Những thử thách trong mối quan hệ với Mỹ và Úc có thể thúc đẩy Trung Quốc tăng cường dự trữ. Chưa tới 20% dân số thế giới đang nắm giữ hơn một nửa dự trữ ngô và các loại ngũ cốc khác của thế giới, dẫn tới tăng giá ngũ cốc trên phạm vi toàn cầu và khiến thêm nhiều nước rơi vào cảnh đói nghèo. Trung Quốc chính là nước đang tích trữ.
Tập đoàn COFCO, một nhà chế biến thực phẩm lớn thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc, vận hành một trong những cơ sở dự trữ thực phẩm lớn nhất Trung Quốc tại cảng Đại Liên thuộc khu vực đông bắc nước này. Cơ sở này bảo quản các loại đậu và ngũ cốc thu mua từ trong nước và nguồn nhập khẩu trong 310 silo cỡ cực lớn. Từ đó, nguồn cung thực phẩm này sẽ tỏa ra khắp Trung Quốc qua đường sắt và đường biển. Trung Quốc đang duy trì dự trữ thực phẩm ở “mức cao kỷ lục”, theo Qin Yuyun, người đứng đầu quản lý dự trữ ngũ cốc tại Cục Dự trữ Chiến lược và Thực phẩm Quốc gia, cung cấp thông tin cho báo giới hồi tháng 11. “Dự trữ lúa mỳ của chúng tôi có thể đáp ứng nhu cầu trong 1,5 năm và sẽ không có bất cứ vấn đề gì trong nguồn cung thực phẩm”.
Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, Trung Quốc được cho là nắm giữ 69% dự trữ ngô toàn cầu trong nửa đầu năm 2022, 60% dự trữ gạo và 51% dự trữ lúa mỳ.
Các dự báo này cao hơn 20% so với 10 năm trước, và dự liệu này rõ ràng cho thấy Trung Quốc tiếp tục tích trữ ngũ cốc. Trung Quốc đã chi 98,1 tỷ USD nhập khẩu thực phẩm (không bao gồm đồ uống) trong năm 2020, tăng 4,6 lần so với 1 thập kỷ trước, theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Trong 9 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc đã nhập khẩu nhiều thực phẩm hơn cả năm 2016 – năm có dữ liệu tương ứng. Trong 5 năm qua, nhập khẩu đậu tương, ngô và lúa mỳ của Trung Quốc tăng từ 2 – 12 lần với hoạt động nhập khẩu mạnh nguồn cung từ Mỹ, Brazil và các nhà cung cấp khác. Nhập khẩu thịt bò, thịt lợn, sữa và trái cây tăng 2 – 5 lần. Một số mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc đang tăng lên bởi các thương vụ mua lại của các công ty Trung Quốc ở nước ngoài. Nhà chế biến thịt lớn nhất Trung Quốc là WH Group đã thâu tóm một nhà chế biến thịt châu Âu vào tháng 6 vừa qua, trong khi Inner Mongolia Yili Industrial Group đã thâu tóm một công ty sữa hàng đầu New Zealand vào năm 2019.
Giá thực phẩm trên đà tăng trên toàn cầu. Chỉ số giá thực phẩm do FAO tính toán tháng 11 ở mức cao hơn 30% so với cùng kỳ năm 2020. “Hành vi tích trữ tại Trung Quốc là một trong những nguyên nhân gây tăng giá”, theo ông Akio Shibata, chủ tịch Natural Resource Research Institute tại hạt Tochigi, phía bắc Tokyo. Trung Quốc đang tăng nhập khẩu ngũ cốc và các thực phẩm khác do sản xuất nội địa không bắt kịp tiêu dùng. Trong khi đó, nhu cầu cho các sản phẩm TACN lợn và các vật nuôi khác liên tục tăng cùng với tăng trưởng kinh tế, số người tiêu dùng tìm kiếm các nông sản nước ngoài chất lượng cao cũng tăng lên.
Sản xuất lúa mỳ và các loại ngũ cốc khác của Trung Quốc cũng như quy mô đất sử dụng cho nông nghiệp tại Trung Quốc giảm trong năm 2015. “Năng suất nông nghiệp tại Trung Quốc thấp do đất nông nghiệp rải rác và tình trạng ô nhiễm đất”, theo ông Goro Takahashi, giáo sư danh dự tại đại học Aichi và chuyên gia nông nghiệp Trung Quốc. “Sản lượng nông nghiệp Trung Quốc sẽ tiếp tục đứng yên do nông dân di cư tới các khu vực thành thị”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh lương thực. Quốc hội Trung Quốc – cơ quan lập pháp nhà nước – hồi tháng 4 đã áp luật lãng phí thực phẩm, chính thức cấm dư thừa thức ăn quá mức Vào cuối tháng 10, Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hội đồng Nhà nước đã ban hành hướng dẫn các cơ quan chức năng cách giảm lãng phí thực phẩm. Và NPC vẫn chưa hoàn tất luật về an toàn thực phẩm. Người Trung Quốc từ 50 tuổi trở lên từng trải qua tình trạng thiếu thực phẩm trong Cải cách Văn hóa (1966 – 1976”. “Thế hệ chúng tôi đều ít nhiều trải qua sự đói”, ông Tập từng nói, theo Xinhua đưa tin. Trong suốt lịch sử, thiếu thực phẩm luôn châm ngòi cho bất ổn xã hội, là yếu tố quan trọng cho sự nổi dậy lật đổ các nhà cầm quyền tại Trung Quốc. Và nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nay đối mặt với tình trạng bất ổn thực phẩm do các yếu tố như quan hệ bất ổn với Mỹ và Úc, làm thay đổi mạnh môi trường nhập khẩu. Thực tế, đây có thể là yếu tố thúc đẩy Trung Quốc tăng dự trữ thực phẩm.
Số người sống trong các khu vực đói nghèo lên tới 700 triệu người trong năm 2020, tăng hơn 100 triệu người so với 5 năm trước, theo UN. “Mặc dù các quốc gia phát triển đều chịu trách nhiệm cho tình trạng đói kém này”, ông Takahashi phát biểu. “Trung Quốc có trách nhiệm nặng nề hơn nhiều. Trung Quốc nên đóng góp để giải quyết vấn đề phân phối thực phẩm”.
Theo Nikkei Asia Review
Bình luận