0

Chỉ số giá thực phẩm FAO (FFPI) đạt trung bình 113,3 điểm trong tháng 1/2021, tăng 4,7 điểm (4,3%) so với tháng 12/2020, không chỉ đánh dấu tháng tăng điểm thứ 8 liên tiếp mà còn ghi nhận mức cao nhất theo tháng kể từ tháng 7/2014. Đợt tăng điểm mới nhất này phản ánh mức tăng mạnh ở các chỉ số thành phần: giá đường, giá ngũ cốc và giá dầu thực vật; trong khi giá thịt và giá sữa cũng tăng nhưng ở mức ít hơn.

Chỉ số giá ngũ cốc FAO đạt trung bình 124,2 điểm trong tháng 1/2021, ghi nhận mức tăng mạnh 8,3 điểm (7,1%) so với tháng 12 và là tháng tăng điểm thứ 7 liên tiếp. Giá ngô quốc tế tăng mạnh với mức tăng tới 11,2% trong tháng 1/2021, cao hơn tới 42,3% so với cùng kỳ năm 2020, phản ánh tình trạng nguồn cung yếu trên thị trường thế giới do sản lượng và ước tính tồn kho tại Mỹ thấp hơn dự báo, trong khi nhập khẩu của Trung Quốc duy trì ở mức cao. Lo ngại về tình hình khô hạn tại Nam Mỹ và việc Argentina tạm hoãn đăng ký xuất khẩu ngô càng đẩy giá ngô trên thị trường quốc tế tăng mạnh và chạm mức cao nhất kể từ giữa năm 2013. Trong số các loại ngũ cốc thô, giá lúa mạch cũng tăng trong tháng 1/2020 với mức tăng 6,9%, chủ yếu do nhu cầu mạnh lên và giá ngô, lúa mỳ và đậu tương tăng, trong khi giá hạt kê duy trì ổn định. Giá lúa mỳ cũng ghi nhận mức tăng mạnh trong tháng 1, với mức tăng 6,8%, chủ yếu do chịu sự tác động từ diễn biến giá ngô cũng như nhu cầu quốc tế ở mức cao và dự báo xuất khẩu từ Nga giảm từ tháng 3/2021, khi thuế xuất khẩu lúa mỳ từ nước này sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay. Đối với gạo, nhu cầu cao tại châu Á và châu Phi, cộng với nguồn cung thấp tại Thái Lan và Việt Nam, tiếp tục là động lực đẩy giá xuất khẩu gạo tăng trong tháng 1 vừa qua.

Chỉ số giá dầu thực vật FAO đạt trung bình 138,8 điểm trong tháng 1, tăng 7,7 điểm (5,8%) so với tháng 12 và chạm mức cao nhất kể từ tháng 12/2012. Chỉ số này tăng tháng thứ 8 liên tiếp chủ yếu do giá dầu cọ, giá dầu đậu nành và giá dầu hạt hướng dương tăng. Với sản lượng dầu cọ tại cả Indonesia và Malaysia đều thấp hơn dự báo do mưa lớn ( và trong trường hợp của Malaysia là tình trạng thiếu lao động nhập cư liên miên), giá dầu cọ trên thị trường quốc tế leo lên mức cao nhất trong 8,5 năm. Trong khi đó, giá dầu đậu nành tăng tháng thứ 8 liên tiếp, chủ yếu do nguồn cung khả dụng xuất khẩu giảm và các cuộc biểu tình kéo dài tại Argentina. Đối với dầu hạt hướng dương, giá tiếp tục tăng do vấn đề thiếu nguồn cung dai dẳng trên thị trường quốc tế, khi sản lượng hạt hướng dương niên vụ 2020/21 giảm mạnh.

