Trung Quốc tái định hình thị trường thịt toàn cầu do dịch tả lợn
Trung Quốc đang ráo riết tìm kiếm nguồn cung thịt thay thế cho hàng triệu con lợn bị chết do dịch tả lợn (ASF), làm giá thịt lợn, doanh thu lẫn lợi nhuận của các nhà đóng gói thịt châu Âu và Nam Mỹ đều tăng, đồng thời tái định hình các thị trường toàn cầu cho thịt lợn, thịt bò và thịt bò.
EU, nhà sản xuất thịt lợn lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc, đang tăng mạnh xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc mặc dù chỉ có thể bù đắp một phần nhỏ trong tổng suy giảm nguồn cung thịt lợn tại nước này do dịch tả lợn. Argentina và Brazil đều đang phê duyệt hàng loạt các nhà máy xuất khẩu thịt mới để đáp ứng nhu cầu thịt bò và thịt gà cũng như thịt lợn tại Trung Quốc. Ngược lại, các nhà sản xuất thịt tại Mỹ đang gặp bất lợi cho chính sách thuế nhập khẩu do Trung Quốc đặt ra.
Các nước châu Á khác cũng đang tăng mạnh nhập khẩu khi phải đối mặt với khó khăn trong kiểm soát dịch tả lợn. Việt Nam, Philippines, Triều Tiên và Hàn Quốc, Lào, Myanmar và Campuchia đều đang chật vật trong kiểm soát dịch bệnh khiến hàng triệu con lợn bị chết nhưng không ảnh hưởng tới sức khỏe con người. “Đây là tin tốt cho những nhà kinh doanh tham gia vào chế biến và có giấy phép xuất khẩu sang Trung Quốc”, theo Justin Sherrard, chiến lược gia toàn cầu về protein động vật tại Rabobank.
Các nhà chế biến thịt lợn lớn của EU bao gồm Danish Crown, Tonnies Group và Vion Food Group mặc dù thị trường phân tán với nhiều tác nhân quy mô nhỏ và vừa. Thiếu hụt nguồn cung thịt lợn trên thị trường tiêu dùng thịt lợn lớn nhất thế giới trở nên ngày một nghiêm trọng khi Tết Nguyên đán đang tới gần vào tháng 1 tới, khi thịt lợn và bánh bao nhân thịt lợn có vị trí quan trọng trong thực đơn của người Trung Quốc. Một trong những công ty lớn nhất châu Âu là Danish Crown cho biết nhu cầu thịt lợn từ Trung Quốc tăng lên rõ rệt và công ty kỳ vọng một năm kinh doanh thuận lợi trong năm 2020.
Tập đoàn nông nghiệp thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc là COFCO trong tuần này đã đồng ý mua đơn hàng thịt lợn trị giá 100 triệu USD từ Danish Crown trong năm 2020 để giúp giảm nhẹ tình trạng thiếu hụt nguồn cung thịt lợn nội địa.
Nam Mỹ liên tục phê duyệt các nhà máy mới
Rabobank ước tính quy mô chăn nuôi lợn của Trung Quốc – nước sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới, giảm một nửa trong 8 tháng đầu tiên năm 2019 và có thể sẽ giảm tổng cộng 55% trong cả năm 2019. Ngày càng nhiều nhà máy chế biến thịt mới được phê duyệt xuất khẩu sang Trung Quốc tại Argentina và Brazil, bao gồm các nhà máy thịt bò, thịt gà lẫn thịt lợn.
Nicholas Lafontaine, một nông dân chăn thả gia súc tại Azul, các thủ đô Buenos Aires 300km về phía Tây Nam, cho biết Trung Quốc có truyền thống mua các phần cắt giá rẻ còn EU thường mua thịt tảng cao cấp. Nay Trung Quốc đang thu mua cả con xẻ thịt, làm giảm sản lượng thịt bán ra trên thị trường nội địa. Đồng peso mất giá 30% trong năm 2019 khiến biên lợi nhuận chế biến xuất khẩu cải thiện nên các nhà máy đang mở cửa trở lại. “Lợi ích khác đến từ nhu cầu thịt lợn tại Trung Quốc tăng là sự mở cửa trở lại của các nhà máy thịt bò”, ông cho biết thêm một nhà máy cũng vừa hoạt động trở lại nhờ Trung Quốc.
