Loại gạo hữu cơ mới làm thay đổi phương pháp sản xuất và quan điểm thâm căn cố đế về nghề nông tại Thái Lan. Gạo berry – “siêu thực phẩm” mới nhất của Thái Lan – có vẻ có tất cả những điều kiện để hiện thực hóa ước mơ ngành lúa gạo: Một màu tím sậm đầy lôi cuốn và hạt gạo đẹp; các đặc tính chống bệnh tật bao gồm chống ôxy hóa và kẽm; và có vị bùi, mang đến một hậu vị rất riêng. Đây là một trong chỉ một vài giống gạo được trồng hữu cơ, chất lượng cao, đang dần dần định vị trên thị trường vốn được thống trị bởi loại gạo xát trắng đánh bóng, ít lợi ích sức khỏe hơn mà phần lớn người châu Á ưa chuộng.

Các chuyên gia và những người sản xuất cho rằng những sản phẩm mới như gạo berry cũng có thể giúp giảm nhẹ gánh nặng nợ nần, thu nhập thấp và hàng ngàn vấn đề mà nông dân sản xuất lúa nhỏ phải đối mặt – những người vẫn đang chiếm phần lớn trong ngành nông nghiệp Thái Lan.

Sản xuất thực phẩm hữu cơ nói chung, gạo nói riêng, đang tăng trưởng với tốc độ trung bình 8%/năm tại Thái Lan trong 5 năm qua, với hơn 13.150 nông dân tham gia vào sản xuất hữu cơ tính trong năm 2015, theo Vitoon Panyakul, người đứng đầu Green Net Cooperative toàn Thái Lan – một doanh nghiệp xã hội kết nối nông dân sản xuất bền vững với người tiêu dùng.

Mặc dù các giống gạo mới vẫn khó lòng chiếm vị thế thiết yếu trong bữa ăn của người Thái, ngày càng nhiều người tiêu dùng đang lo lắng ngày một tăng về vấn đề sử dụng phân bón hóa học, hóa chất diệt cỏ, hóa chất diệt sâu bệnh. Các lựa chọn khác bao gòm khoảng 10 loại gạo hữu cơ có dinh dưỡng cao, cùng với gạo berry còn có gạo tẻ đen jao hom nin và gạo thơm jasmine dawk mali có thể là khuynh hướng mạnh nhất nổi lên trên thị trường.

Sản xuất gạo hữu cơ không phải việc dễ dàng – mặc dù người ta luôn nói sản xuất hữu cơ giúp giảm chi phí đầu vào về mặt phân bón, và có giá bán thị trường cao hơn, nhưng lại là phương pháp sản xuất thâm dụng lao động và ban đầu làm năng suất giảm. Nhưng với nhu cầu nội địa lẫn quốc tế đều cao với phân khúc thị trường ngách này, nông dân sản xuất gạo hữu cơ đang bắt đầu thu trái ngọt – điều có thể tạo nên sự khác biệt cho tương lai của họ: trụ lại hay bán đất – ly hương. “Nếu bạn có 5 rai (0,8ha) đất trồng lúa hữu cơ, bạn có thể trang trải cho con cái đi học đại học”, theo Chomchuan Boonrahong, giáo sư tại Đại học Mae Ko của Chiang Mai phát biểu, và bản thân ông cũng là một người nông dân trồng lúa, nuôi gà và cá. Nhiều giống lúa gạo như gạo berry, được đại học Kasetsart phát triển từ năm 2012, được bán với giá gấp đôi gạo trắng thông thường – mặc dù lợi nhuận của nông dân thường không cao như kỳ vọng và có thể biến động mạnh.

Ông Vitoon ước tính rằng những nông dân chuyển sang trồng lúa hữu cơ nhìn chung có thu nhập tăng khoảng 10 – 15% mặc dù cuối năm 2016, Green Net mua gạo hữu cơ từ hơn 750 thành viên với mức giá cao cao hơn 40% so với các giống gạo phi hữu cơ thông thường. Ở hạ nguồn, tất nhiên người tiêu dùng phải trả giá cao hơn.

Những người tiêu dùng lo lắng

“Người nghèo chỉ muốn có đủ ăn. Họ không dư tiền để nghĩ về hậu quả của việc không ăn thực phẩm hữu cơ 35 năm trong đời”, theo lời của David Dawe, chuyên gia ngành gạo châu Á tại FAO. “Nhưng khi người dân châu Á giàu lên, họ có thể trang trải cho thực phẩm hữu cơ và quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề sức khỏe. Do đó, đây là ngành kinh doanh đang lớn mạnh. Thị trường thực phẩm hữu cơ có tiềm nặng ở mọi nơi tại châu Á”.

Đối với nông dân sản xuất nhỏ, vấn đề phụ thuộc nhiều vào cách họ có thể vượt qua các thách thức, từ việc thi thoảng lờ đi những tay trung gian thương mại tham lam để tiếp cận trực tiếp thị trường, đến theo đuổi các nguồn lực bổ sung cho thu nhập.

Một nghiên cứu trường hợp gần đây của ECHO, mạng lưới thông tin toàn cầu cho nông dân nhỏ và nghèo, cho thấy mức độ thành công của việc này. Sau một vài lần thử và sai, Fah Mui, một nông dân trồng lúa tại Chiang Rai, bắt đầu ghi nhận những kết quả tuyệt vợi của việc lựa chọn theo đuổi Hệ thống Thâm canh lúa, trong đó thâm dụng lao động, ít sử dụng nước để tăng năng suất, cộng với các thực hành sản xuất hữu cơ như sử dụng các nước thảo mộc lên men để xua đuổi côn trùng và quản lý mực nước để kiểm soát cỏ dại, cua và ốc.

Bà tự xát và đóng gói gạo, sử dụng một trang thông tin điện tử và mạng xã hội Facebook để marketing trực tiếp. Từ gạo lứt của chính mình, bà cũng sản xuất bột acid gamma amino butyric (GABA), thường được sử dụng như một chất an thần hoặc giảm đau. Có một số sản phẩm từ gạo có lợi nhuận cao, như thức uống ngũ cốc và bánh quy, thậm chí có cả một loại bia tên gọi là “Cheers” làm từ gạo berry. Gạo lứt của bà Fah Mui được bán với giá 4.000 USD/tấn tại Bangkok vào năm 2015, so với mức giá 266 – 422 USD/tấn của gạo phi hữu cơ. Sản phẩm GABA của bà còn có giá lên tới 10.000 USD/tấn.

Con đường làm nên lợi nhuận của Fah Mui làm một dẫn chứng sinh động nhất cho những chuyên gia như Chomchuan – người luôn khuyến khích nông dân trồng lúa, đặc biệt là những nông dân trẻ mà ông hy vọng là sẽ ở lại với đồng ruộng hơn là đi tìm kiếm việc làm ở thành phố, để kiểm soát mọi công đoạn từ trồng lúa tới chế biến đến marketing, đồng thời đa dạng hóa mùa màng hoặc hoạt động kinh doanh nông nghiệp. Phần nhiều các hoạt động này, như ông nói, có thể đạt hiệu quả tốt nhất thông qua hợp tác, đồng thời hợp tác cũng là con đường cung cấp các bí quyết kỹ thuật cần thiết để tìm ra công thức đúng cho sản xuất gạo hữu cơ.

Một số người đi theo sản xuất hữu cơ trở nên phấn khích đến độ như thể họ theo một tôn giáo. Charoen Yokhamchu, sở hữu trang trại tại Bắc Chiang Mai, tin rằng sản xuât hữu cơ đã cứu rỗi đời ông, cho rằng việc lạm dụng hóa chất trước đây đã gây nên một cơn tai biến khiến ông bị liệt tạm thời. Giờ đã 65 tuổi và với một động lực mới, ông cho biết chỉ 1/3ha là cung cấp đủ gạo hàng năm cho gia đình 9 người của ông. Nhưng thu nhập của ông vẫn chủ yếu đến từ phân bón hữu cơ chất lượng cao. “Bạn không thể ra giá cho một sức khỏe tốt. Chúng tôi cố gắng phổ biến tư tưởng này. Cố gắng nhưng cũng rất khó”, ông cho biết, nhấn mạnh rằng con trai ông, một kỹ sư hóa dầu, không nghe lời ông nói.

