Ngày 19/2/2019, Hội đồng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCCPC) và Hội đồng Nhà nước đã công bố văn bản chính sách số 1 năm 2019. Văn bản này thường được gọi tắt là Văn bản số 1, thường tập trung vào các vấn đề nông nghiệp và nông thôn – được coi là một văn bản chính sách quan trọng, vạch ra các mục tiêu cho năm tới. Ngoài tiếp tục các mục tiêu như an ninh lương thực và phát triển nông thôn, văn bản năm 2019 nhấn mạnh thực trạng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại và “những thay đổi sâu sắc trong môi trường quốc tế”. Văn bản này cũng xác nhận động thái thúc đẩy mạnh của Trung Quốc nhằm tăng tiếp cận thị trường các nước tham gia vào Sáng kiến Vành Đai và Con đường trong những năm gần đây. Cuối cùng, văn bản nhấn mạnh một số sáng kiến phát triển mới, bao gồm các kế hoạch cho ngành đậu tương, ngành sữa và sữa công thức cho trẻ so sinh.

Tóm lược các nội dung chính

Các ưu tiên chính sách nổi bật trong văn bản chính sách này không đổi so với các văn bản số 1 trước đây, hàng loạt các sáng kiến mới được thông báo và các sáng kiến hiện nay đã mở rộng ra để bao trùm các thách thức nội địa và quốc tế mới. Không giống văn bản số 1 trước đây, vốn tập trung vào các chính sách nông nghiệp cho một năm cụ thể, văn bản năm 2019 đề ra kế hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn cho 2 năm tới (2019 và 2020).

An ninh lương thực. An ninh lương thực tiếp tục là ưu tiên hàng đầu trong văn bản số 1 năm 2019. Văn bản chính sách này khẳng định lại rằng diện tích đất nông nghiệp phải duy trì trên 1,8 tỷ mu, tương đương 120 triệu ha, với 1,65 tỷ mu (110 triệu ha) cố định dành cho sản xuất ngũ cốc. Ngoài ra, đến năm 2020, gần một nửa diện tích sản xuất ngũ cốc phải là đất nông nghiệp tiêu chuẩn cao. Văn bản số 1 năm 2019 tái khẳng định Trung Quốc phải tự cung tự cấp lúa gạo và lúa mỳ, và sản xuất ngô phải ổn định. Cuối cùng, văn bản cho biết một luật an toàn thực phẩm mới sắp sửa ban hành.

Văn bản cũng đặt ra các sáng kiến mới cho đậu tương (mở rộng diện tích đậu tương), hạt cải (đặc biệt là tại đồng bằng sông Dương Tử), sữa (nâng cấp và hồi sinh, cải tiến các nhà sản xuất quy mô nhỏ và vừa) và sữa công thức cho trẻ sơ sinh. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ nối lại hoạt động mở rộng diện tích sản xuất bông chấtlượng cao tại tỉnh Tân Cương. Cuối cùng, văn bản đặc biệt tập trung vào các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát các đại dịch chăn nuôi, bao gồm dịch tả lợn.

Trợ cấp nội địa. Hỗ trợ và trợ cấp nội địa sẽ tiếp tục tăng, nhưng sẽ mang tính chính thống để tuân thủ các quy định của WTO và thuận lợi hóa cho phát triển bền vững. Hệ thống giá sàn thu mua gạo và lúa mỳ sẽ tiếp tục được điều chỉnh và các chương trình trợ cấp sản xuất cho nông dân trồng ngô và đậu tương cũng sẽ được chính thống hóa. Chương trình bảo hiểm trồng trọt sẽ nhằm mục tiêu mở rộng diện tích được bảo hiểm và bao trùm thêm nhiều loại cây trồng hơn. Trung Quốc sẽ triển khai một chương trình bảo hiểm dựa trên chi phí sản xuất cho lúa mỳ, lúa gạo và ngô, đồng thời mở rộng các chương trình thử nghiệm hiện nay về bảo hiểm thảm họa tự nhiên đối với nông nghiệp và “bảo hiểm cộng giao dịch tương lai”.

Thương mại quốc tế. Trung Quốc sẽ xác định “một cách khoa học” mức độ nguồn cung nội địa các nông sản chính và tiép tục tận dụng thị trường quốc tế để đảm bảo đủ nguồn cung đáp ứng nhu cầu nội địa. Trung Quốc sẽ thúc đẩy hợp tác nông nghiệp với các nước nằm trong Sáng kiến Một vành đai – Một con đường, tích cực tăng nhập khẩu nông sản mà nguồn cung nội địa không đủ đáp ứng nhu cầu và đa dạng hóa các kênh nhập khẩu.

