Dịch tả lợn quay trở lại châu Á
Dịch tả lợn đang quay trở lại châu Á, đe dọa những nỗ lực lớn của khu vực này trong khôi phục lại chăn nuôi lợn sau khi dịch tả lợn làm chết hàng chục triệu con lợn và gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng protein thịt.
Các đợt bùng phát mới được báo cáo từ Trung Quốc và Việt Nam trong năm 2021, và dịch bệnh thậm chí đã tiến tới Malaysia. Trong khi các ổ dịch mới còn rải rác và khá cô lập, diễn biến này cũng đủ khiến các chính phủ phải chú ý tới thực tế rằng rủi ro dịch bệnh vẫn còn rất rõ rệt và có thể gây ra những hậu quả khó lường nếu không đưa vào tầm kiểm soát.
Dịch bệnh này gây thiệt hại lớn cho chăn nuôi lợn nhưng không lây sang người. Hiện thế giới chưa có vắc xin ngăn ngừa dịch tả lợn và các nhà chức trách đang phụ thuộc vào các biện pháp an toàn sinh học nghiêm ngặt để kiểm soát dịch bệnh. Dưới đây là tổng hợp những diến biến mới nhất về dịch tả lợn theo từng nước.
Trung Quốc
Trung Quốc – nước chiếm một nửa quy mô chăn nuôi lợn toàn cầu – chịu tổn thất lớn nhất bởi dịch tả lợn kể từ khi đợt bùng phát đầu tiên diễn ra vào năm 2018. Trong khi nước này cho rằng dịch bệnh đã được kiểm soát, ngày càng nhiều ổ dịch được phát hiện tại các khu vực khác nhau như Hồ Bắc, Hà Nam, Tứ Xuyên, Vân Nam và Tân Cương. Hong Kong cũng ghi nhận ổ dịch tả lợn.
Đợt bùng phát mới nhất này xuất hiện các chủng mới, nhẹ hơn nhưng khó phát hiện hơn, dẫn tới những nghi ngờ về mục tiêu đạt phục hồi hoàn toàn chăn nuôi lợn vào giữa năm 2021. Tiến độ tsi đàn của Trung Quốc đang được các nhà giao dịch toàn cầu theo dõi chặt chẽ bởi diễn biến này sẽ xác định nhu cầu nhập khẩu ngũ cốc TACN và thịt trong năm 2021. Trung Quốc đã mua một lượng kỷ lục đậu tương, ngô và thịt từ các nhà cung cấp nước ngoài trong năm 2020, châm ngòi cho một đợt tăng giá trên khắp các thị trường hàng hóa này.
Có những dự báo rằng giá thịt lợn – một thành tố chính của lạm phát – tại Trung Quốc sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian tới, đồng thời nhập khẩu thịt tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục. Trong một dấu hiệu cho thấy sự lo lắng của chính phủ về những đợt bùng phát mới nhất này, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã cam kết sẽ tăng cường triệt phá các loại vắc xin phi pháp, gắn với sự nổi lên của các chủng virus mới.
Bà Lin Guofa, nhà phân tích cấp cao tại Bric Agriculture Group, ước tính suy giảm công suất chăn nuôi lợn thịt sẽ được giới hạn ở mức 10% trong năm 2021 do dịch bệnh chủ yếu tập trung tại các khu vực miền Bắc và tình hình tại các khu vực khác tương đối ổn định.
Việt Nam
Việt Nam đã tiêu hủy khoảng 2.000 con lợn từ đầu năm 2021 tính tới hết tháng 2 vừa qua, sau khi các ổ dịch tả lợn nhỏ được báo cáo, theo Bộ NNPTNT cho hay. Hơn 20 vùng trên cả nước báo cáo có các ổ dịch mới.
Quy mô chăn nuôi lợn của Việt Nam hiện ở mức 27,3 triệu con tính tới cuối tháng 12/2020, tương đương 89% so với quy mô đàn trước khi dịch bệnh bùng nổ vào năm 2019 và dẫn tới tổn thất tới gần 6 triệu con lợn. Viêt Nam dự kiến bắt đầu sản xuất vắc xin phòng dịch tả lợn từ cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7.
Malaysia
Malaysia báo cáo ổ dịch tả lợn đầu tiên vào tháng 2/2021 và cho biết 3.000 con lợn tại bang Sabah đã bị tiêu hủy. Các cuộc điều tra bắt đầu khởi động sau khi phát hiện một con lợn rừng bị chết và mẫu đưa đến phòng thí nghiệm xác nhận virus xuất hiện ở các cá thể lợn khác, bao gồm loại lợn râu Bornean hiện đang trong danh sách dễ bị tổn thương theo International Union for Conservation of Nature.
Tính tới ngày 7/3, chính quyền Sabah cho biết virus dịch tả lợn đã lây lan sang các quận khác nhưng các trang trại chăn nuôi lợn thương phẩm, cung cấp phần lớn các sản phẩm thịt lợn cho bang này vẫn chưa phát hiện dịch bệnh. “Mặc dù dịch tả lợn không lây lan sang người nhưng có thể gây ra thiệt hại kinh tế rất lớn cũng như làm gián đoạn phúc lợi cộng đồng”, theo một quan chức chính phủ cho hay.
Hàn Quốc
Hàn Quốc không thông báo ổ dịch mới từ tháng 10 và cho biết sẽ tăng cường các biện pháp phòng ngừa khi mùa sinh sản của lợn hoang sắp diễn ra từ tháng 4 – 5 hàng năm, Lợn hoang là thủ phạm chính trong việc lây lan dịch bệnh từ biên giới phía bắc của đất nước đến các trang trại địa phương.
Vào cuối tháng 2 vừa qua, Hàn Quốc đã thắt chặn kiểm dịch biên giới giữa bối cảnh các báo cáo về ổ dịch tả lợn mới tại nhiều khu vực ở châu Á, theo Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc.
Theo Bloomberg
Bình luận