Hạt tiêu

Nông dân trồng hạt tiêu không có chứng nhận GI Campuchia thiệt thòi về giá

Trong khi hạt tiêu Kampot có chỉ dẫn địa lý (GI) có thể đòi hỏi giá tốt trên thị trường, những nông dân trồng hạt tiêu còn lại tại Campuchia đang trải qua đợt giảm giá tồi tệ  do thiếu nhu cầu, theo Hiệp hội Hạt tiêu Memot cho hay. Tuy nhiên, Bộ Thương mại Campuchia chỉ ra chính những bất ổn trên thị trường quốc tế là nguyên nhân chính khiến giá hạt tiêu giảm.

Yin Sopha, giám đốc điều hành HTX Phát triển Nông nghiệp Hạt tiêu Dar-Memot tại tỉnh Tbong Khmum, cho biết giá giảm ngay từ đầu vụ thu hoạch bắt đầu từ đầu tháng 5 và hiện chỉ còn xấp xỉ 2,75 USD/kg. Ông cho rằng đây là mức giá thấp nhất ông từng thấy. Phát biểu từ khu vực sản xuất hạt tiêu lớn nhất Campuchia, ông Sopha cho rằng xu hướng giảm giá đã xuất hiện từ cuối năm 2017 nhưng chỉ thực sự tồi tệ vào thời điểm này.

Tính đến hết năm 2016, Campuchia có 5.000ha trồng hạt tiêu, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp, và xuất khẩu hạt tiêu của nước này tăng từ 1.050 tấn năm 2016 lên 2.698 tấn năm 2017. Ông Sopha bày tỏ lo ngại rằng nhiều doanh nghiệp sẽ chết nếu tình hình này tiếp tục, cho biết nông dân hiện phụ thuộc rất nặng nề vào các nước láng giềng để tiêu thụ được hạt tiêu. “Giá hạt tiêu phụ thuộc vào thương lái từ Việt Nam và chúng tôi không nắm được thị trường, không có lựa chọn nhưng phải bán mà không có được chút lời”.

Von Savourn, một nông dân trồng hạt tiêu có 5ha tại tỉnh Tbong Khmum, cho rằng chính phủ nên can thiệp để hỗ trợ nông dân. “Giá liên tục giảm qua từng năm, còn chính phủ chẳng làm gì để giúp chúng tôi và không quan tâm đến nông dân”.

Hean Vanhan, lãnh đạo ngành nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Campuchia, cho biết Bộ đã cố gắng thúc đẩy sản xuất và liên kết nông dân với doanh nghiệp nhưng vấn đề liên quan đến thị trường là thuộc trách nhiệm của Bộ Thương mại.

Long Kemvichet, phát ngôn viên của Bộ Thương mại, cho biết tình hình giá hạt tiêu giảm là do các xu hướng trên thị trường thế giới và không phải chỉ là vấn đề của Campuchia. “Đây là diễn biến bình thương, giá có tăng có giảm dựa trên cung – cầu. Bộ Thương mại đang tiếp tục xúc tiến thương mại hạt tiêu thường (không có GI), là sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu”, ông cho biết thêm Campuchia có nheièu thị trường quốc tế cho hạt tiêu như Việt Nam, Trung Quốc và EU.

Trong khi hạt tiêu không được chứng nhận chỉ dẫn địa lý GI đang gặp rất nhiều khó khăn về giá, giá hạt tiêu có GI Kampot tiếp tục duy trì vững vàng, theo ông Nguon Lay, chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Hạt tiêu Kampot cho hay. Giá hạt tiêu đen Kampot hiện đạt 15 USD/kg, hạt tiêu đỏ có giá 25 USD/kg và giá hạt tiêu trắng là 28 USD/kg. “Hạt tiêu không GI thường phải đối mặt với tình trạng giảm giá mạnh khi cung vượt cầu. Chúng ta cần xây dựng niềm tin trên thị trường”, ông Lay phát biểu.

Theo Phnom Penh Post
Admin

Việt Nam thu về gần 1,3 tỷ USD từ xuất khẩu hạt tiêu năm 2024

Bài trước

Mỹ nổi lên là nước nhập khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc

Xem thêm Hạt tiêu