Xuất khẩu tôm Việt Nam đối mặt nhiều thách thức, đặc biệt là về giá, theo Tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất – xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe. Trong quý 1/2023, giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam giảm tới 40% so với cùng kỳ năm 2022, xuống còn 577 triệu USD, theo VASEP cho hay.
Giá tôm trên thị trường thế giới giảm dần kể từ cuối năm 2022. Ví dụ, tới cuối tháng 2/2022, giá tôm Ấn Độ ở mức 110.000 đồng/kg, tương đương 4,53 USD/kg. Giá tiếp tục giảm khi nguồn cung tôm toàn cầu tăng lên khoảng 6 triệu tấn. Đồng thời, giá tôm nguyên liệu trên thị trường nội địa cũng tăng, càng gây khó khăn cho các hoạt động chế biến xuất khẩu. Giá tôm tại ĐBSCL đạt gần 170.000 đồng/kg, ông Hòe cho hay.
Các chuyên gia cho biết chi phí sản xuất tôm cao do giá thức ăn chiếm tới hơn 65% chi phí nuôi tôm theo mô hình công nghiệp. Ngoài ra, phần lớn con giống tôm đều phải nhập khẩu nên giá tôm giống cũng ở mức cao. Các nhà sản xuất cũng phải tăng chi để xử lý ô nhiễm vùng nước nuôi tôm. Theo ông Hòe, trong những năm gần đây, quản lý sản xuất tôm giống lỏng lẻo và thiếu tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chất lượng, trong khi ngành sản xuất tôm thương phẩm vẫn phát triển mạnh. Cùng với đó, thị trường cũng không có đủ nguồn cung tôm giống chất lượng cao để cho hoạt động nuôi thương phẩm, dẫn tới chất lượng tôm nguyên liệu ở mức thấp. Đó là những khó khăn mà ngành tôm Việt Nam phải đối mặt cùng với việc phải cạnh tranh với Ecuador và Ấn Độ.
Ông Trần Hữu Lộc, một chuyên gia ngành tôm tại Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh, cho biết nông dân nuôi tôm nên thay đổi tư duy về sản xuất nông nghiệp sang nền kinh tế nông nghiệp. Hiện sản xuất nông nghiệp là để sản xuất hàng hóa cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường thế giới. Do đó, sản xuất nông nghiệp phải có giá cạnh tranh, chất lượng cao và truy xuất nguồn gốc rõ ràng, ông Lộc cho hay. Ông đề xuất ngành tôm Việt Nam phải lựa chọn một mô hình sản xuất có quản lý sản xuất, vận hành hệ thống sản xuất và xử lý chất thải, dịch bệnh nuôi tôm.
Ngoài ra, nông dân nuôi tôm nên tối ưu hóa sử dụng vốn, lao động, vùng nuôi, nguồn nước và con giống để tăng sản lượng nhưng giảm được chi phí sản xuất và rủi ro sản xuất. Quản lý con giống tôm để đảm bảo chất lượng là một yếu tố rất quan trọng, quyết định hiệu quả sản xuất của ngành tôm. Đây cũng là một giải pháp để giảm chi phí sản xuất tôm tại Việt Nam, ông Lộc nhận định.
Ông Lê Văn Quang, chủ tịch tập đoàn Minh Phú, đã đề xuất sản xuất con giống tôm chất lượng cao có phẩm chất kháng bệnh và thích nghi tốt với môi trường. Ngoài ra, nông dân cần quản lý thức ăn cho tôm giống, có quy trình sản xuất minh bạch và phát triển quy trình nuôi tôm chi phí thấp. Quy trình nuôi tôm chi phsi thấp bao gồm các khu vực nuôi tôm tập trung quy mô lớn có các kênh nước cấp và nước thải riêng biệt, cơ sở hạ tầng hoàn thiện về vận chuyển, điện, nước, ứng dung số hóa lên nuôi tôm để quản lý khả năng truy xuất nguồn gốc và giảm chi phí lao động. Đồng thời, các doanh nghiệp cần duy trì các thị trường truyền thống và tiếp tục mở rộng sang các thị trường dễ tính, theo ông Trần Công Khôi, cục phó Cục Nuôi trồng Thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản.
Với các giải pháp trên, ngành tôm được kỳ vọng sẽ vượt qua các thách thức trong năm 2023, đạt mục tiêu diên tích nuôi tôm đạt 750.000ha, sản lượng 1,08 triệu tấn và giá trị xuất khẩu khoảng 4,3 tỷ USD. Tôm Việt Nam được xuất khẩu tới 100 quốc gia, bao gồm các thị trường lớn tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Theo VNS
Bình luận