Sữa

Nhập khẩu sữa tại Ấn Độ tăng vọt do dịch bệnh làm giảm nguồn cung bò sữa

0

Sữa là mặt hàng đang ngày càng đắt đỏ tại Ấn Độ và dự báo giá sữa trên thị trường này sẽ sớm chạm mức cao kỷ lục, buộc nước sản xuất sữa lớn nhất thế giới này phải tăng cường nhập khẩu để bổ sung nguồn cung và giãn áp lực chi phí sống cho người dân. Nông dân đang phải vật lộn với khó khăn kép hiếm gặp: bệnh da sần ở bò và suy giảm đàn gia súc thương phẩm sau khi đại dịch coronavirus làm chậm quá trình gây giống.

Giá sữa đã tăng vọt hơn 15% lên 56 rupees/l, tương đương 0,68 USD/l trong năm qua – mức tăng mạnh nhất trong 1 thập kỷ - gây ra nhiều khó khăn cho chính phủ nước này để đưa lạm phát giá bán lẻ xuống dưới mức mục tiêu của ngân hàng trung ương. Giá sữa và các hàng hóa cơ bản khác tăng được cho là một vấn đề chính trị trước cuộc bầu cử cấp bang vào cuối năm nay. “Rủi ro ngày càng tăng khi giá sữa cao đang đặt ra thêm một thách thức chính trị”, theo nhà kinh tế trưởng Upasna Bhardwaj tại ngân hàng Kotak Mahindra Bank. “Do sữa chiếm tới 6,6% trong chỉ số giá tiêu dùng nên bất cứ diễn biến tăng giá nào cũng châm ngòi cho lạm phát”, bà cho biết.

Xuất khẩu các sản phẩm sữa tăng 39% trong năm 2022, chủ yếu là do nguồn cung sữa giảm, đã làm giảm tồn kho bơ và sữa bột gầy (SMP) tại Ấn Độ, ngay cả khi thu nhập tăng kéo theo nhu cầu tăng đối với các sản phẩm sữa giàu protein, một nguồn đáng kể canxi, các loại vitamins và protein cho một nước có cộng đồng dân cư ăn chay rất lớn. Các nhà chức trách ngành ước tính nhu cầu đối với các sản phẩm sữa tăng 7% trong năm 2023. Nhưng sản lượng sữa có thể chỉ tăng 1% trong năm tài khóa kéo dài tới tháng 3/2023, thấp hơn nhiều so với mức tăng trung bình 5,6% trong thập kry qua, theo một nhà chức trách tại Hội đồng Phát triển Sữa Quốc gia (NDDB).

Mất cân đối cung – cầu

Ramavatar Sharma, một nông dân 57 tuổi tại làng Khejri Bujurg thuộc Rajasthan, một bang sản xuất sữa lớn của Ấn Độ, đang nỗ lực tìm nguồn cung gia súc giá hợp lý. “Giá gia súc đã tăng gấp đôi do nguồn cung bò sữa trên thị trường giảm”, theo Sharma – người đã chăn nuôi gia súc từ khi còn bé cho biết.

Điều này trái ngược với tình hình vài năm gần đây khi giá giảm mạnh do đại dịch virus corona bùng phát. Trong khi bò sữa có giá rẻ hơn, tình trạng phong tỏa khiến tiêu dùng sữa giảm. Thua lỗ khiến nông dân không thể tăng đàn, kìm hãm nguồn cung sữa ngay vào mùa cao điểm kéo dài từ tháng 10 tới tháng 2, khi ngành sữa tích lũy nguồn cung cho mùa thấp điểm. Nông dân và các nhà quản lý ngành sữa cho biết hiện họ phải chờ tới mùa khai thác sữa vào tháng 10 tới để tăng cường nguồn dự trữ gia súc và tồn kho các sản phẩm sữa. “Không có cách nào chúng tôi có thể tăng sản lượng sữa trong năm 2023”, theo Santosh Sharma, tổng giám đốc Saras Dairy, một nhà cung cấp sữa hàng đầu tại Rajasthan. Devendra Shah, chủ tịch của Parag Milk Foods tại bang Maharashtra, cho biết diễn biến tăng giá sữa hiếm gặp trong mùa sản xuất cao điểm đã tạo nên áp lực bất thường lên thị trường, đặc biệt là những tháng cao điểm mùa hè. “Chúng ta sẽ chứng kiến giá sữa tiếp tục tăng trong mùa hè”, ông Shah cho hay.

Những áp lực này nghĩa là Ấn Độ sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào sữa bột gầy nhập khẩu, theo nông dân và các nhà sản xuất ngành sữa, và càng khiến nguồn cung sữa toàn cầu trở nên khan hiếm hơn, đẩy toàn bộ thị trường sữa quốc tế vào khả năng giá tăng. Nhập khẩu sữa bột gầy của Ấn Độ có thể chạm mức cao kỷ lục trong năm tài khóa bắt đầu vào tháng 4, vượt qua mốc cao kỷ lục ghi nhận vào năm 2011-12, theo nhận định của các nhà chức trách ngành sữa của nước này. Để giải tỏa gánh nặng, chính phủ có thể cho phép nhập khẩu sữa bột gầy và bơ không áp thuế, mặc dù cần phải quản lý lượng nhập khẩu để tránh gây dư cung, kéo giá lao đốc.

Tháng 1/2023, nhập khẩu sữa và kem của Ấn Độ tăng vọt 1.024% so với cùng kỳ năm 2022, lên 4,87 triệu USD, ngay cả khi có áp thuế nhập khẩu, do các nhà nhập khẩu tăng cường mua từ Pháp, Đức và Ba Lan. Việc tạm thời dỡ bỏ các chính sách thuế sẽ giúp nhập khẩu tăng mạnh hơn.

Các hiệu ứng dài hạn

Bệnh da sần gây phồng rộp da và giảm sản lượng sữa ở bò, đã lây tới hàng triệu gia súc và gây chết 184.000 con bò tại Ấn Độ, bao gồm khoảng 76.000 con tại Rajasthan, theo dữ liệu chính phủ. Nông dân tại Rajasthan đang nỗ lực bảo vệ đàn gia súc thông qua tiêm vắc xin, nay đang than phiền về thu nhập giảm do dịch bệnh khiến năng suất đàn gia súc giảm mạnh. “Thậm chí những con bò sống sót sau khi tốn rất nhiều tiền thuốc thang cũng sản xuất sữa ít hơn trước đó”, ông Sharma cho hay đàn bò của ông bị nhiều vết thương do bệnh.

Việc phối giống đàn gia súc cũng thiệt hại nghiêm trọng trong các giai đoạn phong tỏa kìm hãm đại dịch do thiếu thú y viên cấp làng để tiến hành thụ tinh nhân tạo. Các vấn đề nguồn cung đang bóp nghẹt người tiêu dùng Ấn Độ. “Chỉ để đảm bảo trẻ em có đủ sữa, chúng tôi đã phải ngừng cho sữa vào trà”, theo Satyendra Yadav, một công nhân xây dựng tại Mumbai cho hay. “Nhưng bất cứ đợt tăng giá sữa nào trong thời gian tới cũng sẽ khiến mặt hàng này nằm ngoài tầm với của chúng tôi”.

Theo Reuters

Admin

Triển vọng thị trường trái chiều về ngũ cốc, protein khi Indonesia triển khai chương trình bữa ăn miễn phí

Bài trước

Ngành sữa Việt Nam củng cố sức mạnh để chuẩn bị cho cạnh tranh khốc liệt hơn khi CPTPP có hiệu lực

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc

Xem thêm Sữa