Việt Nam đang hy vọng sẽ sớm tung ra thị trường vắc xin thương phẩm cho dịch tả lợn trong vài tháng tới, trở thành nước đầu tiên thành công về sản xuất vắc xin cho dịch bệnh này, nhưng vấn đề chi phí và an toàn sẽ vẫn là dấu hỏi cho các công ty ngành chăn nuôi.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến tuần vừa qua thông báo Việt Nam chuẩn bị chính thức tung ra vắc xin thương phẩm điều trị dịch tả lợn (ASF) vào cuối ký 3/2021. Tháng 3/2021, ông Tiến từng đưa ra kỳ vọng vào mốc cuối quý 2 hoặc đầu quý 3 để triển khai vắc xin thương phẩm. “Vắc xin có khả năng bảo vệ 100% đối với lợn đã được tiêm phòng. Trong điều kiện sản xuất, vắc xin bảo vệ khoảng 80% lợn được tiêm, hiện đang tiếp tục được theo dõi trong 3,5 tháng sau khi tiêm. Cho tới nay, đã có 5 đợt thử nghiệm thành công vắc xin này, với tỷ lệ kháng bệnh tới 94,7%”, ông Tiến cho biết hồi thagns 3.
Sản xuất vắc xin dịch tả lợn là một trong những ưu tiên hàng đầu cho nông nghiệp và phát triển nông thôn do dịch bệnh này đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho chăn nuôi lợn và các ổ dịch vẫn tiếp tục xuất hiện.
Thống kê từ Bộ NNPTNT cho thấy từ đầu năm đến cuối tháng 5, Việt Nam báo cáo 718 ổ dịch tả lợn tại 162 quận huyện thuộc 37 tỉnh thành. Con số lợn bị tiêu hủy là khoảng 36.000 con. Cho tới nay, số lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn lên tới 6 triệu con, gây thiệt hại khoảng 1,2 tỷ USD cho các công ty và hộ chăn nuôi lợn. Ước tính dịch tả lợn tác động lên sinh kế của 2,5 triệu hộ chăn nuôi tại Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn VIR, một đại diện từ một công ty chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài cho biết vẫn chưa nhận được thông tin chính thức về vắc xin dịch tả lợn, ngoại trừ thông tin truyền thông. Đồng thời, ông cũng chưa nhận được bất cứ chào hàng nào từ nhà sản xuất cũng như thông tin chính thống về chất lượng và khả năng bảo vệ vật nuôi của loại vắc xin này. “Chúng tôi vẫn đang đợi nhưng thật lòng, tôi vẫn lo ngại về tính khả thi của lịch trình bán vắc xin thương phẩm”, ông bày tỏ. “Vắc xin này sẽ được phát triển dựa trên gene từ Mỹ nên giá bán có thể ở mức cao, sẽ khiến các công ty chăn nuôi phải cân nhắc thận trọng và các hộ chăn nuôi có thể phải từ chối sử dụng”. Ông cũng lo ngại về khả năng bảo vệ của loại vắc xin này trong bối cảnh các biến thể mới của virus dịch tả lợn đã được xác định. “Tại công ty của chúng tôi, chúng tôi quyết tâm chủ động triển khai các biện pháp an ninh sinh học hiện vẫn là giải pháp tốt nhất để ngăn ngừa sự lây lan của dịch tả lợn”.
Hiện CTCP Thú y Quốc gia Navetco thuộc Bộ NNPTNT là cơ sở duy nhất nghiên cứu để sản xuất vắc xin dịch tả lợn dựa trên hợp tác quốc tế. Vắc xin này được phát triển dựa trên nguồn gene từ Mỹ, vốn đã nghiên cứu loại virus này trong thập kỷ qua. Tháng 2/2020, Việt Nam yêu cầu Mỹ chuyển giao các mẫu gene biến đổi của virus dịch tả lợn mà nước này đã phát triển, để triển khai sản xuất vắc xin.
Bên cạnh đó, hàng loạt các cơ quan tổ chức được yêu cầu nghiên cứu vắc xin cho dịch tả lợn. Đại học Nông nghiệp bắt đầu nghiên cứu một loại vắc xin từ tháng 3/2020 và cho tới nay đã phát triển 4 loại vắc xin, một trong số này cho thấy kết quả đáng khích lệ trong 13/14 con lợn được kiểm tra. Các nhóm nghiên cứu của Học viện Khoa học Nông nghiệp cũng đã tạo ra một loại vắc xin được thử nghiệm trên 3 trang trại chăn nuôi lợn tại các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam và Thái Bình. Trong tổng số các vật nuôi được tiêm, 16/18 con lợn nái và toàn bộ 15 lợn thịt đều trong tình trạng khỏe mạnh sau 2 tháng, với một số lợn nái đã cho lợn con khỏe mạnh.
Trong khi chờ đợi một loại vắc xin chính thức và triển khai các biện pháp an ninh sinh học, Bộ NNPTNT cũng giao Học viện Nông nghiệp hợp tác với các chuyên gia nước ngoài nghiên cứu và làm rõ cơ chế sống sót của lợn trong các ổ dịch. Cho tới nay, sau nhiều lứa, lợn được nghiên cứu vẫn có kháng thể cao đối với ASF.
Theo VIR
Bình luận