trường đường toàn cầu sẽ thiếu nghiêm trọng nguồn cung”, theo ông Paulo Roberto de Souza, CEO của Alvean Sugar SL, nhà giao dịch đường lớn nhất thế giới.
Các chính sách ngành đường Ấn Độ - bao gồm trợ cấp lớn – đã bị nhiều nước cạnh tranh xuất khẩu trong Tổ chức Thương mại Thế giới bao gồm Brazil và Úc, đặt ra nghi vấn nhiều năm qua. Trong một cuộc phỏng vấn, ông Souza cho biết hoạt động mua sẽ trở nên sôi động hơn do hạn hán gây thiệt hại cho sản xuất tại Brazil và giá hàng hóa này đang có xu hướng tăng, cộng với cước vận chuyển đường biển tăng mạnh. Ông cho biết các nước tiêu thụ đường phụ thuộc nặng nề vào tồn kho hiện có trong năm qua để tránh phải trả cước vận chuyển cao và giá đường cũng tăng, nên hiện tồn kho đã ở mức rất thấp. “Lúc này họ không có lựa chọn nào khác ngoài đặt hàng”, ông dự báo đơn hàng trên thị trường sẽ tăng lên và các nhà sản xuất Ấn Độ sẽ đáp ứng nhu cầu này nhưng với mức giá tăng.
Giá đường đang ở mức cao nhất kể từ đầu năm 2017, chủ yếu do sản lượng thấp tại Brazil sau khi hạn hán và các đợt lạnh bất thường tràn tới. Ban nghiên cứu của Alvean cho rằng sản xuất đường của Brazil sẽ không cải thiện đáng kể trong niên vụ tới, và sản lượng mía sẽ dao động trong khoảng 530 triệu tấn và sản lượng đường khoảng 32 – 32,5 triệu tấn tại khu vực sản xuất trọng yếu là vùng trung nam nước này. “Các cánh đồng mía chịu thiệt hại nặng nề và khả năng năm tới La Nina sẽ diễn ra, nghĩa là lượng mưa giảm tại khu vực trung nam”, ông Souza cho hay.
Alvean dự báo thâm hụt nguồn cung đường tăng gần gấp đôi trong niên vụ 2021/22 (kéo dài từ tháng 10 năm trước tới tháng 9 năm sau) so với niên vụ trước, lên 6 triệu tấn, đồng thời tiêu dùng đường toàn cầu tăng 1,2% trong niên vụ 2021/22 so với mức tăng 0,7% trong niên vụ trước do ngày càng nhiều nước mở cửa trở lại sau đại dịch. Ông Souza cho biết giá đường sẽ tiếp tục tăng cho tới khi đủ hấp dẫn để kéo Ấn Độ vào lấp đầy thâm hụt trên thị trường. Ông cho biết giá đường xuất khẩu tính theo tương đương giá nội địa – hiện ở mức khoảng 21 cents/lb, cao hơn giá đường tương lai trên thị trường New York.
Theo Reuters
Bình luận