0

Giá ngô tăng vọt đang châm ngòi cho những rủi ro an ninh lương thực tại Trung Quốc, nơi lạm phát giá thực phẩm đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 thập kỷ và chủ tịch Tập Cận Bình gần đây đã phải đưa ra khẩn cầu cấp cao về chấm dứt tình trạng lãng phí. Giá ngô tăng vọt – nguyên liệu quan trọng cho các ngành chăn nuôi lợn, gia cầm và sản xuất sữa – là diễn biến mới nhất trong chuỗi sự kiện đầy bất lợi đối với nước này, bao gồm dịch bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng ngành chăn nuôi lợn, những bất ổn đối với các nhà cung cấp quốc tế do đại dịch COVID-19 và những cảnh báo liên tiếp về thâm hụt nguồn cung thực phẩm ngày càng tăng.

Giá ngô tăng khi Trung Quốc ngày càng tiến gần đến ngưỡng thâm hụt ngô lần đầu tiên sau nhiều năm trong niên vụ 2020/21 bắt đầu vào tháng 10 tới và có thể thâm hụt tới 30 triệu tấn, tương đương 10% tổng sản lượng, theo các nhà phân tích và giao dịch. Đây là cơ hội cho các nước xuất khẩu ngô lớn như Mỹ và Ukraine nhưng đe dọa đẩy giá ngô toàn cầu tăng và tác động lên những người sử dụng cuối cùng, buộc họ phải chuyển sang các loại ngũ cốc khác. “Rõ ràng tình trạng thiếu ngô sẽ xảy ra trong tương lai và chúng ta cần nhập khẩu rất nhiều vào năm tới”, theo một nhà lãnh đạo tại một hãng giao dịch thuộc sở hữu nhà nước, từ chối tiết lộ danh tính, cho biết.

Duy trì nguồn cung thực phẩm là một yếu tố quan trọng cho tính chính danh chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhưng đang lung lay trước khó khăn cân bằng giữa kế hoạch của chính quyền trung ương và các sức mạnh khác trên thị trường ngũ cốc. Chật vật với các kho dự trữ ngày càng phình to, 4 năm trước, Trung Quốc đã từ bỏ cơ chế trả giá thu mua từ nông dân cao hơn giá thị trường đối với ngô và từ đó sản lượng ngô bắt đầu giảm xuống thấp hơn mức tiêu dùng của nước này. Tồn kho ngô để bù đắp thâm hụt nguồn cung gần như đã hết.

Hía ngô tại Jiamusi – thủ phủ vựa ngũ cốc của Trung Quốc – chạm mức cao nhất trong 5 năm ở 2.050 NDT/tấn (297 USD/tấn) vào 26/8, tăng 27% so với hồi đầu năm, trước khi giảm nhẹ vài ngày sau đó. Giá ngô tăng là một trong những nguyên nhân góp phần đẩy giá thực phẩm tăng trên diện rộng, cùng với lũ lụt nghiêm trọng tại miền nam, hạn hán cục bộ tại vành đai ngũ cốc miền bắc và tình trạng thiếu thịt lợn dai dẳng. Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh nỗi lo lắng khi kêu gọi quốc gia này chấm dứt tình trạng lãng phí thực phẩm “một cách đáng xấu hổ”, khiến nhiều chính quyền địa phương bắt đầu triển khai các chiến dịch liên quan.

Bùng nổ nhập khẩu?

Trong niên vụ 2020/21, sản lượng ngô của Trung Quốc dự báo đạt 266,5 triệu tấn nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu, theo Bộ Nông nghiệp nước này nhận định, và dự báo tồn kho cuối kỳ sẽ thâm hụt 16,7 triệu tấn. Theo khảo sát của Reuters đối với 5 nhà phân tích và giao dịch, mức thâm hụt có thể lên đến 30 triệu tấn, vượt xa hạn ngạch nhập khẩu 7 triệu tấn hiện nay của Trung Quốc. “Nếu chính phủ không nới lỏng quy định liên quan đến hạn ngạch nhập khẩu, chúng ta sẽ đối mặt với thiếu hụt lớn”, theo một nhà giao dịch nông sản nội địa tại Thượng Hải nhận định.

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia – cơ quan đặt ra chính sách hạn ngạch – không phản hồi các yêu cầu bình luận về kế hoạch hạn ngạch. Dù vậy, nhu cầu nhập khẩu có thể bị hạn chế bởi các nguồn cung thay thế, xét tới các nguồn cung các loại ngũ cốc khác còn rất dồi dào của nước này, cũng như nhập khẩu các ngũ cốc thay thế như hạt kê và lúa mạch. “Dựa trên diễn biến mua ngô Mỹ mới thu hoạch, có vẻ như Trung Quốc sẽ nâng hạn ngạch hoặc đưa ra vài thay đổi”, theo Darin Friedrichs, nhà phân tích cấp cao tại StoneX ở Thượng Hải. “Nhưng tôi không cho là mức thy đổi sẽ quá lớn. Tôi nghĩ 10 triệu tấn là mức có vẻ hợp lý cho năm tới”.

Các nhà sản xuất TACN sử dụng gần 200 triệu tấn ngô hàng năm cho chăn nuôi lợn và gà đang chuyển sang nguồn cung lúa mỳ đồi dào. Tiêu dùng lúa mỳ làm TACN trong niên vụ 2020/21 có thể tăng tới 20 triệu tấn, tăng khoảng 5 triệu tấn so với những năm trước và khoảng 15% tổng sản lượng, theo một nhà nghiên cứu chính phủ từ chối tiết lộ danh tích nhận định.

Đồng thời, Trung Quốc cũng cam kết tăng mua nông sản Mỹ trong năm 2020 theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 và đã nhập khẩu ngô Mỹ với lượng cao kỷ lục trong 1 tháng khi tìm cách tăng nguồn cung. “Ngô trên thị trường quốc tế quá rẻ, tại sao không?”, một lãnh đạo hãng giao dịch nói.

Theo Reuters

Admin

Nông sản giúp Bắc Kinh thủ thế ra sao trong cuộc chiến thương mại với Mỹ

Bài trước

Việt Nam nổi lên là nhà cung cấp tinh bột sắn chính cho Trung Quốc

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc