Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc ảnh hưởng đến ngành thủy sản ra sao? – Phần 2
Sẽ không phải quá hoang đường khi so sánh những tương đồng giữa Luật Hàng hải 1651 của Anh và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang diễn ra. Luật Hàng hải 1651 do Thượng viện Westminster thông qua, nhằm kìm chế cạnh tranh từ các đội tàu buôn của Hà Lan theo 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là cấm nhập khẩu cá muối – cùng một số hàng hóa khác – bởi các tàu không có quốc hiệu Anh tại Anh và các thuộc địa của Anh vào năm 1651. Giai đoạn 2 dự kiến triển khai 2 năm sau đó, sẽ cấm toàn bộ nhập khẩu cá muối từ các tàu không treo cờ Anh. Nhưng người Anh nhanh chóng phát hiện ra rằng các thương nhân có sở trường đảo ngược bất cứ cản trở thương mại nào; tại các thuộc địa của Anh tại châu Mỹ chẳng hạn, những tay buôn lậu nhanh chóng bắt đầu phá luật.
Năm 2018, tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu khai hỏa cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Mỹ cũng từ từ áp các chính sách thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Hơn nữa, từ khi triển khai các chính sách thuế bổ sung, Undercurrent News đã liên hệ với một số nhà xuất khẩu Trung Quốc cung cấp dịch vụ liên vận sang Mỹ thông qua Việt Nam hoặc các nước Đông Nam Á khác; trong khi tại Canada, có những bằng chứng rõ ràng cho thấy tôm hùm khai thác tại Mỹ đang được vận chuyển tới Trung Quốc nhưng gán nhãn tôm Canada. Một số lượng tôm Mỹ cũng đã bị thu giữ khi cố tuồn vào Trung Quốc qua Việt Nam.
Trong bài thứ 2 về chủ đề này, Undercurrent News xem xét các chính sách thuế của Mỹ lên thủy sản cũng như tác động của các chính sách này lên thương mại và các tuyến buôn lậu. Bài thứ nhất xem xét con đường khiến thương mại thủy sản song phương Mỹ - Trung Quốc trở nên bùng nổ và sau đó bị kéo vào cuộc chiến thuế giữa Trung Quốc và Mỹ.
Cuộc chiến thương mại nóng lên
Danh sách điều chỉnh của cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ của gói hàng hóa lên tới 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị áp thuế 10%, được thông báo vào ngày 10/7, là vòng thứ 3 trong cuộc chiến áp thuế của Mỹ lên hàng hóa Trung Quốc. Lượt đầu liên quan đến áp thuế nhập khẩu thép và nhôm từ Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ; có hiệu lực từ cuối tháng 3. Lượt thứ 2 là thuế áp lên hàng hóa công nghiệp Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD, có hiệu lực từ ngày 6/7. Tuy nhiên, Leo Xie, giám đốc kinh doanh của Guangdong Evergreen Group không cho rằng chính sách thuế 10% sẽ làm thay đổi cục diện cuộc chơi.
Evergreen, một trong những công ty TACN và nuôi trồng thủy sản lớn nhất Trung Quốc, chỉ xuất khẩu một ít các sản phẩm trong danh sách 362 sản phẩm thủy sản mà USTR ban hành. Evergreen không xuất khẩu các sản phẩm như nước ngao (số 270 trong danh sách, mã HS 16030010) hoặc hải sâm (số 355 trong danh sách, mã HS 16056100). Có hàng loạt các nhà xuất khẩu thủy sản Trung Quốc không xuất khẩu các sản phẩm thủy sản trong danh sách và giá trị nhập khẩu năm 2017 của Mỹ của các mặt hàng này từ Trung Quốc bằng 0, dựa trên phân tích của Undercurrent News. Nhưng Evergreen có xuất khẩu cá rô phi phile, mặt hàng nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Mỹ từ Trung Quốc.
“Khi đề xuất mức thuế 10%, vào giữa tháng 8 được công bố, tôi đã thảo luận với các khách hàng về cách chúng tôi có thể xử lý vấn đề này và 99% họ đồng tình rằng họ có thể xoay xở trước tình hình chính sách thuế hiện nay”, theo Xi echo biết hồi đầu tháng 9. Ông cho rằng mức thuế 10% là không đủ để đẩy khách hàng thay đổi quyết định mua hàng xét đến vị trí của Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất nhiều sản phẩm thủy sản nhập khẩu thiết yếu của Mỹ.
“Nhưng sau đó bất ngờ ông Donald Trump cho biết ý định tăng thuế thêm 25% thì những người mua thông báo nếu không thể giao hàng đến Mỹ trước cuối tháng 9 thì bạn không cần gửi đi nữa”. Thông báo áp thuế 25% của ông Trump đẩy rất nhiều tác nhân trong ngành thủy sản ra khỏi biên độ an toàn. Và tình trạng thông báo của người mua tại Mỹ nói trên không chỉ xảy ra đối với ông Xie mà với hàng loạt công ty thủy sản trên khắp Trung Quốc.
