Thực phẩm và Đồ uống

Liệu GMOs có đặt dấu chấm hết cho nạn đói? Hãy đi hỏi người bị đói

Khi nhắc đến thực phẩm, ít có chủ đề nào gây tranh cãi và chia rẽ như các vật chất hữu cơ biến đổi gene, hay GMOs. Lối nói ngoa dụ tràn lan trong cuộc tranh luận này. GMOs là tất cả những gì chúng ta thích hoặc ghét, cần hoặc sợ. GMOs sẽ đảm bảo cơm ăn thức uống cho thế giới – hoặc sẽ giết chúng ta. GMOs tuyệt đối an toàn – hoặc không an toàn chút nào. GMOs gắn với hàng trăm ngàn nông dân Ấn Độ đang tự giết chính mình – hoặc không. “Những con quái vật trên đồng ruộng” (Frankencrops) này đang châm ngòi cho “cuộc chiến hủy diệt thế giới” (Farmageddon). Nếu chúng ta muốn sự thật về GMOs, khoa học sẽ cung cấp. (Nhưng sự thật là, theo khoa học, rất nhiều người không tin vào khoa học).

Cuộc chiến hùng biện về thực phẩm cho thế hệ ngày nay và tương lai chất đầy châm chọc và oán giận khi cả hai bên đều đặt ra vấn đề sống chết. Tính đến nay, 800 triệu người không đủ ăn. Dân số thế giới, hiện ở mức 7,3 tỷ người, dự kiến sẽ đạt 9,6 tỷ người đến năm 2050. Thế giới cần tăng sản xuất thực phẩm thêm 60% để đảm bảo an ninh lương thực cho những miệng ăn tương lai, theo FAO. Các nhà khoa học đồng thuận rộng rãi rằng: GMOs an toàn và đó là con đường giúp giảm nhẹ nạn đói toàn cầu.

Nhưng trong tất cả các tranh luận – được chủ trì bởi các nhà khoa học, các nhà hoạt động và các học giả - một số điểm cực kỳ quan trọng lại mất hút: văn hóa, bối cảnh và những tiếng nói từ đồng ruộng.

Những nông dân, người mua sắm, người nội trợ và những người tiêu dùng thực phẩm ở trung tâm của cuộc tranh luận huyên náo này? Nạn đói ở đâu? Các câu hỏi này thường xuất hiện như thể chỉ là giai thoại, những nông dân da sạm nắng gió vô danh, những đứa trẻ trần truồng khóc lóc, hay những phụ nữ đứng trước những cửa hàng bán thực phẩm biến đổi gene. Họ là những người nghèo vô hình, cầm những củ khoai tây nhà trồng trong tay hay tưởng tượng những quả chuối trong đầu. Người đọc không biết người đói nghĩ gì; người đọc chỉ biết những gì chuyên gia và các nhà phân tích nghĩ người đói cần. Chính những người đói – đối tượng của cuộc tranh luận – nắm giữ câu trả lời cho một số câu hỏi rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của GMOs và thực phẩm nói chung.

Liệu những hạt giống biến đổi gene (GM) có giúp những nông dân nghèo nhất – và đói nhất tại những nước quản trị yếu kém nhất và tham nhũng nhất?

Tôi nghĩ về một nông dân Myanmar tôi phỏng vấn năm 2014. “Chúng tôi chỉ có vừa đủ thực phẩm”, Ko Kyaw Soe nói với tôi, nhưng “chúng tôi rất vất vả… Cuộc sống của chúng tôi chỉ giật gấu vá vai”. Năm 1989, chính phủ quân sự tịch thu đất nông nghiệp ở làng của ông và cho một công ty thuê, sau đó lai được một quản lý Trung Quốc thuê lại và thuê nhân công địa phương làm việc trên chính đất này (Cướp đất là vấn đề rất lớn trên toàn thế giới: ước tính hơn 200 triệu ha đất nông nghiệp đã được mua lại, tước mất hoặc cho thuế trên khắp các nước đang phát triển trong những năm gần đây – phần lớn là đất của những nông dân ở ngưỡng nghèo).