Quốc gia láng giềng Brazil cũng đang hưởng lợi. Theo các tổ chức thương mại thịt Brazil, Bắc Kinh đã tăng gấp đôi số lượng nhà máy thịt bò được cấp phép xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc đại lục lên 33 nhà máy. Trong năm 2018, xuất khẩu thịt bò Brazil đạt 1,64 triệu tấn, với sang Trung Quốc chiếm 19,3%, chỉ đứng sau Hong Kong. Xuất khẩu thịt bò Brazil năm 2019 dự báo tăng lên 1,8 triệu tấn. “Trung Quốc là thị trường trả giá cao nhất cho sản phẩm thịt đóng gói từ Brazil”, theo Luciano Pascon, giám đốc điều hành của công ty đóng gói thịt tư nhân Frigol cho hay.
Cuộc chiến thương mại gây hại cho các nhà sản xuất thịt tại Mỹ
Thuế nhập khẩu cao mà Trung Quốc áp dụng cho thịt lợn Mỹ trong cuộc chiến thương mại dai dẳng giữa hai nước này có thể khiến ngành thịt lợn Mỹ ít hưởng lợi hơn các nước khác. Các nhà đóng gói thịt tại Mỹ như Smithfield Foods vẫn có thể đảm bảo một lượng cung cấp trực tiếp nhấ định. Tyson Foods kỳ vọng hưởng lợi từ dịch tả lợn khi tăng xuất khẩu sang Trung Quốc hoặc các nước chịu ảnh hưởng của dịch bệnh này. Giá cổ phiếu của Tyson Foods tăng khoảng 50% trong năm nay.
Trent Thiele, một nông dân chăn nuôi khoảng 60.000 con lợn tại Elma, Iowa cho biết cuộc chiến thương mại đang gây thiệt hại cho nông dân chăn nuôi lợn tại Mỹ. Ông Thiele cho hay ông muốn bán thịt lợn Mỹ cho khách hàng Trung Quốc hơn là các khách hàng khác trên thế giới bởi Trung Quốc là khách hàng chính của các phân khúc sản phẩm như chân giò và nội tạng mà ít nước nào ưa thích.
Những con số ấn tượng
Nhập khẩu sườn lợn hiện có giá khoảng 40.000 NDT/tấn, tương đương 5.680 USD/tấn, so với mức giá 17.600 NDT/tấn hồi mùa xuân năm 2019, theo các nhà giao dịch cho hay; trong khi giá các phần thịt hác như chân trước và thịt sườn tăng gần gấp đôi trong cùng giai đoạn. “Hiện giá thịt lợn tăng rất mạnh và rủi ro rất lớn”, theo một nhà nhập khẩu thịt bò tại Bắc Kinh cho hay – một người đang nỗ lực đo lường một cách đúng đắn lượng thịt cần thiết để đáp ứng nhu cầu và tránh tình trạng tích trữ quá lớn kéo theo chi phí tồn kho cao vào cuối kỳ nghỉ lễ năm nay.
Chỉ số giá thịt của FAO đã tăng 12,5% từ đầu năm đến nay và chạm mức cao nhất kể từ tháng 1/2015. Riêng giá thịt lợn tăng hơn 20%. Giá thịt lợn thế giới cao thậm chí còn châm ngòi cho mối quan tâm về chăn nuôi lợn tại đất nước Hồi giáo Kazahkstan. “Không tuần nào trôi qua mà không có người tới hỏi chúng tôi có muốn chăn nuôi lợn hay không”, theo chủ tịch Liên hiệp thịt Kazahkstan Maksut Baktibayev cho hay.
Theo Reuters
Bình luận