Tin vắn ngành chăn nuôi ngày 24/3
Việt Nam điều tra các hãng vận chuyển về cước vận tải tăng
Cục Hàng hải Việt Nam (VMA) thông báo sẽ tiến hành một cuộc điều tra về giá và phụ phí các dịch vụ vận chuyển. Cuộc điều tra nhằm kiểm soát giá các dịch vụ vận chuyển – vốn đã tăng hơn gấp 10 lần từ tháng 1/2020 do COVID-19 gây gián đoạn các hoạt động logistics. VMA cho biết chi phí vận chuyển tăng đang gây khó khăn lớn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực thủy sản, đẩy giá hàng hóa tăng cao.
Trung Quốc kêu gọi các nhà sản xuất TACN tìm nguyên liệu thay thế ngô và đậu tương
Các nhà chức trách Trung Quốc kêu gọi các nhà sản xuất TACN tìm kiếm các nguyên liệu mới để giảm sử dụng bột ngô và bột đậu tương trong các công thức trộn. Các nhà dinh dưỡng học đang vạch ra các hướng dẫn cụ thể về cách thay thế hai nguyên liệu chính này. Văn bản này cực kỳ quan trọng bởi Trung Quốc đang thâm hụt ngô nặng nề và phải nhập khẩu với lượng lớn, đặc biệt là từ Mỹ. Bắc Kinh cũng đang tập trung lớn cho an ninh lương thực.
Giá xuất khẩu DDGS Mỹ tăng mạnh
Giá DDGS Mỹ tiếp tục tăng mạnh so với niên vụ trước do giá ngũ cốc và hạt có dầu cùng tăng, theo ông Yohanes Adryanto, CEO của Scenia, một nhà mội giới và giao dịch quốc tế cho biết. Ông Adryanto cho hay giá các container 40-ft từ Chicago sang Indonesia đã tăng từ 900 USD/thùng lên 2.500 USD/thùng. “Khan hiếm container và toàn bộ hoạt động vận chuyển container khủng hoảng đang thách thức nghiêm trọng hoạt động logistics DDGS”.
Nhà sản xuất tivi tại Việt Nam liên doanh sản xuất thịt bò
CTCP Điện tử Asanzo việt Nam đã đầu tư 86 triệu USD vào 5 trang trại chăn nuôi bò thịt tại các tỉnh miền trung và miền bắc Việt Nam. CÁc trang trại này có tổng quy mô chăn nuôi 25.000 gia súc, có thể cung cấp 50 tấn thịt bò/ngày. Bò thịt được nhập khẩu từ Úc. Asanzo cũng sản xuất phân bón thương hiệu “Ba con bò” từ 400 tấn chất thải bò hàng ngày. Công ty kỳ vọng mảng kinh doanh phân bón sẽ tăng trưởng 500% trong năm 2021, đồng thời có kế hoạch mở rộng mảng kinh doanh thịt bò với các trang trại tại miền nam trong năm 2022.
Giống vịt lai Orvia được lòng nông dân Việt Nam
Với tỷ lệ chuyển đổi thức ăn tốt và tỷ lệ chết thấp, giống vịt lai của Orvia đã mang lại kết quả chăn nuôi vượt kỳ vọng của nông dân Việt Nam. “Các điểm ưu việt lớn nhất của vịt Orvia là chân cứng cáp và trọng lượng vịt đực, vịt cái tương đương nhau”, theo ông Hồ Tấn Vương, giám đốc kiêm sở hữu Công ty Chăn nuôi Lan Chi, một nhà chăn nuôi vịt Orvia cho biết. “Chân vững chắc giúp vịt giảm tỷ lệ chết khi vận chuyển từ trang trại tới lò mổ và trọng lượng vịt đực, vịt cái tương đương nên đàn vịt đồng đều, mang đến hiệu quả kinh tế cao trong toàn chuỗi”, ông cho biết.
Việt Nam ghi nhận giá TACN tăng vọt
Các nhà sản xuất TACN Việt Nam đang thông báo tăng giá TACN trong tháng 3/2021, với mức tăng tới 13 – 22 USD/tấn so với tháng trước. Đây là mức tăng mạnh nhất, cao gấp đôi so với mức tăng giá trước đây. Cục Chăn nuôi dự báo giá nguyên liệu thô sẽ tiếp tục tăng trong quý 2/2021. Cục đang kêu gọi các nhà sản xuất TACN tìm kiếm các nguồn nguyên liệu thô thay thế và các giải pháp để giảm chi phí sản xuất và bình ổn giá.
Theo Asian Agribiz
Bình luận