Cộng đồng sản xuất hữu cơ hy vọng rằng những lợi ích – có thể chỉ là tiềm ẩn – của làn sóng hữu cơ có thể giữ chân thế hệ nông dân tiếp theo ở lại với đất đai. Chính phủ Thái cũng có niềm hy vọng tương tự, đang đề ra Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Hữu cơ thứ 2 vào tháng 4. Bộ Nông nghiệp Thái Lan các chính sách hỗ trợ sẽ mang lại thêm 162.000ha đất sản xuất gạo hữu cơ đến năm 2021.

Nhưng một thách thức phổ biến nhất cho nông dân quy mô nhỏ tại các cộng đồng nông thôn Thái Lan là  làn sóng di cư vào các thành phố. Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan chỉ ra những người từ 54 tuổi trở lên chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các nhóm tuổi của nông dân, trong khi những người 15 – 24 tuổi hoàn toàn vắng bóng khỏi các vùng nông thôn.

Từ nợ nần đến những “resorts” lúa gạo

Một nỗi lo lắng khác là thương mại tự do giữa ASEAN và Trung Quốc có thể khiến thực phẩm giá rẻ tràn vào thị trường Thái Lan nhanh hơn tăng trưởng sản lượng thực phẩm hữu cơ nội địa. Điều này tiềm ẩn gây ra thêm nhiều nợ nần cho các hộ gia đình nông thôn. “Nhiều nông dân không thể khởi động sản xuất hữu cơ bởi đang nợ nần chồng chất. Họ không có sẵn tiền mặt cần để bắt đầu làm nông hữu cơ, ngay cả nếu cuối cùng thì họ thu lơi nhuận cao hơn”, Thomas Jefferson Rutherford, một chuyên gia nông nghiệp bền vững, nhấn mạnh.

Điều này có thể không rõ ràng như vậy ở và quanh Chiang Mai, nơi được coi là thủ phủ nông nghiệp hữu cơ của Thái Lan, mặc dù gạo hữu cơ cũng được sản xuất tập trung tại các tỉnh phía Bắc và Đông Bắc khác.

Thành phố này và hệ sinh thái hữu cơ là nơi có khoảng 20 thị trường hữu cơ, vơi sản phẩm hữu cơ, hoàn toàn không vô cơ còn được tìm thấy dễ dàng hơn ở các kệ siêu thị tại Bangkok và đại học Mae Jo tự tin với danh hiệu “Đại học nông nghiệp hữu cơ đầu tiên”. Ở đây thậm chí còn có các khu nghỉ dưỡng gạo “Rice Resorts” như Mala Dhara, mà chủ nhân của nó là Kingploy Issarajan còn dạy yoga cho khách tới thăm và đưa khách tới các cánh đồng gạo berry của bà, nơi phân bón hữu cơ từ gia súc đang sử dụng trên các đồng ruộng và vịt đang lang thang đi kiếm thức ăn là ốc trên ruộng. “Gạo là niềm đam mê của tôi”, bà cho biết.

Khoảng 100 người bán hàng tụ tập 2 lần mỗi tuần tại chợ hữu cơ ở kí túc xá đại học Mea Jo. Một không khí sống động tỏa khắp khu vực chợ, và nhiều nông dân mặc trang phục truyền thống tới chợ.

“Xung quanh tôi có quá nhiều hóa chất nên tôi hy vọng thực phẩm hữu cơ có thể bù đắp phần nào”, Pradudnet Ketwong, một thực tập sinh nghiên cứu hóa học ứng dụng phát biểu, khi cô mua 1kg gạo hữu cơ từ một nông dân ven đường. “Gạo hữu cơ có thể đắt hơn một chút nhưng rất nhiều bạn bè tôi cũng thường xuyên mua thực phẩm hữu cơ”.

Theo Nikkei Asia
Admin

Số hóa chuỗi thực phẩm của Thái Lan: Hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia tập trung vào các sản phẩm hữu cơ trước

Bài trước

Nông dân Trà Vinh mở rộng diện tích trồng lúa hữu cơ

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc