Rau quả

Ngành sản xuất rau quả toàn cầu đối diện nhiều thách thức trong năm 2023

0

Liên minh toàn cầu rau quả tươi gần đây đã công bố một báo cáo nhấn mạnh nhiều lo ngại liên quan đến thực trạng ngành sản xuất rau quả tươi toàn cầu. Báo cáo nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà làm chính sách để họ có thể có hành động giải quyết các vấn đề hiện nay. Các tổ chức quốc gia và quốc tế được khuyến khích để triển khai các chính sách bảo vệ nguồn cung rau quả tươi cho người tiêu dùng toàn cầu. “Đầu tiên và quan trọng nhất, chính phủ và các tổ chức quốc tế trên toàn cầu công nhận rau quả là các hàng hóa thiết yếu”, theo ông Robert Guenther, trưởng văn phòng chính sách công của Hiệp hội Rau quả tươi Quốc tế, một thành viên của liên minh. Theo quan điểm của ông, với sự công nhận này thì các biện pháp sẽ đi theo trên cơ sở vững chắc.

Một động lực của tăng trưởng kinh tế, y tế, môi trường, tính bền vững

Không cần phải nói, rau quả tươi mang lại hàng loạt các lợi ích sức khỏe – một thực đơn giàu rau quả có thể giúp giảm huyết áp, giảm rủi ro bệnh tim và đột quỵ, ngăn ngừa một số bệnh ung thư, giảm các vấn đề về mắt và tiêu hóa, cùng hàng loạt lợi ích khác. Theo GCFP, cải thiện chế độ ăn thông qua tăng tỷ trọng rau quả có thể giúp giữ 20% mạng sống mỗi năm. Ngoài ra, rau quả tươi có tác động môi trường thấp hơn các thực phẩm, chủ yếu là phát thải khí nhà kính và sử dụng nguồn lực đất đai, nước. Các nghiên cứu khoa học mà GCFP dẫn nguồn chỉ ra rằng sản xuất 1kg trái cây có múi dẫn tới phát thải tương đương 0,4kg khí CO2, trong khi sản xuất 1kg phát thải tới 99,5 kg khí nhà kính – tức gấp gần 250 lần. Cuối cùng như không kém phần quan trọng, ngành rau quả tươi tạo ra nhiều việc làm và cơ hội thu nhập cho công nhân và doanh nghiệp – yếu tố đặc biệt quan trọng đối với các nước đang phát triển.

Khó khăn chồng chất từ đầu đại dịch

Theo GCFP, ngành rau quả tươi đã cho thấy sức chống chịu bền bỉ trong đại dịch, nhưng vẫn có hàng loạt vấn đề bùng nổ trong 3 năm qua; bao gồm tăng chi phí, vận chuyển kém hiệu quả và liên tục chậm trễ, thiếu lao động, sức mua của người tiêu dùng ngày càng yếu đi và những khó khăn trong thương mại quốc tế, cùng nhiều vấn đề khác.

Thiếu hụt nguyên liệu và chi phí đầu tăng vọt

Trên khắp thế giới, những người nông dân trải qua giai đoạn thiếu nguồn cung đầu vào diễn ra đồng thời với tăng giá đầu vào sản xuất thiết yếu – từ phân bón tới các sản phẩm bảo vệ thực vật, hộp carton lẫn các tấm liêp gỗ, chưa kể tới giá điện tăng vọt do cuộc đối đầu địa chính trị giữa Nga – Ukraine. Theo báo cáo, chi phí pallet gỗ tại châu Âu tăng 4 lần, từ 4 Euro trong năm 2021 lên 16 Euro trong năm 2022; trong khi giá phân bón tại Mỹ tăng 150 – 300% trong cùng kỳ so sánh.

Logistics đắt đỏ nhưng kém hiệu quả

Các nhà vận hành thương mại rau quả toàn cầu chứng kiến giá container tăng chưa từng có tiền lệ. Theo các ước tính của GCFP, giá container vận chuyển tăng vọt 400% trên toàn cầu trong năm 2022. Trong khi đó, chi phí vận chuyển đường biển và đường hàng không cũng tăng vọt. Nhiều trường hợp tắc nghẽn cảng và chậm trễ giao hàng dẫn tới thiệt hại kinh tế đáng kể, cùng với số vụ kiện tụng tăng vọt. Như đã chỉ ra, thiếu thông tin giữa nhà vận chuyển, cảng Philadelphia và các nhà xuất khẩu nho Chile liên quan đến tình trạng tắc nghẽn cảng trong năm 2022 đã dẫn tới thiệt hại lên tới 120 triệu USD.

Thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng lao động

Các nguyên nhân khiến mọi người từ chối làm việc trong ngành nông nghiệp rất đa dạng, nhưng các nguyên nhân phổ biến bao gồm việc lao động trong nông nghiệp đòi hỏi thể lực nhưng lương lại tương đối thấp. Một số chủ trang trại giải quyết vấn đề này bằng cách thuê lao động tạm thời – như trong trường hợp của Ba Lan phụ thuộc nặng nề vào lao động thời vụ từ Ukraine – tuy nhiên, gần đây ngày càng khó tìm được lao động thời vụ di cư tạm thời giữa các nước. Ở một khu vực khác trên thế giới, tại New Zealand, 10.000 việc làm nông nghiệp bị bỏ trống trong năm 2022. Vấn đề này diễn ra trên phạm vi toàn cầu và không chỉ xảy ra đối với lao động nông nghiệp và còn đối với các tài xế xe tải, những người có xu hướng lựa chọn việc bốc dỡ hàng hóa không trữ lạnh, ít khẩn cấp hơn, thay vì các lô hàng rau quả tươi phải kiểm soát nhiệt độ và rất nhạy cảm về thời gian.

Sức mua người tiêu dùng yếu đi

Do người tiêu dùng buộc phải bắt đầu tăng chi tiêu vào sưởi ấm, điện năng và di chuyển, tiền khả dụng còn lại cho chi tiêu vào rau quả giảm mạnh. GCFP dự báo người tiêu dùng tại cả nước phát triển và đang phát triển có thể chuyển sang các loại thực phẩm giàu calorie, rẻ hơn, nghĩa là ít chi tiêu hơn cho các thực phẩm lành mạnh. Về dài hạn, sự chuyển dịch thực đơn ra khỏi thực phẩm tươi có thể dẫn tới sự suy yếu của sức khỏe toàn dân.

Các rào cản trong thương mại quốc tế

Để bảo vệ các nhà sản xuất nội địa, một số nước cân nhắc áp dụng các yêu cầu kiểm soát quá mức đối với nhập khẩu rau quả. Gần 40% các nhà xuất khẩu rau quả tại Nam bán cầu cho rằng chủ nghĩa bảo hộ - dưới hình thức rào cản phi thuế hoặc vệ sinh an toàn thực phẩm không hợp lý – đang ngăn cản hoạt động sản xuất – kinh doanh của họ. Vấn đề đặc biệt xác đáng đối với các nước đang phát triển, nơi thiếu thốn cơ sở hạ tầng thường dẫn tới rủi ro không tuân thủ quy định nước nhập khẩu.

Kêu gọi giải pháp

GCFP khẳng định rằng các thách thức hiện nay đe dọa năng lực kinh doanh lâu dài của ngành rau quả tươi và các biện pháp phản ứng phù hợp cần được triển khai ngay lập tức. Liên minh đề xuất các chính phủ cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nhà sản xuất, những người đang gánh chịu chi phí điện năng lẫn các chi phí khác đều ở mức cao, và các nhà chức trách nên hướng tới tạo ra các công việc trả lương tốt trong ngành cũng như thiết lập các tuyến vận chuyển hiệu quả và các làn ưu tiên cho hàng hóa dễ hư hỏng tại các cảng đến. GCFP cũng kêu gọi các nhà làm chính sách thúc đẩy hài hòa và công nhận lẫn nhau trong các yêu cầu thông quan và kiểm dịch, cũng như khuyến khích tiêu thụ rau quả thông qua triển khai các chiến dịch quảng bá và giáo dục người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng trẻ.

Theo Produce Report

Admin

Vẫn còn thách thức đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2024

Bài trước

Crisil: Doanh thu xuất khẩu tôm của Ấn Độ tăng 5% vào năm 2024

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc

Xem thêm Rau quả