Căng thẳng Nga – Ukraine làm giảm nguồn cung thực phẩm, kéo giá tăng
Xung đột leo thang giữa hai cường quốc ngũ cốc là Nga và Ukraine có thể buộc những người mua lúa mỳ, ngô và dầu hướng dương phải tìm kiếm các nguồn cung thay thế, đẩy giá thực phẩm toàn cầu lên mức cao kỷ lục trong nhiều năm, theo các nhà phân tích và giao dịch cho biết. Các thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc trong khi giá dầu thô tăng mạnh vào ngày 22/2 khi sườn phía đông của châu Âu đứng trên bờ vực chiến tranh sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho binh lính tiến vào các khu vực ly khai ở miền đông Ukraine.
Với hai nước này chiếm khoảng 29% xuất khẩu lúa mỳ toàn cầu, 19% nguồn cung ngô toàn cầu và 80% xuất khẩu dầu hướng dương thế giới, các nhà giao dịch lo ngại bất cứ động thái quân sự nào cũng có thể tác động tới diễn biến mùa màng và châm ngoài cho một làn sóng đua tranh nguồn cung thay thế nguồn cung cấp từ khu vực biển Đen. Giá lúa mỳ Chicago tăng vọt hơn 2% trong ngày 22/2, giá ngô chạm mức cao nhất trong 7 tháng và giá đậu tương cũng tăng. Cả ba nguyên liệu thực phẩm và TACN chính này đã tăng khoảng 40% từ mức thấp trong năm 2021, chủ yếu do sản lượng toàn cầu sụt giảm và nhu cầu cao.
Giá nông sản và thực phẩm toàn cầu leo lên mức cao nhất trong nhiều năm
“Các gián đoạn trong nguồn cung từ khu vực biển Đen sẽ tác động lên nguồn cung sẵn có trên toàn cầu”, theo ông Phin Ziebell, nhà kinh tế kinh doanh nông nghiệp tại National Australia Bank, cho hay. “Các khách hàng tại Trung Đông và châu Phi sẽ tìm kiếm các nguồn cung thay thế”. Khoảng 70% xuất khẩu lúa mỳ của Nga hướng tới các khách hàng tại Trung Đông và châu Phi trong năm 2021, theo dữ liệu vận chuyển Refinitiv.
Các thị trường chính của lúa mỳ Nga từ năm 2020
Các nhà giao dịch cho biết căng thẳng leo thang đã khiến một số khách hàng phải điều hướng tàu sang các nhà cung cấp khác do lo ngại bùng phát chiến tranh bất cứ lúc nào có thể gây ra chậm giao hàng. “Các tàu đang tránh đi vào khu vực biển Đen do rủi ro chiến tranh”, theo một nhà giao dịch Singapore cho hay. “Gián đoạn nguồn cung vẫn đang diễn ra”. Thiếu nguồn cung từ khu vực biển Đen có thể đẩy nhu cầu đối với lúa mỳ từ Mỹ và Canada tăng.
Giá thực phẩm toàn cầu đang dao động quanh ngưỡng cao nhất trong 10 năm, chủ yếu do nhu cầu cao đối với các sản phẩm lúa mỳ và sữa, theo báo cáo của FAO hồi cuối năm ngoái. Ngoài ra, giá dầu thô tăng mạnh cũng tác động tới các thị trường nông sản và nông dân đang phải tìm kiếm các nguồn nhiên liệu thay thế.
Theo Reuters
Bình luận