Chất lượng không đồng đều và ổn định của các sản phẩm cao su từ các nhà máy Việt Nam là lý do vì sao các sản phẩm cao su Việt Nam có giá xuất khẩu thấp hơn các nước khác, theo các chuyên gia ngành cao su nhận định.
Ông Trần Minh, lãnh đạo phòng công nghiệp của Tập đoàn Cao su Việt Nam, cho biết khi sử dụng các sản phẩm cao su nội địa, các nhà sản xuất nước ngoài phải sử dụng thêm nhiều công nghệ và phụ gia để ổn định chất lượng. “Chúng ta cần xây dựng một quy trình chế biến mủ cao su cấp quốc gia để ổn định chất lượng cao su. Việc thành lập một tổ chức quản lý ngành hàng để giám sát chất lượng mủ trước khi xuất khẩu cũng rất cần thiết. Đây là thể chế được thành lập ở rất nhiều nước”, ông Minh phát biểu ở một hội thảo tổ chức ở Hà Nội.
Ông Tô Xuân Phúc, một chuyên gia đến từ Forest Trends cho biết mủ khai thác tiểu điền thường chứa nhiều tạp chất. Do đó, mặc dù Việt Nam đã đặt ra nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm, chỉ các công ty lớn mới đáp ứng các yêu cầu của nhà nhập khẩu. Theo Forest Trends, một tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy bảo tồn và quản lý rừng bền vững, các doanh ngihệp nhà nước và tư nhân sở hữu các vườn cao su đại điền chiếm 38% tổng sản lượng mủ cao su thô của Việt Nam hàng năm. Trong khi đó, sản xuất cao su tiểu điền, phần lớn thuộc sở hữu của hộ gia đình, chiếm tỷ trọng sản lượng còn lại.
Mặc dù phân bổ diện tích cao su tiểu điều và cao su đại điền gần như là 50:50, nhiều vườn cao su đại điền tại Việt Nam đang dần tiến tới giai đoạn khai thác cuối (20 – 25 năm), trong khi sản xuất cao su tiểu điền đang trong giai đoạn cho thu hoạch tốt nhất.
Ngành cao su không chỉ giúp Việt Nam thu về hàng tỉ USD từ xuất khẩu mà còn tạo ra hơn 500.000 việc làm. Ngành cao su đóng vai trò quan trọng cho cung ứng nguyên liệu cho các ngành sản xuất nội địa, đặc biệt là chế biến gỗ.
Về chế biến mủ cao su, các doanh nghiệp không thuộc thành phần nhà nước sử dụng gần 60% tổng sản lượng mủ cao su hàng năm, sản xuất các sản phẩm công nghiệp như lốp xe, găng tay và các nguyên liệu cho ngành giày dép. Các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có lợi thế công nghệ hiện đại và vốn đầu tư lớn vào các nhà máy. Do đó, họ thu hút hơn 60% lao động, trong khi các doanh nghiệp tư nhân chỉ thu hút 23% lực lượng lao động chế biến cao su và phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp nhà nước.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng thảo luận về những thách thức mới của ngành cao su Việt Nam, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Mỹ sẽ áp thuế lên tới 25% đối với hàng loạt hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, như đồ nội thất và các bộ phận xe hơi từ đầu năm 2019. Mức thuế này có thể tăng lên 44% nếu căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang. Ngành cao su Việt Nam có thể chịu thiệt hại do Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cao su tự nhiên lớn nhất của Việt Nam, chiếm 65,3% thị phần. trung Quốc là nước nhập khẩu các nguyên liệu cao su chính từ Việt Nam và khoảng 70% lượng cao su nguyên liệu nhập khẩu mà nước này sử dụng là dành cho sản xuất lốp xe.
Theo các nhà phân tích, trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, các ngành xuất khẩu chịu ảnh hưởng mạnh nhất của Việt Nam là máy tính, đồ nội thất, các sản phẩm liên quan đến xe hơi và lốp xe ô tô. Các sản phẩm Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ và liên quan đến ngành cao su Việt Nam cũng có thể chịu tác động. Để tối thiểu hóa rủi ro từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc lên các ngành gỗ và cao su, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông tôn (MARD) gần đây đã đặt hàng Forest Trends đánh giá tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đối với ngành gỗ Việt Nam.
Theo VNS
Bình luận