Gạo là thực phẩm thiết yếu tại châu Á nên là một loại hàng hóa cực kỳ nhạy cảm cả về yếu tố chính trị và giá. Tại các nước như Ấn Độ, Indonesia, Ấn Độ và Philippines, các chính phủ sẽ hành động rất mau lẹ và quyết đoán để giữ nguồn cung cũng như giá gạo ổn định, tương tự như một số hàng hóa khác như lúa mỳ hoặc ngô.
“Tại châu Á, giá gạo có thể gây dựng hay làm gãy vỡ một nước, nên các chính phủ luôn sẵn sàng can thiệp bằng mọi giá để giữ giá gạo ổn định, khiến gạo trở thành hàng hóa cực kỳ nhạy cả cả về khía cạnh chính trị và giá”, theo chuyên gia hàng hóa đồng thời là giám đốc vùng của International Potato Centre Asia là Samarendy Mohanty trả lời phỏng vấn FoodNavigator-Asia. “85% tiêu dùng gạo toàn cầu hiện tập trung ở châu Á nên mức cảnh báo và nhạy cảm cao đối với hàng hóa này là điều dễ hiểu, nhưng chúng ta cũng quan sát thấy những dấu hiệu cho thấy mức độ chính trị hóa ngành gạo thực sự suy yếu so với 10 – 15 năm trước. Một trong những dấu hiệu chính là trong thời kỳ COVID-19, khi phần lớn các nước sản xuất gạo tại châu Á như Philippines, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ thực tế đã hoàn toàn không can thiệp vào thị trường trong suốt các giai đoạn phong tỏa, không đưa ra bất cứ lệnh cấm gì liên quan đến gạo hay ngừng xuất khẩu gạo. Nếu COVID-19 xảy ra 10 – 15 năm trước, phản ứng từ các nhà sản xuất gạo châu Á sẽ rất khác, có thể sẽ giống như động thái mà Việt Nam và Campuchia thực hiện”.
Việc mở cửa thị trường gạo đặc biệt hưng thịnh tại Ấn Độ - nước gần đây đã đi những bước cải cách luật mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực thực phẩm, cho phép thị trường gạo trở nên mở cửa hơn rất nhiều – bao gồm các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống sử dụng gạo làm nguyên liệu đầu vào. “Tại Ấn Độ, gạo, khoai tây và lúa mỳ được coi là các hàng hóa thiết yếu và chính phủ từng kiểm soát giá và marketing rất chặt chẽ - nông dân trồng lúa chỉ được phép bán cho một số nhà phân phối được chỉ định theo luật và không có bất cứ doanh nghiệp tư nhân nào”, ông Mohanty cho biết. “Các luật mới hiện cho phép các công ty tư nhân, bao gồm các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống, trực tiếp hợp tác với nông dân để thu mua và đặt hàng làm nguyên liệu thô, nguyên liệu đầu vào – nghĩa là thay vì chính phủ, thị trường thực phẩm sẽ định hướng ngành gạo – một kịch bản cấp tiến hơn rất nhiều”.
Các chính phủ Malaysia và Indonesia cũng đang cân nhắc dỡ bỏ độc quyền ngành gạo hiện nằm trong tay các thể chế là cánh tay nối dài của chính phủ như Bernas và National Food Logistics Agency (BULOG).
Các lý do tự do hóa ngành gạo tại châu Á
Tự do hóa thị trường gạo là một dấu hiệu cho thấy thu nhập và tính ổn định xã hội tăng, theo quan điểm của ông Mohanty. “Tính nhạy cảm giảm đi nhờ thu nhập của người tiêu dùng châu Á tăng khi tầng lớp thượng trung lưu mới nổi có thể chi trả cho thực đơn đa dạng hơn, bao gồm các thực phẩm khác như thịt, rau quả và sữa, nên tầm quan trọng của gạo trong các khẩu phần ăn giảm đi”, ông nhận định. “Tuy nhiên, mức độ đa dạng hóa khác nhau giữa các nước – chịu tác động bởi mức độ can thiệp của các chính phủ trong kiểm soát giá và phân phối ngũ cốc theo các chính sách trợ cấp – như chính phủ Ấn Độ cung cấp ngũ cốc (gạo và lúa mỳ) ở mức giá hỗ trợ cho 800 triệu người”.
Nhìn chung tiêu dùng gạo vẫn trên đà tăng tại cả châu Á và trên thế giới do tiêu dùng của các nhóm thu nhập thấp hơn tại châu Á cũng như tăng nhu cầu tại các nước như tại châu Phi. Điều này nghĩa là nguồn cung gạo vẫn cần tăng lên trong những năm tới, đặc biệt khi tự do hóa thị trường tại chau Á có thể dẫn tới giảm sản xuất gạo trong tương lai. “Có khả năng tự do hóa thị trường sẽ dẫn tới giảm nguồn cung gạo do nông dân có những lựa chọn khác”, ông Mohanty cho hay. “Tại Ấn Độ, trước đây người ta trồng lúa gạo dựa trên tình hình giá sàn (MSP) mà chính phủ đặt ra, nay họ được phép tham gia vào các hợp đồng với các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống hoặc cung ứng cho các doanh nghiệp khác nên có thể lựa chọn các loại cây trồng khác, và nếu được trả giá cao hơn thì chắc chắn họ sẽ lựa chọn chuyển đổi sang cây trồng khác. Điều này nghĩa là nguồn cung gạo sẽ giảm trong khi nhu cầu và tiêu dùng vẫn trên đà tăng nên tôi tin rằng chúng ta cũng cần phát triển các nhà sản xuất – xuất khẩu gạo ngoài châu Á”.
Đưa gạo trở thành hàng hóa toàn cầu
Cùng với những diễn biến trên, ông Mohanty cho rằng cần phải đưa gạo trở thành một hàng hóa toàn cầu – thay vì chỉ tại châu Á – bởi rủi ro cao nếu như tình hình hiện tại tiếp tục diễn ra. “90% sản xuất lúa gạo tập trung tại châu Á – nếu có bất cứ thảm họa thiên tai thời tiết nào xảy ra tại Nam Á hoặc Đông Nam Á thì cũng là khó khăn lớn cho toàn bộ thị trường gạo toàn cầu”, ông nhận định. “Không giống như lúa mỳ hay ngô hay đậu tương – các mặt hàng có hoạt động sản xuất rải rác toàn cầu nên nếu có vấn đề xảy ra tại một khu vực thì nguồn cung từ khu vực khác vẫn tồn tại, trong khi gạo thì sẽ thực sự thiếu. Chúng ta may mắn vì COVID-19 đã không gây ra sự sụp đổ các chuỗi cung ứng nhưng vẫn có rủi ro đối với nguồn cung của toàn khu vực nếu bất cứ điều gì xảy ra”.
Ông khuyến nghị châu Phi – nơi gạo cũng là thực phẩm thiết yếu – trở thành một khu vực sản xuất gạo lớn nhưng thừa nhận rằng điều này rất khó khăn. “Tất nhiên là khó xảy ra kịch bản các chính phủ châu Á muốn từ bỏ vị thế trong ngành gạo, ngay cả với tình hình tự do hóa thị trường hiện nay và cho tới khi nguồn cung gạo từ châu Á vẫn rẻ thì châu Phi sẽ không có động lực tự sản xuất”, ông nhận định. “Ngoài ra, vấn đề ổn định chính trị cũng tồn tại nên nhìn chung nếu châu Phi nổi lên trở thành một nhà xuất khẩu gạo thì cũng mất ít nhất 15 – 20 năm để điều này diễn ra”.
Theo Food Navigator Asia
Bình luận