Đổi mới công nghệ nông nghiệp và tài chính nông thôn. Trung Quốc có kế hoạch tập trung vào các công nghệ cốt lõi trong nông nghiệp và khuyến khích đổi mới trong các lĩnh vực, bao gồm công nghệ sinh học, máy móc nông nghiệp nặng, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp bền vững. Các quy tắc chuyển giao đất nông thôn sẽ được tự do hóa hơn để khuyến khích nông nghiệp quy mô đủ lớn. Các nông dân hoặc những người làm nông được cấp các khoản vay thế chấp cho các khu vực đất nông nghiệp có hợp đồng. Ngoài ra, chính phủ khuyến khích các tổ chức tài chính thúc đẩy hỗ trợ tín dụng cho các dự án tập trung vào hồi sinh khu vực nông thôn và giảm nghèo.

Cụ thể hóa các nội dung trên như sau:

An ninh lương thực. An ninh lương thực tiếp tục là ưu tiên hàng đầu tại Trung Quốc. Giới lãnh đạo liên tục nhấn mạnh mục tiêu “an ninh tuyệt đối” đối với các loại ngũ cốc chính (gạo và lúa mỳ) và về cơ bản là tự cung tự cấp đủ các loại ngũ cốc. Trong các văn bản chính sách, mục tiêu này cụ thể là đáp ứng 95% nhu cầu tiêu dùng gạo và lúa mỳ, và 50% nhu cầu ngô. Trong khi không giải thích đầy đủ, văn bản số 1 năm 2019 hứa sẽ “xác định một cách khoa học” mức sản lượng ngũ cốc cần thiết. Động thái này có thể đề ra nhằm giúp Trung Quốc trở nên linh động hơn trong sản xuất thực tế, đồng thời vẫn duy trì được “an ninh tuyệt đối” về mặt chính trị.

Văn bản số 1 năm 2019 tái khẳng định diện tích trồng ngũ cốc sẽ duy trì ổn định ở mức 1,56 tỷ mu (110 triệu ha) và đất nông nghiệp phải duy trì trên 1,8 tỷ mu (120 triệu ha). Ngoài ra, văn bản này tái khẳng định mục tiêu 800 triệu mu (53 triệu ha) đất nông nghiệp tiêu chuẩn cao vào năm 2020. Mặc dù Trung Quốc không đưa ra định nghĩa chính xác thế nào là đất nông nghiệp tiêu chuẩn cao, đại diện USDA tại Bắc Kinh cho rằng đất nông nghiệp tiêu chuẩn cao nghĩa là được cơ giới hóa hiện đại, chống được lũ lụt và hạn hán, và có mức độ sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu hợp lý. Mục tiêu tối hậu là đảm bảo và duy trì năng lực sản xuất ngũ cốc của Trung Quốc.

Văn bản số 1 năm 2019 cũng cho biết chính phủ Trung Quốc sẽ sớm soạn thảo một luật an ninh lương thực quốc gia. Ngoài đảm bảo đủ nguồn cung ngũ cốc nội địa, Trung Quốc cũng đang khuyến khích nông dân cải thiện chất lượng sản phẩm hoặc để sản xuất các hàng hóa giá trị cao mà người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng có nhu cầu mạnh và nếu cần thì sẽ nhập khẩu.

