Tháng 7/2017, Alberto Núnez Feijóo, thống đốc chính quyền vùng Galician của Tây Ban Nha, giữa thời tiết nóng ẩm của Bắc Kinh, bước vào trụ sở toàn bằng kính của COFCO, một trong những công ty chế biến và thương mại thủy sản lớn nhất của Trung Quốc. Ông đã gặp người đứng đầu bộ phận thu mua khu vực châu Âu của COFCO Luo Bancheng. Sau đó, ông lập tức tới gặp Jerome Ma, phó chủ tịch nhà bán lẻ trực tuyến JD.com.

Ông Núnez Feijóo đang tìm kiếm đầu tư từ các công ty Trung Quốc – sau khi công ty có trụ sở tại Thượng Hải Kaichuan mua lại công ty khai thác thủy sản Albo tại Galicia năm 2016.

Với tốc độ ngày càng nhanh chóng, các công ty và nhà đầu tư Trung Quốc đang tăng mua bán sát nhập các doanh nghiệp thủy sản và khai thác thủy sản ở nước ngoài. Đây chỉ là một cách trong chiến lược đảm bảo nguồn cung, đáp ứng nhu cầu cho thị trường nội địa cực lớn và béo bở của Trung Quốc đối với các sản phẩm thủy sản cao cấp – đặc biệt là từ châu Âu và Bắc Mỹ.

Vốn bị định kiến là nơi người châu Âu và người Mỹ tới để mua các sản phẩm thủy sản và thủy sản chế biến giá rẻ, giờ đây, Trung Quốc được xem là một trong những thị trường có triển vọng tích cực nhất toàn cầu cho thủy sản cao cấp.  Ian Smith, CEO của doanh nghiệp thủy sản từ Canada Clearwater Foods, cho biết: “Chúng tôi thậm chí còn chưa khai thác hết lớp bề mặt cơ hội tại thị trường này”. Nhận định này tương ứng với tuyên bố của Tổng thống Indonesia rằng ông muốn tạo ra “10 Bali mới” để tận dụng tăng trưởng luồng khách du lịch Trung Quốc đang tràn vào các địa điểm du lịch và các nhà hàng thủy sản tại nước này. Trong khi đó Young’s Seafood của Anh trở thành tên tuổi mới nhất trong làn sóng doanh nghiệp thủy sản phương Tây thâm nhập vào thị trường Trung Quốc với vai trò kinh doanh, thay vì là vai trò thu mua nguồn thủy sản chế biến tại nước này.

Tất cả diễn biến này mang đến một câu hỏi lớn: Nếu ngành thủy sản mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ bề mặt trên thị trường Trung Quốc, nguồn cung nào có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu tại thị trường này?

Chiến dịch kéo dài nhiều năm qua của nước này nhằm làm sạch các đường thủy và ven biển ô nhiễm, triệt phá hoạt động nuôi trồng thủy sản trái phép, đang làm giảm năng lực sản xuất nuôi trồng thủy sản của nước này. Trung Quốc đang cạn kiệt các nguồn nước nội địa để khai thác tự nhiên và các nhà chức trách thủy sản đứng đầu của nước này tuyên bố ưu tiên hàng đầu hiện chuyển từ số lượng sang chất lượng – sản xuất ít hơn, nhưng giá thủy sản cao hơn.

Để bù đắp sản xuất nội địa suy giảm, các công ty thủy sản Trung Quốc được khuyến khích bước ra trường quốc tế và đảm bảo nguồn cung thủy sản chất lượng cao từ nước ngoài, để xuất ngược trở lại Trung Quốc phục vụ tiêu dùng hoặc chế biến. Thực trạng này đang diễn ra trong ngành thủy sản khai thác trên khắp các nước đang phát triển. Trung Quốc đã ký hàng loạt thỏa thuận với các chính phủ tại châu Phi và Thái Bình Dương để có quyền khai thác và quyền sử dụng các cảng, nơi các loại thủy sản có thể cập cảng dưới sự giám sát của Trung Quốc.

Nhưng chỉ phụ thuộc vào thủy sản khai thác sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu đang tăng của gần 1,4 tỷ người Trung Quốc. Nhật thấy thực tế này, Trung Quốc đang triển khai mở rộng mạnh việc tham gia vào các dự án nuôi trồng thủy sản tại châu Phi và châu Âu. Các doanh nghiệp Trung Quốc đang thử nghiệm cách tiếp cận này: tập đoàn Evergreen tại Quảng Đông đang nuôi cá rô phi tại Ai Cập; trong khi Bộ Thương mại Trung Quốc đang tài trợ cho một dự án thử nghiệm sản xuất tôm tại Tusinia.

