Vì sao EU cấm thịt gà Mỹ?
Thịt gà được rửa bằng chlorine tại Mỹ để giả rủi ro nhiễm bẩn và vi khuẩn salmonella. Mặc dù chlorine không phải là độc tốt ở mức sử dụng trong quá trình rửa sạch gà, EU vẫn ban lệnh cấm tất cả các sản phẩm thịt gà Mỹ do cho rằng phương pháp rửa gà trên có thể dẫn đến giảm tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm nói chung. Một số nghiên cứu cho thấy cách xử lý này có thể sản sinh các chất gây ung thư trong thịt nếu mức tập trung chlorine ở mức đủ cao. Và mặc dù FDA của Mỹ vẫn giám sát quy trình rửa gà bằng chlorine, luôn có rủi ro các nhà sản xuất có thể vi phạm định lượng. Gần đây, do kế hoạch Brexit, Anh có thể phải chấp nhận các tiêu chuẩn thực phẩm của Mỹ để mở cửa thương mại với các quốc gia ngoài EU.
Vì sao gà được rửa bằng chlorine tại Mỹ?
Tất cả nguyên nhân đến từ tài chính và tính hiệu quả không gian. Phần lớn nông dân rất quan tâm đến hoạt động chăn nuôi đàn gia cầm nhưng với biên lợi nhuận ngày càng nhỏ, phúc lợi động vật được đặt sang một bên để giảm chi phí. Tại EU, chi phí cũng quan trọng nhưng luật quy định rõ về mức phúc lợi tối thiểu cho động vật nuôi, trong đó có quy định về không gian tối thiểu cho vật nuôi, ánh sáng và hệ thống thông khí cho các nhà xưởng nuôi gia cầm tại EU. Càng có nhiều không gian cho gia cầm di chuyển, lượng gia cầm nuôi ở mỗi khu vực càng ít, qua đó tác động tới chi phí sản xuất.
Tuy nhiên, các quy định như vậy không tồn tại ở Mỹ và gia cầm có thể được nuôi trong các lồng chật chội, hạn chế di chuyển, với rất ít ánh sáng hoặc hệ thống thông khí. Điều này giúp giảm chi phí sản xuất nhưng tăng rủi ro dịch bệnh và nhiễm bẩn trong một đàn gà.
Rửa gà trong dung dịch chlorine mạnh (20 – 50 phần trong mỗi triệu chlorine) là phương pháp rửa nhanh chóng, hiệu quả về chi phí để giết bất cứ vi sinh vật hữu cơ nào trên bề mặt thịt gà, đặc biệt là các vi khuẩn như Salmonella và Campylobacter, giúp ngăn chặn thịt bị nhiễm bẩn trong quá trình giết mổ và moi ruột.
Vì sao phương pháp này bị cấm tại EU?
Thịt gà Mỹ bị cấm tại EU từ năm 1997 bởi phương pháp rửa gà bằng chlorine. Nhưng không phải bởi bản thân quy trình rửa gà này gây nguy hiểm. Theo một báo cáo của Ủy ban Khoa học về các vấn đề thú y của EU, nhấn mạnh rằng phương pháp rửa gà bằng hóa chất có thể hiệu quả trong việc loại bỏ mầm bệnh từ thực phẩm, phụ thuộc vào cách phương pháp tiến hành. Lo ngại thực sự là gia cầm quá bẩn nên không thể được triệt mầm bệnh hiệu quả và rằng phụ thuộc vào rửa gà bằng chlorine có thể dẫn đến giảm các tiêu chuẩn vệ sinh nói chung.
Các nhà chức trách EU cho rằng ngành thực phẩm nên liên tục cải thiện các tiêu chuẩn vệ sinh ở tất cả các bước chế biến – từ trang trại đến bàn ăn – nên đã cấm toàn bộ thịt gà rửa bằng chlorine.
Nhưng tại Mỹ, hiện không có các tiêu chuẩn phúc lợi gia cầm nên phương pháp rửa gà này rất phổ biến. Ngoài ra, có những báo cáo, bao gồm các đoạn video của Cộng đồng Nhân dạo Mỹ cho thấy các phương pháp vô nhân đạo và không vệ sinh đã được sử dụng trong các nhà máy chăn nuôi gia cầm do thiếu các quy định về phúc lợi động vật.
Rủi ro sức khỏe của rửa gà bằng chlorine là gì?
Mặc dù rửa gà bằng chlorine có những lợi ích nhất định, vẫn có những lo ngại liên quan đến phương pháp này. Một số lò mổ và các nhà máy chế biến thịt tại Mỹ phụ thuộc nặng nề vào chlorine bởi các tiêu chuẩn vệ sinh khác quá tồi tệ và chắc chắn không được chấp nhận tại châu Âu. Phương pháp này cũng rất hiệu quả trong việc loại bỏ nhầy nhớt trên bề mặt, nghĩa là thịt có thể có thời hạn sử dụng lâu hơn thông thường.
Chlorine không phải là độc tố ở mức sử dụng trong quy trình rửa thịt và tự nó không gây ra ung thư. Nhưng các nghiên cứu chỉ ra rằng cách xử lý này có thể tạo ra những chất gây ung thư như semicarbazide và trihalomethanes hình thành trong thịt gia cầm nếu hàm lượng chlorine đủ nhiều. Cơ quan Giám sát và An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS) đã đặt ra những hạn mức để ngăn chặn điều này nhưng luôn có rủi ro quy định bị vi phạm.
Có nhiều bằng chứng hỗ trợ cho lệnh cấm của EU hay không?
Lệnh cấm của EU mang tính phòng ngừa hơn là dựa vào các bằng chứng thực nghiệm. Khi lệnh cấm được đưa ra, các nhà chức trách quan tâm đến vấn đề các nhà sản xuất thực phẩm tập trung vào vệ sinh nói chung, thay vì dựa vào chỉ một cách xử lý hóa chất để loại bỏ các vi hữu cơ. Ngoài ra, người ta cũng tin rằng xử lý hóa chất có thể gia tăng vấn đề kháng kháng sinh.
Kết quả là EU đưa ra lệnh cấm dựa trên các quy định vệ sinh cụ thể liên quan đến vệ sinh thực phẩm. Các quy định này cấm sử dụng bất cứ thứ gì ngoài nước để loại bỏ chất bẩn ở thịt và đạt mục tiêu cấm thịt gà Mỹ xử lý bằng hóa chất để làm sạch. Tuy nhiên, Cơ quan An toàn Thực phẩm EU không có bằng chứng kết luận rằng các hóa chất chống khuẩn sử dụng trong quy trình xử lý thực phẩm góp phần gây ra tình trạng kháng kháng sinh.
Theo Business Insider
Bình luận