Thị trường tôm châu Âu rất đa dạng và thường phân chia thành 2 phần: thị trường tôm Tây Bắc Âu – có nhu cầu cao hơn cho khu vực bán lẻ và đối với tôm chế biến, và thị trường tôm Nam Âu – là khu vực tập trung chế biến và có nhu cầu cao hơn đối với tôm HOSO cũng như tôm đỏ nguyên con cho ngành nhà hàng – khách sạn và dịch vụ ăn uống.
Tại miền nam châu Âu, từ giữa năm 2020, giá nhập khẩu trung bình đang giảm xuống mức thấp hơn năm ngoái và chỉ phục hồi nhẹ vào cuối năm 2020. Giá nhập khẩu trung bình giảm chủ yếu do giá tôm Ecuador khi thị phần của Ecuador trong nhập khẩu tôm của Nam Âu tăng. Khu vực này là một trung tâm chế biến lớn, đặc biệt tại Tây Ban Nha, Ý và một số khu vực của Pháp, và hiện với hạn ngạch thuế tự động, vẫn còn khoảng 32.000 tấn trong tổng cộng 48.000 tấn của năm 2021 mở ra cho các nước xuất khẩu. Do đó, vẫn còn rất nhiều cơ hội nhập khẩu tôm với mức thuế 0%, đặc biệt có lợi cho Ecuador – nước chưa có thỏa thuận thương mại tự do với EU.
Tại Bắc Tây Âu, giá nhập khẩu tôm chỉ giảm nhẹ so với tại Nam Âu. Tỷ trọng của tôm Ecuador tại Bắc – Tây Âu cũng tăng và Việt Nam vẫn là một nguồn cung cấp tôm quan trọng, ổn định cho khu vực này. Thị trường có nhu cầu cao đối với các sản phẩm bền vững và nhu cầu đối với các sản phẩm có những nhận đang giúp duy trì tăng trưởng nhu cầu đối với cả tôm thẻ và tôm sú. Thông thường thị trường sẽ có nhu cầu đối với tôm thẻ có chứng nhận bởi loại tôm này chủ yếu phân phối cho ngành bán lẻ, hơn là tôm sú, vốn thường tập trung cung cấp cho ngành khách sạn và nhà hàng.
Từ tháng 1/2021, giá tôm Ecuador bắt đầu tăng, chủ yếu do nhu cầu tăng tại Trung Quốc và thị phần tăng tại cả thị trường Mỹ và EU. Đối với Ấn Độ, số ca COVID-19 tăng vọt đang tác động mạnh tới việc giao hàng từ nước này tới châu Âu. Vụ thu hoạch tôm đầu tiên tại Andhra Pradesh đã chính thức bắt đầu nhưng nông dân thu hoạch sớm do lo ngại các bất ổn liên quan tới COVID-19 và các vấn đề logistics khi hoạt động hàng không đóng cửa và các nhà máy phải hoạt động với công suất thấp, dẫn tới câu hỏi liệu Ấn Độ có thể quay trở lại cung cấp tôm cho thị trường thế giới hay không. Về Việt Nam, một nhà cung cấp tôm lớn khác cho thị trường châu Âu, tình trạng thiếu hụt container liên miên khiến hoạt động giao hàng bị kéo dài và chậm trễ. Đồng thời, giá tôm thẻ tại ĐBSCL đang giảm trong thời gian gần đây, có thể do các vấn đề liên quan tới container hoặc áp lực mà các nhà chế biến tạo ra để duy trì biên lợi nhuận ổn định. Một số nhà nhập khẩu châu Âu cho biết họ đang dịch chuyển nguồn cung từ Ấn Độ sang Việt Nam do một số lợi thế liên quan đến EUVFTA, tính bền vững cao hơn và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Về triển vọng các thị trường tôm châu Âu, tình hình COVID-19 đang cải thiện khi tiến độ tiêm vắc xin đang tăng lên tại ngày càng nhiều khu vực và châu Âu bắt đầu mở cửa. Tại Bắc – Tây Âu, mùa hè là mùa cao điểm tiêu dùng tôm và hoạt động thu mua đã gần như hoàn thiện ngay cả khi mức tồn kho tại khu vực này không cao do những nhà giao dịch Bắc Tây Âu vẫn trong tâm lý cẩn trọng và cần đánh giá rủi ro nguồn nguyên liệu. Đồng thời, họ đang hứng chịu thiệt hại tài chính trong suốt thời gian đại dịch nên nguồn tài chính của họ không còn dồi dào để liên tục mua vào và tích trữ. Nhu cầu trong ngành bán lẻ vẫn ở mức cao, chủ yếu nhờ nhu cầu đối với các sản phẩm tiện lợi, trong khi ngành dịch vụ ẩm thực đang dần mở cửa trở lại. Các lệnh hạn chế đối với dịch vụ ăn uống ngoài hiên và ngoài trời đã được dỡ bỏ, trong khi các quy định liên quan đến các dịch vụ ăn uống trong nhà đang dần được nới lỏng.
Tại miền Nam châu Âu, đặc biệt tại Pháp, Ý và Tây Ban Nha, các biện pháp chống dịch cũng được nới lỏng và chiến dịch tiêm vắc xin đã triển khai, các lệnh giới nghiêm đã hoàn toàn được dỡ bỏ tại một số nước miền nam châu Âu. Ngành chế biến đang dần hoạt động trở lại và chuẩn bị không chỉ cho mùa hè mà còn cho cả mùa Giáng sinh để tránh tình trạng chậm giao hàng. Tại Tây Ban Nha, một trong những nước có lượng khách du lịch lớn nhất, các nhà chức trách đang mở cửa biên giới cho các khách du lịch đã tiêm vắc xin. Nhà hàng đã mở cửa trở lại tại hầu hết các khu vực, mặc dù vẫn còn một số hạn chế, và các khách sạn đã bắt đầu đón tiếp khách với một số quy trình an toàn dịch bệnh.
Triển vọng chung cho thị trường tôm châu Âu
Nhu cầu tôm dự báo tăng do ngành dịch vụ ăn uống mở cửa trở lại khi ngày càng nhiều tự tin về việc ra ngoài dùng bữa. Tuy nhiên, người tiêu dùng châu Âu vẫn đang có xu hướng tránh rủi ro do những rủi ro triền miên từ các nước sản xuất như Ấn Độ và Việt Nam. Các nút thắt cổ chai về logistic, nguồn cung container sẵn sàng sử dụng và trễ giao hàng, nguồn tài chính và năng lực bật trở lại sau các thua lỗ là các yếu tố ảnh hưởng tới triển vọng thị trường tôm châu Âu. Các nhà giao dịch thủy sản châu Âu không chỉ đang tìm kiếm các nguồn cung thay thế tại châu Mỹ Latin hoặc một số nước châu Á khác như Malaysia mà cả nguồn cung nội khối châu Âu để giảm thiểu rủi ro về các vấn đề logistics và chi phí. Nhìn chung, độ tin cậy hiện là yếu tố quan trọng hơn cả về giá cả đối với các nhà giao dịch châu Âu do tình hình hiện tại ở phần lớn các nước sản xuất và họ có thể tiếp tục duy trì tồn kho ở mức thấp.
Triển vọng tiêu dùng tôm sẽ nghiêng về ngành bán lẻ hay ngành dịch vụ ăn uống? Có thể sẽ có sự chuyển dịch từ ngành bán lẻ sang ngành dịch vụ ăn uống khi ngành này bắt đầu mở cửa trở lại nhưng tình hình ngắn hạn vẫn cần theo dõi thêm.
Theo Undercurrent News
Bình luận