Tình hình tương tự xảy ra vào cuối tháng 11, sau khi thời hạn áp chính sách thuế 25% được ấn định từ ngày 1/1/2019, và vẫn còn thời gian để các lô hàng thủy sản Trung Quốc giao đến Mỹ. Mặt khác, thời hạn này cũng khiến một số nhà nhập khẩu cá rô phi Mỹ có thể phải nắm giữ một lượng hàng cá rô phi giá cao.
Với thông báo kiểu nhỏ giọt, USTR xác nhận rằng sẽ chỉ áp thuế 10% từ ngày 24/9. Hơn nữa, sau các nỗ lực vận động hành lang thành công của các công ty Mỹ, các tổ chức thương mại và các chính trị gia, một số sản phẩm thủy sản đã được đưa ra khỏi danh sách đề xuất trong danh sách cuối cùng, như nhập khẩu cá tuyết và cá Pollock Trung Quốc, sau đó là cá hồi Đại Tây Dương.
Tuy nhiên, gần 80% nhập khẩu thủy sản từ Trung Quốc tính theo giá trị vẫn có trong danh sách áp thuế, theo phân tích của Undercurrrent News
Tác động lên thương mại
Cho tới nay, tình hình vẫn không thể dự đoán được. Tuy nhiên, điều chắc chắn là các chính sách thuế và tình hình bất ổn sẽ là rào cản thương mại trong thời gian tới. Dữ liệu thương mại mới nhất cho thấy nhập khẩu thủy sản của Mỹ từ Trung Quốc đã giảm; trong đó, phile cá rô phi đông lạnh, các sản phẩm tôm và các sản phẩm cá ngừ đều có kim ngạch nhập khẩu tháng 10 giảm so với cùng kỳ 2 năm trước đó.
Đầu tiên, về nhập khẩu cá rô phi phile đông lạnh của Mỹ, nhập khẩu tháng 10 giảm, bất chấp mức nhập khẩu cao trong tháng 8 và 9. Những người mua tại Mỹ đã giao dịch mạnh trên thị trường vào tháng 9 và 10 để đảm bảo hàng sẽ cập cảng trước ngày 1/1, nên nhập khẩu có thể sẽ tăng trở lại trong tháng 11 và 12.
Trong tháng 10, sau khi nhập khẩu mạnh hồi tháng 9, nhập khẩu tôm sau đó giảm. Zhanjiang Guolian Aquatic Products trước đó đã nhận định rằng ngành tôm sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi chính sách thuế của ông Trump, ít nhất bởi hiện giá tôm thế giới cũng đang ở mức thấp.
Cuối cùng, sau 1 năm nhập khẩu ổn định trong năm 2017, nhập khẩu cá ngừ từ Trung Quốc trong tháng 10 cũng giảm so với cùng kỳ năm 2016 và 2017. Trong khi các nguồn tin tại Trung Quốc cho biết họ hy vọng sẽ vượt qua được cuộc chiến thuế hiện nay nhờ mối quan hệ giao dịch lâu năm với những người mua tại Mỹ, các thông tin từ Bumble Bee Foods và Thai Union Group, hiện sở hữu thương hiệu Chicken of the Sea, cho thấy chính sách thuế hiện nay đang gây thiệt hại lớn cho ngành cá ngừ.
Các số liệu này cho thấy mức phá giá 10% đồng NDT cũng không thể hấp thụ hết chi phí gia tăng do thuế.
“Tuy nhiên cuộc chiến thương mại đang leo thang, cách tiếp cận của chính phủ Trump đối với Trung Quốc đã “đang trừng phạt Trung Quốc” bằng cách đe dọa rút mạnh đầu tư của Mỹ ra khỏi nước này”, theo Jessica Wasserman, một chuyên gia thương mại tại Washington DC cho hay.
Tác động lên các nhà xuất khẩu Mỹ
Đáng chú ý là xuất khẩu thủy sản Mỹ còn bị tác động nghiêm trọng hơn. Số lượng sản phẩm thủy sản Mỹ bị Trung Quốc áp thuế ít hơn nhưng mức thuế cao hơn và đồng NDT giảm giá đã gây thiệt hại nặng cho xuất khẩu thủy sản Mỹ. Ví dụ, các nhà xuất khẩu tôm hùm Mỹ cho biết xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh.
Các nhà xuất khẩu tôm hùm Mỹ là những người đầu tiên trong ngành thủy sản Mỹ lôi kéo sự chú ý của truyền thông về tác động của cuộc chiến thương mại lên ngành thủy sản. Trong khi rất nhiều ngành khác thấp bại, tôm hùm Mỹ đang tìm đường tới Canada để tái xuất khẩu sang Trung Quốc nhằm tránh thuế.
Trong khi đó, xuất khẩu bột cá Mỹ, chịu tác động nặng nề của chính sách áp thuế 25% của Trung Quốc hồi tháng 9, cũng giảm so với cùng kỳ năm 2017, trong khi một số nhà xuất khẩu cho biết bột cá thịt trắng vẫn đang được ngành nuôi trồng thủy sản Trung Quốc nhập khẩu.
Theo Undercurrent News
Bình luận