Nhiều nhà xuất khẩu trái cây nhăm nhe thị trường Việt Nam
Trước tết Nguyên đán, cam thương hiệu Sunkist từ Mỹ được phép bán tại siêu thị E-Mart Hàn Quốc và chợ bán buôn nông sản Thủ Đức tại thành phố Hồ Chí Minh, sau đó sớm được bán tại hệ thống siêu thị VinMart. Theo Sunkist Growers, Inc., một tổ chức không vì lợi nhuận tại Mỹ, loại cam này gần đây đã được phê chuẩn xuất khẩu sang Việt Nam. Mỹ cũng xuất khẩu táo, nho, cherry, lê và nam việt quất tới Việt Nam. Benjamin Petlock, một nhà tư vấn nông nghiệp tại Bộ Nông nghiệp mỹ, cho biết Mỹ đã có thể xuất khẩu cam sang Việt Nam sau nhiều năm nỗ lực vận động.
Úc cũng xuất khẩu một lượng lớn trái cây sang Việt Nam trong những năm gần đây. Năm 2019, những người sản xuất rượu vang Úc đã tiến hành 2 chuyến thực địa sang Việt Nam để tìm cách thúc đẩy xuất khẩu trái cây, đặc biệt là các loại nho theo mùa.
Ngoài ra, trái cây nhập khẩu từ châu Á, bao gồm Hàn Quốc và Nhật Bản như dâu tây, nho xanh và các loại trái cây khác cũng hiện diện tại Việt Nam. Một đại diện chuỗi siêu thị Hàn Quốc K-Mart tại Việt Nam cho hay Thỏa thuận Thương mại Tự do Việt – Hàn (KVFTA) có hiệu lực 4 năm qua, thúc đẩy xuất khẩu trái cây theo mùa sang Việt Nam. CÁc sản phẩm nông sản tươi Hàn Quốc được vận chuyển hàng không sang Việt Nam. Các khu vực xuất khẩu chính từ Hàn Quốc là các tỉnh Gimcheon, Gyeonggi-do và Gyeongnam, vốn là các khu vực nông nghiệp phát triển nhất tại Hàn Quốc.
Thị trường đầy tiềm năng
Với 17 thỏa thuận thương mại tự do (FTAs), trong đó 13 thỏa thuận đã có hiệu lực, thị trường với quy mô 97 triệu dân của Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Và với thuế nhập khẩu hàng hóa từ các thị trường có FTA đang giảm mạnh, xuất khẩu nông sản và thực phẩm sang Việt Nam càng trở nên dễ dàng hơn.
Jeff Scott, giám đốc Hiệp hội nho Úc, cho biết các giống nho mới đang trong giai đoạn sản xuất cho xuất khẩu trong năm nay, như Sweet Surrender, Ivory Seedless, Sweet Nectar, Magenta, Sweet Globe, Sweet Celebration, Luisco seedless, và nhiều loại khác. Nho không hạt Thompson và Crimson vẫn là các loại nho xuất khẩu chính của Úc, ông cho biết. “Dự báo về mùa màng năm nay, các loại nho xuất khẩu chính sang Việt Nam như nho không hạt Thompson và Crimson, sẽ có sản lượng tăng lần lượt 7,4% và 6,6%”.
Tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây Úc trong năm 2019 tăng 33%, trong khi xuất khẩu sang Việt Nam tăng tới 81%. “Chúng tôi tự tin dự báo rằng các loại trái cây xuất khẩu chính sang Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh trong 10 năm tới”, ông nhận định. “Việt Nam cũng là thị trường nhập khẩu nho tươi lớn thứ 4 của Úc trong thời điểm này”.
Thống kê từ Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy xuất khẩu trái cây tươi sang Việt Nam đạt 97 triệu USD trong 10 tháng đầu năm 2019, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2018. Việt Nam là nước nhập khẩu trái cây lớn thứ 9 của Mỹ. Thái Lan là nước xuất khẩu trái cây lớn nhất sang Việt Nam, chiếm thị phần 43%, theo sau là Trung Quốc với 23%, theo thông tin từ Bộ NNPTNT.
Với thu nhập khả dụng ngày càng tăng và nỗi lo về an toàn thực phẩm, người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu, vốn được cho là có chất lượng và các tiêu chuẩn an toàn cao hơn. Tăng trưởng nhanh chóng các chuỗi bán lẻ hiện đại, cơ sở hạ tầng như các chuỗi lạnh được cải thiện, giúp duy trì chất lượng các sản phẩm nhập khẩu và giúp người tiêu dùng tiếp cận được các sản phẩm được bảo quản tốt.
Theo VNS
Bình luận