Những nông dân làm việc trên đất của ông Soe trồng dưa hấu để xuất khẩu sang Trung Quốc. Không một quả dưa nào đến được làng của ông Soe. “Chúng tôi chẳng có gì”, ông nói. Ông và nhiều nông dân khác làm thợ mộc và không có nhiều việc để mọi người làm – cho đến khi Myanmar trải qua cuộc cách mạng dân chủ. Năm 2014, những người dân làng trở lại đồng ruộng, biểu tình và đòi lại quyền đối với đất đai. Khi Soe và tôi nói chuyện với nhau, vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Nhưng viễn cảnh dân chủ mới mang lại cho Soe và hàng xóm láng giềng của ông hy vọng. Ông nói tôi hay ông sẽ bỏ công sức làm nông với một cái máy cày và ông không ngại thử những giống cây trồng mới, để đạt năng suất cao hơn. Nhưng đấy vẫn chỉ là một giấc mơ xa xôi. “Chúng tôi sẽ có cơ hội làm nông trở lại chỉ khi nào chúng tôi giành lại được đất”. Tham nhũng ngăn trở mọi loại hạt giống đến với những nông dân như ông Soe.

Liệu hạt giống GM có phát triển ở môi trường vi sinh, thổ nhưỡng, khí hậu địa phương – nơi những người nghèo nhất, đói nhất thế giới sinh sống, ăn uống và làm nông?

Đó là thắc mắc lớn trong nghiên cứu nhân chủng học công bố gần đây về “gạo vàng” – một loại gạo biến đổi gene có tiềm năng cực lớn trong giải quyết vấn đề thiếu vitamin A, vốn là nguyên nhân chung dẫn đến mù lòa ại các nước đang phát triển. Để tạo ra loại gạo này, các nhà nghiên cứu đã bổ sung các gene vào các giống lúa hiện tại, thúc đẩy chúng sản sinh ra beta carotene, là chất chính mang lại màu vàng cho loại gạo này.

Nhưng gạo vàng tốn tới 24 năm tạo ra – đang được thử nghiệm và trồng tại Philippines, và sẽ còn trải qua nhiều năm ròng nữa trước khi được phê duyệt. Các nhà hoạt động chống GMO thường bị đổ lỗi cho sự chậm trễ này. Nhưng lý do thực sự, theo các tác giả nghiên cứu, nhà nhân loại học Glenn Stone từ đại học Washington tại St. Louis, là các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể tạo ra giống lúa gạo vàng có thể sinh trưởng tốt trên cánh đồng, với những điều kiện tại địa phương. Tron gkhi đó, Philippines đang giải quyết vấn đề thiếu vitamin A qua các giải pháp khác. Tình trạng mù lòa đã giảm từ 40% xuống còn 15% trong số trẻ em chưa đến tuổi đi học trong những năm gần đây, theo FAO cho hay, phần lớn là nhờ các chiến dịch y tế cộng đồng, tăng cường thực phẩm và các chất bổ sung.

Có những rào cản văn hóa và kinh tế nào đứng giữa GMOs và công chúng?

“Tầm quan trọng của bối cảnh văn hóa là điểm cốt lõi”, ông Stone cho hay và dẫn chứng một cây trồng biến đổi gene khác đã không thể đi vào thực tế: Bt brinjal, cây biến đổi gene từ brinjal, hay cà tím) tại Ấn Độ, chưa từng được phê duyệt. Theo ông Stone, nguyên nhân một phần là do khả năng lan rộng các gene biến đổi sang các cây cà tím tự nhiên, vốn cực kỳ quan trọng về mặt xã hội và kinh tế trên khắp Ấn Độ - đặc biệt là trong thương mại loại dược phẩm ayurvedic trị giá 2 tỷ USD. Những liều thuốc cổ xưa phụ thuộc lớn vào chế độ ăn uống và sử dụng các loại cây dại, bao gồm brinjal. Trong trường hợp này, văn hóa truyền thống và kinh tế đánh bật những loại giống mới.

Nếu giốn cây trồng mang lại năng suất cao hơn, chúng có tốt hơn hay không?

