Ấn Độ sẽ kết thúc kỷ nguyên thực phẩm miễn phí cho giai đoạn COVID-19 vào ngày 31/12 và thay thế bằng chương trình thực phẩm giá rẻ, qua đó tiết kiệm gần 20 tỷ USD cho chính phủ trong 12 tháng sắp tới. Cuối tuần qua, Bộ trưởng Thực phẩm và Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal cho hay chính phủ nước này sẽ kết thúc chương trình thực phẩm miễn phí sau 28 tháng triển khai do tình hình kinh tế cải thiện từ khi số ca COVID-19 giảm và các lệnh hạn chế được nới lỏng.
Đại dịch và tác động lên nền kinh tế, đặc biệt là giá thực phẩm cao, đã bóp nghẹt đời sống của hàng trăm triệu người nghèo tại Ấn Độ trong những năm qua. Chương trình này cung cấp cho các gia đình nghèo 5kg ngũ cốc mỗi tháng ngoài các loại ngũ cốc thực phẩm đã được trợ giá rất mạnh khác. Chương trình này bắt đầu triển khai từ tháng 4/2020 và tiêu tốn gần 47 tỷ USD của chính phủ Ấn Độ. Chính phủ này cũng tiêu 24,16 tỷ USD cho Luật An ninh lương thực quốc gia để cung cấp ngũ cốc thực phẩm ở mức giá được trợ cấp mạnh cho gần 75% dân cư nông thôn và 50% dân cư thành thị của nước này.
Hiện chính phủ sẽ triển khai chương trình ngũ cốc trợ giá mạnh trong vòng 12 tháng tới, ông Goyal cho hay. Chương trình này sẽ cung cấp 35kg ngũ cốc làm thực phẩm cho các gia đình với chi phí từ 1 – 3 rupees (0,0121 – 0,0362 USD). Hàng triệu hộ gia đình nghèo hưởng lợi trong khi một số nhóm ưu tiên nhận 5 kg ngũ cốc/người với cùng mức giá. Chính phủ sẽ tiết kiệm ít nhất 20 tỷ USD trong 12 tháng tới nhờ kết thúc chương trình miễn phí thực phẩm thời đại dịch do họ sẽ chỉ cần chi tiêu vào một chương trình thực phẩm thay vì nhiều chương trình khác nhau. Chính phủ Ấn Độ cũng nỗ lực quản lý dự trữ lúa mỳ do bổ sung kênh phân phối lúa mỳ và giá lúa mỳ trên thị trường nội địa tăng cao kỷ lục. “Việc chấm dứt chương trình trên nghĩa là chính phủ Ấn Độ có thể bán ra 2 – 3 triệu tấn lúa mỳ ra thị trường mở để bình ổn giá”, theo một nhà giao dịch tại New Delhi cho hay.
Theo Reuters
Bình luận