Chỉ số giá sữa FAO đạt trung bình 111 điểm trong tháng 1/2021, tăng 1,7 điểm (1,6%) so với tháng 12/2020, là tháng tăng điểm thứ 8 liên tiếp và cao hơn 7,1 điểm (6,9%) so với cùng kỳ năm 2020. Trong tháng 1/2021, giá bơ và giá sữa bột nguyên kem (WMP) tăng, chủ yếu do Trung Quốc tăng nhập khẩu trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào thời điểm nguồn cung khả dụng xuất khẩu tại New Zealand thấp theo mùa. Giá sữa bột gầy (SMP) cũng tăng, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu đối với các nguồn cung giao ngay tăng lên và hoạt động sản xuất yếu ớt tại Tây Âu. Ngược lại, giá phô mai giảm nhẹ từ mức cao ghi nhận trong tháng 12/2020 do doanh số nội khối tại châu Âu giảm, cộng với tồn kho tăng tại Mỹ.

Chỉ số giá thịt FAO* đạt trung bình 96 điểm trong tháng 1/2020, tăng 0,9 điểm (1%) so với tháng 12/2020, đánh dấu tháng thứ 4 tăng điểm liên tiếp, nhưng vẫn thấp hơn 7,6 điểm (7,3%) so với cùng kỳ năm 2020. Giá tất cả các loại thịt trên thị trường quốc tế được tính trong chỉ số trên đều tăng trong tháng 1, với giá thịt gà tăng mạnh nhất, đặc biệt là giá thịt gà xuất xứ Brazil, do nhu cầu nhập khẩu trên thị trường thế giới ở mức cao, trong khi các đợt bùng phát dịch cúm gia cầm làm hạn chế hoạt động xuất khẩu thịt gà từ một số nước châu Âu. Bất chấp mức nhập khẩu cao tại Trung Quốc trước thềm Tết Nguyên đán, giá thịt lợn và giá thịt bò chỉ tăn nhẹ, do nguồn cung toàn cầu đủ để đáp ứng nhu cầu. Giá thịt cừu tăng tháng thứ 4 liên tiếp do nguồn cung từ châu Đại dương thấp và nhu cầu cao tại Trung Quốc.

Chỉ số giá đường FAO đạt trung bình 94,2 điểm trong tháng 1/2020, tăng 7 điểm (8,1%) so với tháng 12/2020 và chạm mức cao nhất kể từ tháng 5/2017. Giá đường tăng chủ yếu do những lo ngại liên quan đến nguồn cung giảm trong năm 2020/21, khi triển vọng sản xuất tại EU, Liên bang Nga và Thái Lan đều giảm, cùng với điều kiện thời tiết khô hạn hơn thông thường tại Nam Mỹ. Hơn nữa, giá dầu thô tăng trong thời gian gần đây và sự mạnh lên của đồng real Brazil so với đồng USD làm giảm các hoạt động xuất khẩu của Brazil – nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới – cũng kéo giá đường tăng. Nhu cầu nhập khẩu đường trên thị trường thế giới tiếp tục mạnh mẽ cũng là một yếu tố trợ giá đường. Áp lực tăng giá phần nào bị hạn chế do nguồn cung khả dụng xuất khẩu tại Ấn độ và dự báo sản lượng mía đường cao cũng như chính sách trợ cấp xuất khẩu mà chính phủ nước này phê duyệt cho niên vụ 2020/21.

*Không giống các nhóm hàng hóa khác, phần lớn giá dùng để tính toán Chỉ số giá thịt của FAO không có sẵn khi Chỉ số giá thực phẩm của FAO được tính toán và công bố nên Chỉ số giá thịt trong những tháng gần đây đến từ giá quan sát và dự báo. Vào thời điểm này, chỉ số giá này cần những điều chỉnh lớn trong giá trị Chỉ số giá thịt FAO, có thể tác động tới Chỉ số giá thực phẩm FAO nói chung.

Theo FAO

Admin

Chỉ số giá thực phẩm FAO bật tăng nhẹ trong tháng 4/2023

Bài trước

Chỉ số giá thực phẩm FAO tăng mạnh trong tháng 11/2020 lên mức cao nhất trong gần 6 năm

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc