Các nhà phân tích tại FAO cho biết thế giới hiện có nguồn cung ngũ cốc, hạt có dầu ở mức cao nhưng hành vi mua sắm hoảng loạn của các nhà nhập khẩu lớn có thể đẩy giá ngũ cốc, hạt có dầu lên cao không kiểm soát. Giá dầu giảm sẽ gây thiệt hại cho các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu thô. Các nhà chế biến ngũ cốc không dự đoán được về nhu cầu thực khi tiêu dùng tại các nhà hàng suy giảm.
Phong tỏa và mua sắm hoảng loạn do đại dịch virus corona có thể đẩy thế giới tới tình trạng lạm phát giá thực phẩm mặc dù nguồn cung ngũ cốc thiết yếu và các loại hạt có dầu tại các nước xuất khẩu lớn vẫn dồi dào, theo một nhà phân tích kinh tế và nông nghiệp tại FAO cho hay. Các nước giàu nhất thế giới đang đổ khoản cứu trợ chưa từng thấy vào nền kinh tế toàn cầu do số ca virus corona tăng nhanh chóng tại châu Âu và Mỹ, với số lượng người chết tại Ý đã vượt Trung Quốc – nơi khởi phát virus corona.
Với hơn 270.000 người nhiễm bệnh và hơn 11.000 người chết trên toàn cầu, đại dịch này đang gây áp lực cho toàn thế giới và được so sánh với các giai đoạn đen tối như Thế chiến II và đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918. “Các nước nhập khẩu lớn như các nhà xay xát lẫn chính phủ đều đang mua sắm hoảng loạn và tạo ra một cuộc khủng hoảng”, theo Abdolreza Abbassian, nhà kinh tế học cấp cao tại FAO. “Đây không phải là vấn đề nguồn cung mà là sự thay đổi hành vi liên quan đến an ninh lương thực. Sẽ thế nào nếu những nhà nhập khẩu lớn nghĩ rằng họ không thể nhận được các lô hàng lúa mì hoặc gạo vào tháng 5 hoặc 6? Điều này có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng nguồn cung thực phẩm toàn cầu”.
Người tiêu dùng trên khắp thế giới, từ Singapore tới Mỹ, đều xếp hàng tại các siêu thị những tuần gần đây để mua tích trữ, từ gạo cho tới nước rửa tay và giấy vệ sinh.
Giá lúa mì tương lai tham chiếu trên thị trường Chicago tăng hơn 6% trong tuần này, mức tăng mạnh nhất trong 9 tháng, trong khi giá gạo Thái Lan – nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thếg giới – tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2013. Ngành ngũ cốc Pháp đang gặp rất nhiều khó khăn để có thể tìm đủ số lượng xe tải và nhân sự giúp các nhà máy và cảng hoạt động trước cơn hoảng loạn mua bột mì và pasta trùng hợp với đợt xuất khẩu lúa mỳ tăng cao. CÁc lệnh hạn chế do một số nước EU đặt ra trong vận chuyển xuyên biên giới với các nước thành viên khác để ngăn ngừa đại dịch cũng đang làm gián đoạn các nguồn cung thực phẩm.
Tuy nhiên, tồn kho lúa mỳ cuối kì trên toàn cầu vào thời điểm tháng 6 sắp tới ước tăng lên 287,14 triệu tấn, tăng từ 277,57 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2019, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Tồn kho gạo toàn cầu dự báo tăng lên 182,3 triệu tấn, so với mức 175,3 triệu tấn trong cùng kỳ so sánh.
Thực phẩm ở đúng nơi cần đến
Logistics có vẻ là vấn đề toàn cầu lớn nhất hiện nay. “Khoảng 140 triệu tấn ngô được dùng để sản xuất ethanol tại Mỹ và một phần dùng cho thực phẩm, xét tới tình hình giá dầu giảm như hiện nay”, theo Ole Houe, giám đốc dịch vụ tư vấn tại IKON Commodities. “Nỗi lo lớn hiện nay là có nguồn cung thực phẩm đúng nơi đúng lúc”.
Những người mua tại châu Á đang trong trạng thái án binh bất động trong tuần này do tình hình thị trường bi quan. “Chúng tôi không chắc chắn về nhu cầu. Thị trường sẽ ra sao vào tháng 6 hoặc tháng 7?”, theo một quản lý mua tai Singapore cho một nhà máy xay xát có các cơ sở sản xuất trên khắp Đông Nam Á cho hay. “Kinh doanh nhà hàng suy yếu nghiêm trọng và nhu cầu đang giảm nhẹ hiện nay”. Các nhà nhập khẩu lúa mỳ châu Á, bao gồm nước nhập khẩu lớn nhất khu vực là Indonesia, đang mua các lô hàng lớn từ khu vực biển Đen giữa bối cảnh dư cung toàn cầu.
Các nước xuất khẩu dầu mỏ tại Trung Đông, cũng là các nước nhập khẩu ngũ cốc ròng, có thể gặp vấn đề tài chính nghiêm trọng khi giá dầu giảm hơn 60% trong năm 2020. “Các nước xuất khẩu dầu lửa” đổi lấy ngoại tệ để nhập khẩu thực phẩm sẽ suy yếu trong năm nay khi giá dầu lẫn các đồng tiền giảm giá”, theo ông Abbassian của FAO cho hay. “Kéo theo đó là năng lực triển khai các chính sách thúc đẩy nền kinh tế cũng yếu đi”.
Theo Reuters
Bình luận