Một chiếc máy gặt đập liên hợp mới đang liên tục hoạt động trên cánh đồng miền đông Trung Quốc mà không cần người điều khiển tại chỗ, cắt những cọng sơm vàng óng và biểu diễn thứ mà các nhà chức trách Trung Quốc cho là tương lai tự động hóa của ngành nông nghiệp nước này.
Mẫu máy gặt liên hợp này bắt đầu vận hành thử từ mùa thu năm ngoái, trong một chương trình thử nghiệm máy móc nông nghiệp không người lái mà chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển trong 7 năm qua, nhằm đưa ra các máy móc hoàn toàn tự động hóa, có khả năng gặt, bón phân và thu hoạch cho mỗi loại nông sản thiết yếu của Trung Quốc là lúa gạo, lúa mỳ và ngô.
Sự chuyển dịch theo hướng tự động hóa này là chìa khóa cho ngành nông nghiệp của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khi lực lượng lao động nông nghiệp đang ngày một già hóa và thế hệ trẻ không sẵn sàng chấp nhật lao động cực nhọc trên cánh đồng.
Các nước khác như Úc và Mỹ đang triển khai những hoạt động tương tự khi đối mặt với các áp lực nhân khẩu học, nhưng quy mô cực lớn của ngành nông nghiệp Trung Quốc cho thấy tầm quan trọng rất cao của việc chuyển dịch sang nền nông nghiệp tự động hóa.
Tuy nhiên, con đường tiến tới tự động hóa còn dài và đối mặt với các trở ngại như chi phí cao, địa hình canh tác đa dạng của nước này và quy mô sản xuất nhỏ. “Tôi có nghe nói về máy cày không người lái. Nhưng tôi không nghĩ chúng hữu dụng, đặc biệt là những chiếc máy lớn”, theo Li Guoyong, một nông dân trồng lúa mỳ tại tỉnh Hồ Bắc, phía bắc Trung Quốc nhận định. Phần lớn các cánh đồng tại khu vực ông Li ở đều chỉ có quy mô vài ha.
Địa phương hóa
Để đạt mục tiêu đầy tham vọng tự động hóa ngành nông nghiệp trong 7 năm, Bắc Kinh đang hỗ trợ mạnh các thử nghiệm công nghiệp nội địa trên khắp cả nước, được tổ chức bởi Liên đoàn Ứng dụng các ngành viễn thông (TIAA). Các thành viên bao gồm nhà sản xuất máy cày thuộc sở hữu nhà nước YTO Group, nhà sản xuất các hệ thống định vị Hwa Create và Zoomlion Heavy Industry Science & Technology Co Ltd, giúp phát triển các máy gặt đập liên hợp để thử nghiệm.
Các đợt thử nghiệm tiếp theo dự kiến diễn ra tại tỉnh đông bắc Hắc Long Giang và trên các vùng đồi dọc thành phố tây nam Trùng Khánh trong nửa đầu năm 2019. Những thử nghiệm này diễn ra sau hàng loạt phát triển tự động hóa trong ngành nông nghiệp.
YTO đã phát triển máy cày không người lái đầu tiên vào năm 2017 và đang đặt mục tiêu sớm sản xuất hàng loạt, phụ thuộc vào nhu cầu thị trường, theo Lei Jun, giám đốc trung tâm công nghệ của công ty này cho hay nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Lovol Heavy Industry Co Ltd đã ký một thỏa thuận với Baidu vào tháng 4 để áp dụng hệ thống lái tự động Apollo của công ty công nghệ lớn này vào máy móc nông nghiệp của hãng. “Trung Quốc kỳ vọng sẽ leo nhanh trên nấc thang tự động hóa, chủ yếu nhờ các công ty Trung Quốc có thể tiếp cận hệ thống định vị vệ tinh địa phương, mang lại cho họ lợi thế lớn so với các đối thủ quốc tế”, theo Alexious Lee, lãnh đạo bộ phận nghiên cứu công nghiệp Trung Quốc tại hãng môi giới Hong Kong CLSA. Ông ám chỉ đến hệ thống định vị vệ tinh “Beidou” do Trung Quốc phát triển, một đối thủ của Hệ thống Định vị Toàn cầu của Mỹ (GPS).
Bắc Kinh cũng đưa máy móc nông nghiệp vào chiến dịch 'Made in China 2025' của nước này, nghĩa là phần lớn máy móc nông nghiệp sẽ được sản xuất nội địa đến mốc thời gian trên. Công nghệ bán tự động đã khá phổ biến đối với các nước như Mỹ nhưng các máy gặt đập liên hợp vẫn chưa được sản xuất hàng loạt ở bất cứ nước nào.
Quy mô quá nhỏ
Nhưng với nhiều trang trại sản xuất nông nghiệp tại Trung Quốc vẫn quá nhỏ ngay cả đối với máy cày thông thường, trong khi máy cày không người lái có thể có giá cao gấp 4 lần, vào khoảng 90.000 USD, vượt quá khả năng chi trả của phần lớn nông dân trong ngắn hạn. Hơn 90% trang trại tại Trung Quốc có quy mô dưới 1h, trong khi tại Mỹ gần 90% có quy mô lớn hơn 5ha. “Đây không phải là vấn đề liệu các máy móc tự động hóa có tồn tại hay không. Đó là vấn đề toàn hệ thống và về thương mại hóa nông nghiệp”.
Mặc dù các nhà phân tích và các nhà chức trách ngành cho rằng xu hướng các trang trại nông nghiệp đang ngày càng lớn cùng với các cải cách liên tục đối với quyền đất đai, sẽ cho phép nông dân canh tác trên diện tích ngày càng lớn.
Các thiết bị cảm biến trên máy móc giúp giám sát diễn biến mùa màng, cũng cần được cải thiện để máy móc có thể điều chỉnh nhanh hơn với các điều kiện khác nhau, theo Wei Xinhua, phó giám đốc trường kỹ thuật máy móc nông nghiệp tại đại học Giang Tô cho hay.
Ngành máy móc nông nghiệp trị giá 60 tỷ USD của Trung Quốc đang chịu gánh nặng dư thừa công suất và biên lợi nhuận thấp do cơ chế trợ cấp kéo dài nhiều năm để thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp, dẫn đến sản xuất hàng loạt các máy cày chất lượng thấp.
Máy móc nông nghiệp tự động hóa cũng hữu dụng trong thu thập dữ liệu chi tiết như lượng phân bón hoặc các vật tư nông nghiệp khác sử dụng trong sản xuất, có khả năng giúp nông dân hướng đến bộ phận người tiêu dùng yêu cầu sản xuất nông nghiệp chất lượng cao hơn khi một số thông tin chi tiết có thể cung cấp trong bao bì thực phẩm.
“Nâng chén cơm lên, tôi muốn biết chính xác cách lúa được trồng, bao nhiêu phân bón hay thuốc BVTV được sử dụng”, một người tiêu dùng cho biết.
Theo Reuters
Bình luận