Ngày 4/7, Ấn Độ thông báo giá thu mua tối thiểu đối với nông sản vụ hè như gạo và bông, với mức tăng mạnh nhát kể từ khi thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền vào năm 2014, khi ông Modi tìm cách lấy lòng hàng triệu nông dân nghèo trước kỳ bầu cử phổ thông năm 2019. Hàng năm, chính phủ Ấn Độ sẽ thông báo về giá thu mua tối thiểu cho hàng loạt nông sản để đặt ra mức giá tham chiếu. Nhưng các nhà phân tích cho rằng mức tăng trung vị năm 2018 ở mức 25%, so với mức tăng 3 – 4% trong 3 năm qua, sẽ tác động mạnh lên tài khóa của chính phủ và châm ngòi cho lạm phát.
“Chính phủ Ấn Độ cam kết đạt mục tiêu tăng gấp đối thu nhập cho nông dân từ nay đến năm 2022 với một chiến lược toàn diện”, theo phát biểu của ông Radha Mohan Singh, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phúc lợi Nông dân. Khu vực nông thôn Ấn Độ ủng hộ mạnh mẽ đảng Bharatiya Janata của ông Modi trong 4 năm qua nhưng giá hàng hóa giảm mạnh trong những tháng gần đây đã dẫn đến quyết định của chính phủ tăng mạnh giá hỗ trợ tối thiểu (MSPs) để hỗ trợ nông dân tăng thu nhập và thúc đẩy nền kinh tế.
Tổng chi phí mà chính phủ Ấn Độ phải chi ra cho chính sách này sẽ lên đến 2,18 tỷ USD. Mặc dù chính phủ thông báo giá MSPs cho phần lớn nông sản nhưng các cơ quan nhà nước sẽ chỉ mua lúa gạo và lúa mỳ ở các mức giá MSPs này do thiếu nguồn tài chính, giới hạn phạm vi nông dân được hưởng lợi chính sách chỉ ở mức 7% tổng số nông dân trên toàn Ấn Độ.
Theo thông báo của chính phủ Ấn Độ, giá MSP đối với lúa gạo sẽ tăng thêm 13% so với năm 2017, lên 1.750 Rupees/100kg, tương đơng 255 USD/tấn, bắt đầu từ ngày 1/7. Năm 2017, chính phủ Ấn Độ tăng giá MSP đối với lúa gạo chỉ ở mức 5,4%. Các nhà phân tích và các nhà kinh tế cảnh báo rằng động thái này có thể sẽ buộc ngân hàng trung ương Ấn Độ phải nâng lãi suất mạnh hơn dự báo trước đây.
Trước động thái của chính phủ, các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ lo ngại rằng xuất khẩu gạo Ấn Độ sẽ mất khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới và đe dọa vị thế nước xuất khẩu lớn nhất thế giới cảu nước này hiện nay. Đồng thời, các nhà xuất khẩu gạo đề xuất chính phủ Ấn Độ có thể xem xét các cơ chế chính sách khác như thúc đẩy xuất khẩu để thực hiện các mục tiêu phúc lợi cho nông dân.
Xuất khẩu gạo non-basmati nổi lên trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn của Ấn Độ trong những năm gần đây, giúp nước này đạt vị thế nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Năm tài khóa 2017, xuất khẩu gạo non-basmati của Ấn Độ đạt 8,6 triệu tấn, trị giá 3 tỷ USD. Trong năm tài khóa 2018, xuất khẩu gạo non-basmati của Ấn Độ vẫn đang giữ xu hướng tăng, và đồng Rupee yếu đi càng khuyến khích xuất khẩu. Theo dữ liệu mới nhất từ Apeda, trong 2 tháng đầu năm tài khóa 2018, xuất khẩu gạo non-basmati của Ấn Độ đã tăng 40% so với cùng kỳ năm tài khóa trước, đạt 1,43 triệu tấn, mang về 603 triệu USD.
Trong tổng sản lượng gạo 108 triệu tấn hàng năm của Ấn Độ, tiêu dùng nội địa, bao gồm cả lượng tồn kho dồi dào, vào khoảng 97 – 98 triệu tấn, phần còn lại chủ yếu xuất khẩu sang châu Phi, Bangladesh và Sri Lanka. Xuất khẩu chậm lại sẽ khiến tồn kho gạo tại nước này ở mức rất cao và sẽ tác động lên giá, các nhà xuất khẩu nhận định.
Theo Reuters, The Hindu Business Line
Bình luận