Tất nhiên, các vấn đề kinh tế có thể giảm nhiệt thị trường thủy sản cao cấp. Và nếu Trung Quốc có thể chi phối nền thương mại phi chính thống, luồng thủy sản nhập khẩu giảm sẽ đẩy giá tăng và làm giảm nhu cầu đối với các sản phẩm thủy sản cao cấp nhập khẩu. Tuy nhiên, sự chuyển dịch của Trung Quốc trở thành một quyền lực lớn trên thị trường thủy sản toàn cầu. Nhu cầu đối với các sản phẩm thủy sản chất lượng cao nhất, sự sẵn sàng và khả năng chi trả cho các sản phẩm này, là không thể tránh khỏi.

Tăng tốc cùng với sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” (OBOR), chính phủ Trung Quốc đang có tham vọng mở rộng quyền lực thương mại của Trung Quốc. Một trong những mục tiêu là tăng xuất khẩu thực phẩm và thủy sản chế biến. Điều này đang diễn ra tại Indonesia và Trung Á, nơi những nhà chế biến nội địa không thể cạnh tranh với luồng thủy sản nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc, đổi lại là nguồn cung thủy sản cao cấp nội địa các nước này được xuất sang Trung Quốc.

Sức nặng của Trung Quốc trên thị trường đang không được các chính phủ và cộng đồng phương Tây phản ứng hoặc hiểu đầy đủ. Một ví dụ để xem xét là mô hình Trung Quốc trong hoạt động thu mua thịt bò, một trong những nguồn protein đang ngày càng được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Phương pháp Trung Quốc ở đây là tìm cách kiểm soát nguồn cung bằng cách mua các trang trại chăn nuôi ở nước ngoài và nhập khẩu động vật sống để giết mổ nhằm thiết lập tình trạng đảm bảo nguồn cung, đồng thời cũng tạo thêm công ăn việc làm trong ngành chế biến thịt tại Trung Quốc. Diễn biến trên thị trường thủy sản cũng có rất nhiều điểm tương đồng.

Những vấn đề không thể gạt bỏ khỏi tranh luận là tính bền vững và các chứng nhận trong ngành thủy sản. Trung Quốc sẽ muốn có ảnh hưởng lên quy trình chứng nhận và thiết lập các tiêu chuẩn cũng như quy tắc quản trị thương mại thủy sản quốc tế. Trong một thời gian ngắn, Trung Quốc đã chuyển đổi từ nước xuất khẩu ròng sang nước nhập khẩu ròng mặt hàng tôm. Thương nhân Trung Quốc thường thanh toán tiền mặt và không (hoặc ít nhất là chưa) quan tâm tới tính an toàn và các tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc như những thương nhân tại các nước phát triển. Tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trên thị trường khiến những nhà xuất khẩu sẽ bắt đầu lựa chọn thích nghi và tuân thủ luật chơi của Trung Quốc, thay vì các tiêu chuẩn sản xuất toàn cầu, khiến vị thế của người tiêu dùng phương Tây lùi xuống một bậc.

Xét đến vị thế ngày càng vững chắc và tham vọng chi phối thị trường của Trung Quốc, nước này sẽ sớm bắt đầu xây dựng tiêu chuẩn của riêng mình và tìm cách ảnh hưởng lên hệ thống thiết lập tiêu chuẩn cho ngành thực phẩm của các nước và nền kinh tế láng giềng, vốn đang ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc về vốn và cơ sở hạ tầng.

Trung Quốc đang nhanh chóng thâu tóm các nguồn cung thủy sản toàn cầu và sẵn sàng trả một cái giá cần thiết – trong các giao dịch thâu tóm doanh nghiệp, các giao dịch quốc tế và có lối hành xử ngày càng quyết liệt tại các vùng biển xa bờ - để đảm bảo tham vọng bá quyền toàn cầu trong tương lai.

Hiện vẫn chưa rõ liệu các chính phủ, các doanh nghiệp và các cộng đồng dân cư phương Tây có bất cứ kế hoạch nào trong bối cảnh mới này, hoặc liệu có khi nào trong tương lai, họ sẽ hành xử giống như thống đốc Galicia Alberto Núnez Feijóo, bị cuốn vào vòng xoáy của Bắc Kinh.

Theo Seafood Source
Admin

Người tiêu dùng Mỹ chuộng thủy sản chế biến trong thời bão giá

Bài trước

VASEP phản đối các chính sách thuế đối với thủy sản sơ chế và chế biến

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc

Xem thêm Thịt