Chính phủ Ấn Độ hiện cân nhắc không kéo dài chính sách trợ cấp xuất khẩu đường cho niên vụ 2020 – 21 đã bắt đầu trong tháng này do giá đường quốc tế ổn định, theo Bộ trưởng Thực phẩm và Thương mại Piyush Goyal cho biết. Ấn Độ, nước sản xuất đường lớn thứ 2 thế giới đã buộc phải triển khai trợ cấp xuất khẩu trong 2 năm vừa qua để giảm thặng dư đường khổng lồ tại nước này và giúp các nhà máy đường khan tiền có nguồn tài chính trả cho nông dân trồng mía.
Trong niên vụ 2019-20 (kéo dài từ tháng 10/2019 – 9/2020), các nhà máy đường Ấn Độ đã xuất khẩu 5,7 triệu tấn đường trong tổng hạn ngạch bắt buộc 6 triệu tấn, theo dữ liệu công bố chính thức. “Trợ cấp xuất khẩu đường hiện không trong diện cân nhắc do giá đường quốc tế ổn định. Nếu có bất cứ yêu cầu gì, chính phủ sẽ đánh giá vào một thời gian thích hợp”, ông Goyal trả lời phỏng vấn trực tuyến cho hay. Ông trả lời về hàng loạt câu hỏi liệu chính phủ Ấn Độ có kéo dài các chính sách trợ cấp xuất khẩu năm thứ 3 liên tiếp hay không. Bộ Nông nghiệp cũng cho hay giá đường nội địa đang ở mức 40 rupee/kg, có thể trang trải chi phí sản xuất cho các nhà máy đường. “Do đó, các nhà máy đường sẽ không đối mặt bất cứ vấn đề gì trong thực hiện các nghĩa vụ thanh toán”.
Thư ký các vấn đề thực phẩm Sudhanshu Pandey cho biết Ấn Độ đã xuất khẩu lượng đường cao kỷ lục trong niên vụ 2019 – 2020. Các chuyên gia cho rằng Ấn Độ cần xuất khẩu hơn 5 triệu tấn đường trong năm nay để đảm bảo giá đường nội địa không sụt giảm xuống dưới chi phí sản xuất và khiến các nhà máy đường chi trả cho người trồng.
Tình hình thặng dư được cho là tiếp tục diễn ra trong niên vụ hiện tại do sản lượng đường nội địa neo ở mức 31 triệu tấn, cao hơn nhiều so với nhu cầu thường niên ở 26 triệu tấn.
Theo Business Standard
Bình luận