Trung Quốc sẽ tiếp tục điều chỉnh cấu trúc thị trường ngũ cốc và TACN. Trong 3 năm vừa qua, Trung Quốc đã giảm hỗ trợ nông dân trồng ngô do kho dự trữ chính phủ quá lớn. Hệ quả là diệnt ích trồng ngô giảm hơn 3,3 triệu ha so với ước tính diện tích 45 triệu ha trong năm 2015, theo Bộ Nông nghiệp và các vấn đề nông thôn Trung Quốc cho hay. Tuy nhiên, sản xuát ngô – loại ngũ cốc làm TACN quan trọng nhất của Trung Quốc – sẽ sớm ổn định, theo văn bản số 1 năm 2019. Đồng thời, chính phủ khuyến khích nông dân mở rộng diện tích các cây trồng làm TACN không chứa protein khác như ngô ủ chua và cỏ linh lăng.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tìm cách thúc đẩy sản xuất các loại hạt có dầu. Các báo cáo ngành cho rằng Trung Quốc cần hơn 9 triệu tấn đậu tương hàng năm do nhu cầu tăng đối với dầu thực vật làm thực phẩm và TACN. Gần 85% đậu tương tiêu thụ tại Trung Quốc là nhập khẩu. Động lực đạt mục tiêu tự cung tự cấp lại càng mạnh khi căng thăng thương mại Mỹ - Trung ngày một căng thẳng. Các chính sách trả đũa thuế và các áp lực phi thuế khác dẫn tới nguồn cung đậu tương tại Trung Quốc suy giảm. Văn bản số 1 cho rằng Trung Quốc sẽ “triển khai một kế hoạch canh tân trong sản xuất đậu tương và tăng diện tích trồng đậu tương theo nhiều cách khác nhau. Các chi tiết về kế hoạch này vẫn chưa công bố nhưng các nhà lãnh đạo nông nghiệp cấp cao tại Trung Quốc và các chuyên gia đang kêu gọi sử dụng trợ cấp để khuyến khích nông dân luân canh đậu tương với ngô tại đông bắc Trung Quốc và tăng tỷ trọng sản xuất đậu tương với lúa mỳ vụ đông ở khu vực sông Hoàng Hà và Hoài Hà – nơi canh tác kép là khả thi. Điều cần chú ý là khả năng sinh lời của trồng đậu tương thường thấp hơn trồng lúa gạo hoặc ngô.

Trung Quốc cũng điều chỉnh chính sách sản xuất sữa. Chương trình hỗ trợ ngành sữa liên tục triển khai sẽ tập trung mạnh hơn các nỗ lực đối với “nâng cấp và đổi mới các trang trại nuôi bò sữa quy mô nhỏ và trung bình”, văn bản số 1 năm 2019 cho biết nhưng không cung cấp thêm chi tiết. Do chi phí sản xuất cao và những lo ngại về an toàn thực phẩm, ngành sữa Trung Quốc đối diện với cạnh tranh mạnh từ các nhà sản xuất nước ngoài. Mức độ tự cung tự cấp sữa của Trung Quốc đã giảm từ 94% năm 2008 xuống còn 75% năm 2016, theo các báo cáo ngành. Mặc dù các trang trại chăn nuôi lớn đã xoay xở tốt để giảm mạnh chi phí sản xuất nhưng họ đối diện với những thách thức ngày càng lớn về ngưỡng môi trường, đặc biệt là giảm thiểu ô nhiễm từ chất thải vật nuôi. Chính phủ Trung Quốc có xu hướng coi các trang trại nuôi quy mô hộ gia đình và các hợp tác xã là mô hình phù hợp hơn cho phát triển ngành sữa tại Trung Quốc. Văn bản số 1 cũng cho rằng Trung Quốc “sẽ triển khai một công thức sữa bột cho trẻ nhỏ được nâng cấp”. Chi tiết về kế hoạch này vẫn chưa công bố nhưng chi nhánh USDA tại Bắc Kinh cho rằng kế hoạch này nhằm mục tiêu mài giũa khả năng cạnh tranh của ngành sữa nội địa bằng cách cải thiện chất lượng sản phẩm và mức an toàn. Hiện sữa bột công thức cho trẻ nhỏ nguồn gốc nhập khẩu chiếm gần một nửa thị phần thị trường sữa bột công thức cho trẻ sơ sinh tại Trung Quốc.

Hỗ trợ nội địa. Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh cải cách cơ chế chính sách liên quan đên trợ cấp nông nghiệp. Trong khi mức độ hỗ trợ nội địa nhìn chung vẫn sẽ tăng lên, nước này sẽ chính thống hóa các hoạt động này để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển bền vững cũng như tuân thủ các nguyên tắc của WTO. Cơ chế giá sàn thu mua lúa gạo và lúa mỳ cũng như các chương trình trợ cấp cho người sản xuất sẽ tiếp tục diễn ra nhưng sẽ được xác định theo các nguyên tắc thị trường. Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia vừa thông báo giá sàn thu mua gạo thu hoạch năm 2019 khong đổi so với giá sàn năm 2018.

Chính phủ Trung Quốc đang khám phá thêm nhiều biện pháp để bảo vệ và hỗ trợ sinh kế cho nông dân. Ví dụ, ngoài duy trì các chương trình bảo hiểm cây trồng hiện nay, nhiều chương trình sẽ được mở rộng để bao trùm thêm nhiều khu vực, cây trồng và vật nuôi. Ngoài ra, Trung Quốc đang tiến hành các chương trình thử nghiệm đối với bảo hiểm thu nhập và bảo hiểm chi phí sản xuất đối với ngô, lúa mỳ và lúa gạo. Cuối cùng, cơ chế bảo hiểm thiên tai và các chương trình thử nghiệm “bảo hiểm+giao dịch tương lai” sẽ được triển khai thêm nhiều vùng khác. Giá trị bảo hiểm nông nghiệp năm 2018 của Trung Quốc đạt 3.500 tỷ NDT, tăng 24% so với năm 2017, theo Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc. Để tránh tình trạng biến động mạnh giá nông sản, chính phủ đã hỗ trợ bổ sung các nông sản khác vào danh sách được phép giao dịch trên các thị trường tương lai. Ví dụ, hợp đồng tương lai đầu tiên đối với táo đã bắt đầu giao dịch tại Sàn giao dịch hàng hóa Trịnh Châu vào tháng 12/2017.

Thương mại quốc tế. Trung Quốc sẽ “xác định một cách khoa học mức nguồn cung an toàn cho nông sản chính nội địa” và sử dụng thị trường quốc tế để bù đắp thâm hụt cung – cầu nội địa Như thảo luận phía trên, Trung Quốc đặt ra các mục tiêu cao về an ninh lương thực mà có thể không khả thi. Bằng cách nói ra việc xác định một cách khoa học về nguồn cung cần thiết, Trung Quốc đang thừa nhận rằng một sự thỏa hiệp giữa các mục tiêu chính trị và thực tế kinh tế. Nước này sẽ “chủ động tăng nhập khẩu nông sản mà thị trường nội địa thiếu hụt”, cho thấy chính phủ sẽ khuyến khích nhập khẩu các hàng hóa nông sản như đậu tương và các loạt hạt. Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào một nhà cung cấp và chủ động tìm kiếm để tăng số lượng nhà cung cấp các loại nông sản chính. Như đề ra trong văn bản số 1, Trung Quốc sẽ cụ thể hóa nhằm vào các nước nằm trong Sáng kiến Một vành đai – Một con đường của nước này để đa dạng hóa các nhà cung cấp. Cuối cùng, Trung Quốc sẽ tăng hỗ trợ các “nhà vô địch quốc gia” trong ngành nông nghiệp và thực phẩm, cung cấp đa dạng các hình thức hỗ trợ cho các công ty nông sản và thực phẩm Trung Quốc nhằm đầu tư vào hoạt động sản xuất bên ngoài biên giới Trung Quốc.

Cải cách đất đai và tài chính nông thôn. Cải cách đất đai nông thôn là trọng tâm của chính phủ Trung Quốc nhiều thập kỷ qua. Do tính phức tạp của quá trình này tại Trung Quốc, các luật hiện này sẽ cần phải sửa đổi, theo văn bản số 1 nhấn mạnh. Trong khi bảo vệ các quyền hợp đồng của nông dân trong dài hạn, chính phủ đang chủ động thúc đẩy tập trung các nguồn lực nông thôn để đạt quy mô nông nghiệp đủ lớn đối với các hộ nông nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp. “Các quyền khai thác đối với đất nông nghiệp theo hợp đồng sẽ được tiếp cận các nguồn tài chính tín dụng”, theo văn bản cho hay. Các cải cách đối với đất thổ cư nông thôn, dự kiến hoàn thiện vào cuối năm 2020, sẽ được cấp quyền sinh sống cho người dân nông thôn để vận hành các hoạt động kinh doanh trên các động sản gắn với bất động sản hoặc tiếp cận với các nguồn tài chính.

Công nghệ và đổi mới nông nghiệp

Trung Quốc thừa nhận rằng khoa học và công nghệ sẽ đóng vai trò lớn để đạt các mục tiêu tuyên bố trong văn bản số 1, đặc biệt về mặt cải thiện chất lượng sản phẩm và nâng cao năng suất. Văn bản số 1 xác định công nghệ sinh học, máy móc nông nghiệp hạng nặng, nông nghiệp thông minh và đầu vào nông nghiệp bền vững là các lĩnh vực trọngt âm. Cụ thể, chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn dẫn đầu trong việc triển khai các dự án đổi mới công nghệ và góp sức vào nghiên cứu và phát triển các giống gạo, lúa mỳ, ngô, đậu tương và các giống vật nuôi mới.

Theo USDA
Admin

Bayer ra mắt ForwardFarm đầu tiên ở Đông Nam Á tại Việt Nam

Bài trước

Luật đóng gói sửa đổi của EU sẽ ảnh hưởng như thế nào đến ngành thực phẩm tươi sống?

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc

Xem thêm Chính sách