Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin cho hay xuất khẩu thanh long Việt Nam sang thị trường Trung Quốc lao dốc trong thời gian gần đây do các biện pháp thắt chặt biên mậu và tăng sản xuất thanh long nội địa tại Trung Quốc.
Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại thuộc Bộ Công thương cho hay trong khi thanh long Việt Nam tiếp tục xuất khẩu sang một số thị trường, như Thái Lan và Indonesia, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu thanh long lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 80% giá trị xuất khẩu. Thực tế, thanh long chiếm 1/3 xuất khẩu trái cây Việt Nam, thường mang về doanh thu xuất khẩu hàng năm trên 1 tỷ USD.
Các thách thức mà Việt Nam đang đối mặt khá rõ ràng, một phần do sự cạnh tranh ngày càng tăng của nguồn cung thanh long sản xuất nội địa của Trung Quốc. Diện tích trồng thanh long tại Trung Quốc đã tăng vọt trong những năm gần đây và đến tháng 9/2020 ước đạt từ 53.000 – 67.000ha, vượt xa diện tích trồng thanh long 50.000ha tại Việt Nam. Đồng thời, thanh long Việt Nam cũng mất đi lợi thế chi phí tại Trung Quốc theo thời gian; chi phí sản xuất thanh long từ trồng tới vận chuyển sang Trung Quốc vào khoảng xấp xỉ 5 NDT/kg (0,77 USD/kg). Các vấn đề này cộng với thực tế là nguồn cung thanh long Trung Quốc đang tăng lên, đồng thời hương vị cũng dần cải thiện với độ ngọt phù hợp với khẩu vị của người Trung Quốc.
Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức về vận chuyển do COVID-19. Thanh long Việt Nam trước đây chỉ mất 2 – 3 ngày để vận chuyển tới tỉnh Quảng Tây theo đường bộ nhưng nay cần xấp xỉ trung bình 1 tuần do tình trạng thắt chặt biên giới và thông quan chậm chạp.
Ngoài ra, Hải quan Trung Quốc đã lật tẩy đường dây buôn lậu thanh long Việt Nam với quy mô 170.000 tấn trong tháng 7, khiến nguồn cung thanh long trên thị trường này giảm. Giá thanh long tại Trung Quốc tăng trở lại trong tháng 8, trong khi giá thanh long xuất xứ Trung Quốc cũng tăng dần khi tới gần dịp trung thu và ngày quốc khánh Trung Quốc mặc dù giá dự báo không tăng mạnh.
Thống kê từ Hải quan Trung Quốc cho thấy trong nửa đầu năm 2021, nhập khẩu thanh long Việt Nam đạt 281.000 tấn, giảm tới 23,4% so với mức 367.000 tấn trong cùng kỳ năm 2020. Đồng thời, giá trị nhập khẩu 6 tháng đầu năm cũng giảm 33% so với cùng kỳ năm 2020. Các chuyên gai ngành cho rằng mặc dù thanh long Việt Nam vẫn duy trì thị phần 65% trên thị trường thanh long Trung Quốc nhưng thị phần này sẽ giảm trong những năm tới.
Để ứng phó với những thách thức này, các nhà xuất khẩu Việt Nam đang nỗ lực mở rộng sang các thị trường xuất khẩu khác, đặt kỳ vọng vào các thị trường: Úc, Nhật Bản, EU, Bắc Mỹ và Trung Đông. Năm 2021, Văn phòng Thương mại Việt Nam tại Úc đã tổ chức tuần lễ thanh long tại các thành phố lớn của nước này và thanh long Việt Nam được ghi nhận tại Úc có giá 4,9 USD/trái. Việt Nam cũng đã xuất khẩu thanh long sang Nhật Bản, Ấn Độ, New Zealand, Chile và Pakistan trong những năm gần đây, dù chỉ với lượng khá nhỏ.
Theo Produce Report
Bình luận