Một thách thức khác mà nghiên cứu gạo vàng của ông Stone liên quan đến khái niệm chủ nghĩa năng suất, hay quan niệm rằng sản lượng đáng giá hơn bất cứ điều gì khác. Nhưng các nhà nghiên cứu ở nhiều khía cạnh khác nhau, đều cho rằng đây không phải là quan niệm đúng. Là con người, chúng ta thường tôn vinh những giá trị khác nữa (hạnh phúc, sức khỏe hay thời gian) hơn là tổng sản lượng ngô, lúa hay số cải bắp chúng ta thu hoạch.

Vào đúng khoảng thời gian tôi phỏng vấn Soe, tôi đã gặp một thương nhân gạo tên là Ko Mike. Ông là một người đàn ông giàu có và chủ sở hữu một công ty gạo lớn tại Mandalay, Myanmar. Ông cho tôi xem một ít gạo: những hạt gạo béo mẫm, sáng bóng và tròn. “Đây là gạo Miến, có mùi rất thơm”. Loại lúa gạo này sinh trưởng chậm, có sản lượng thấp. Đó là loại gạo đắt nhất và mọi người đều thích nó. Ngay cả những nông dân nghèo nhất cũng trồng và ăn loại gạo này – loại gạo ngon nhất. Và họ trồng để ăn, không để bán.

Sau đó, ông cho tôi xem một ít gạo khác, hạt nhỏ, màu nhợt. “Loại này không dùng để ăn, là loại gạo rẻ, trồng đại trà và để xuất khẩu sang Trung Quốc”, Mike nói. Một số giống lúa năng suất cao nhất không phải là thực phẩm phổ thông thì để cho người nghèo. Họ thường không muốn ăn loại gạo này và loại gạo này cũng quá tầm thường với những người có thu nhập tốt.

Vậy hạt giống GM có cần thiết để cung cấp thực phẩm cho người bị đói?

Mùa thu năm ngoái, tôi viết từ Đông Timor, nơi tôi thấy nhiều nông dân nghèo nhất nước này đang sử dụng những hạt giống ngô mới, không biến đổi gene sau nhiều thập kỷ trồng một giống ngô truyền thống. Sử dụng những hạt giống mới, phát triển thông qua thụ phấn mở, cùng với chính sách của chính phủ thay thế giống truyền thống bằng những giống mới, không biến đổi gene. Các hạt giống mới mang lại sản lượng cao hơn các giống truyền thống và phù hợp với vi khí hậu địa phương. Loại ngô mới cũng có vị ngon hơn các giống cũ, và không mất nhiều thời gian để nấu. Đó là những lý do chính khiến người dân sẵn sàng chuyển đổi. “Là một nông dân, tôi phải làm rất nhiều thứ trên đồng ruộng”, một phụ nữ Timorese tên là Santina Simenel nói với tôi. “Thế nên thời gian rảnh rỗi không phải làm đồng, tôi có thể sửa hàng rào và chuẩn bị đất để trồng cấy”. Bà là một nông dân nghèo, đang sản xuất nhiều hơn và cũng ăn uống tốt hơn, mà không cần đến GMOs.

Kém phát triển và thiếu cơ sở hạ tầng có cản trở sử dụng các hạt giống GM mới?

Trong vài trường hợp, đúng. Campuchia là một ví dụ, khi chỉ khoảng 8% đất nông nghiệp được thủy lợi hóa. Điều này nghĩa là phần lớn nông dân phụ thuộc vào nguồn nước, và rất nhiều chỉ có thể trồng 1 vụ/năm. “Chính phủ chưa bao giờ xây dựng một hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh trên khắp cả nước”, Lim Tith, một thành viên của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Phnom Penhm. “Chính phủ nên có một kế hoạch toàn diện về thủy lợi”. Hệ thống thủy lợi sẽ giúp nông dân trồng nhiều vụ mỗi năm, “giải quyết rất nhiều cuộc khủng hoảng lương thực tại nước này”, ông nói. GMOs cũng sẽ là một yếu tố tích cực, nhưng thủy lợi sẽ góp phần hơn rất nhiều để tăng năng suất hiện nay.

