Nhật Bản vừa quyết định dỡ lệnh kiểm tra bắt buộc đối với tôm sú Ấn Độ sau khi các lô hàng tôm từ nước này không bị phát hiện thấy dư lượng thuốc kháng sinh tổng hợp furazolidone, Cơ quan xúc tiến xuất khẩu thực phẩm Ấn Độ (MPEDA) cho hay. Thông tin này được đưa ra từ Văn phòng Thanh tra và An toàn Thực phẩm thuộc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) gửi tới Đại sứ quán Ấn Độ tại Nhật Bản, Hội đồng Thanh tra Xuất khẩu Ấn Độ và Cơ quan Phát triển xuất khẩu thủy sản (MPEDA).
MHLW cũng giảm tỷ lệ kiểm tra mẫu nhập khẩu tôm sú từ 100% xuống còn 30%. Lệnh này ban hành theo khoản 3, điều 26 của Luật Vệ sinh Thực phẩm Nhật Bản, liên quan đến furazolidone.
Tôm sú là loại thủy sản được ưa chuộng trên khắp thế giới, đồng thời là một phân khúc xuất khẩu quan trọng của Ấn Độ. Nhật Bản là thị trường chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm sú của Ấn Độ, đồng thời cũng chiếm tỷ trọng tốt trên các thị trường ngách tại Mỹ và EU.
Một nhóm chuyên gia 2 thành viên đã khảo sát các trại sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm cùng các nhà máy chế biến xuất khẩu tôm sú từ 2 – 6/3 vừa qua, theo thông báo từ MPEDA. Cơ quan này cho hay đã triển khai các nỗ lực bền bỉ để khôi phục sản xuât tôm sú bằng cách cung ứng tôm giống chất lượng cao, sạch bệnh từ Multispecies Aquaculture Complex (MAC) tại Vallarpadam, Kochi. Nguồn tôm giống từ MAC được nông dân đón nhận tốt và quyết định mới từ phía Nhật Bản cho thấy cơ hội kinh doanh cho sản xuất và xuất khẩu tôm sú tại Ấn Độ vốn bị lấn át mạnh bởi việc sản xuất tôm thẻ trong 10 năm qua tại nước này.
Theo FIS
Bình luận