Liệu những niềm tin tôn giáo hay tâm linh có cản trở sự chấp nhận GMOs?

Tại Belize, tôi gặp một nông dân Maya tên là Eladio Pop, hiện đang vận hành một trang trại nông lâm nghiệp kết hợp, trồng từ cacao đến dừa và ngô. Pop nói ông yêu sự thành bình trên những cánh đồng rợp bóng cây của ông. Ông không sản xuất nhiều như các trang trại thơng mại nhưng cây cối của ông khiến ông cảm thấy mình thật gần gũi với Chúa. Làm nông là “một món quà rất đặc biệt mà Chúa ban cho chúng ta”, Pop nói. Ông muốn trồng cấy bằng chính hạt giống của mình, không muốn sử dụng phân bón hay thuốc BVTV không đến từ môi trường xunh quanh ông. “Điểm cốt yếu của loài người là: học cách tự sản xuất thực phẩm và biết thực phẩm đến từ đâu”. Thật dễ để xếp Pop vào nhóm chống khoa học, phản đối GMOs. Nhưng việc ông ghét bỏ GMOs không mang màu sắc khoa học. Việc lo ngại về khoa học ít ỏi hơn nhiều so với những gắn bó tâm linh mà ông có với những vùng đồi Trung Mỹ này, nơi hàng thế kỷ, những người Maya trước ông vẫn canh tác như ông làm ngày nay. “Không có những cánh rừng và cây cối này, chúng tôi chẳng là gì”. Nếu tâm linh có thể định hình chính sách tại Mỹ, chúng ta có thể dự báo rằng nó có tính ảnh hưởng như bất cứ nơi đâu khác.

Cuối cùng, vấn đề không phải là vì sao Pop phản đối GMOs mà vấn đề là ông phản đối nó. Những nguyên nhân của ông xuất phát sâu xa từ văn hóa. Đó là lựa chọn của ông. Những người khác có lựa chọn khác. Đây là nơi trung lập trong cuộc tranh luận hai chiều quá nóng bỏng này: những người đưa ra tranh luận rằng không phải vấn đề lợi và hại của GMOs mà là quyền lựa chọn của nhân loại.

Nếu GMOs trở nên phổ biến – thậm chí tự do - ở khắ nơi, liệu (hay sẽ) người đó vẫn có lựa chọn?

Năm ngoái, tôi phỏng vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và chăn nuôi Rwanda, Gerardine Mukeshimana, bà cho rằng lựa chọn là một quyền rất quan trọng. GMOs vẫn chưa thâm nhập vào Rwanda nhưng điều này có thể xảy ra. Nước này nên chuẩn bị cho ngày đó, với các quy định an toàn sẵn sàng, và công chúng phải được thông báo đầy đủ. Mọi người phải có quyền lựa chọn. “Theo quan điểm của tôi, điều quan trọng là người tiêu dùng biết họ đang mua gì bởi đó là tiền của anh ta”.

Vẫn còn rất nhiều trở ngại giữa tạo ra giống mới và đưa đến cho nông dân sử dụng các giống này. Quá nhiều trở ngại giữa ý tưởng làm ra cơm ăn nước uống cho cả thế giới và thực tế thực hiện ý tưởng này. Nếu các nhà nghiên cứu không thể cung cấp hạt giống cho nông dân, nếu nông dân quyết định không sử dụng hạt giống mới, nếu người tiêu dùng không mua thực phẩm sản xuất từ những hạt giống mới, hoặc nếu họ quyết định rằng họ không thích hương vị của nó – những hạt giống mới sẽ chẳng có cơ hội làm thực phẩm cho những người bị đói. Và chúng cũng chẳng tạo ra nổi thực phẩm cho thế giới.

Theo Saspiens
Admin

Cách tiếp cận mới của Trung Quốc “Greater Food Approach” và ngành khai thác – nuôi trồng thủy sản

Bài trước

Hộ gia đình Trung Quốc tăng chi tiêu vào trái cây, sữa và thủy sản nhanh hơn vào thịt và gia cầm

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc