Các nhà nhập khẩu gạo toàn cầu có thể tìm cách thỏa thuận trực tiếp với các chính phủ tại các nước xuất khẩu gạo do lệnh cấm của Ấn Độ đối với loại gạo xuất khẩu chính đang bóp nghẹt nguồn cung và làm thổi bùng lên mối lo ngại về an ninh lương thực. Các nước nhập khẩu gạo từ châu Phi tới châu Á có thể sẽ tranh nhau các lô hàng gạo do nguồn cung thắt chặt trong những tháng tới, sau quyết định của Ấn Độ hồi tuần trước về cấm xuất khẩu gạo trắng thường.
Lệnh cấm này làm giảm 20% nguồn cung gạo trên thị trường quốc tế, theo các nhà giao dịch và phân tích cho hay, có thể dẫn tới việc các nước nhập khẩu phải tìm kiếm các thỏa thuận chính phủ (G2G) để khắc phục tình trạng thiếu hụt và kìm hãm giá gạo. “Các chính sách hạn chế xuất khẩu làm giảm niềm tin về sự phụ thuộc lẫn nhau trong thương mại quốc tế”, theo nhà phân tích thị trường gạo Shirley Mustafa tại FAO. “Do đó, các nước nhập khẩu có thể tìm kiếm các thỏa thuận G2G để đảm bảo nguồn cung”. Trong khi thông báo lệnh cấm xuất khẩu, Ấn Độ vẫn để ngỏ khả năng cho các thỏa thuận như vậy, cho biết sẽ cân nhắc đáp ứng các yêu cầu của các nước đang cần gạo.
Các thỏa thuận chính phủ của Ấn Độ
Tháng 9/2022, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm để giảm nhiệt giá nội địa, nhưng sau đó, số liệu chính thống cho thấy nước này đã phê duyệt các lô hàng tổng cộng khoảng 1 triệu tấn gạo tấm tới Indonesia, Senegal, Gambia, Mali và Ethiopia. “Lệnh cấm hiện nay loại trừ các hợp đồng G2G và vẫn nằm trong khuôn khổ đặc quyền của chính phủ”, theo ông B.V. Krishna Rao, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo cho biết. “Một quyết định sẽ được đưa ra dựa trên nhu cầu của các nước nhập khẩu và tình trạng nguồn cung trên thị trường nội địa”.
Các khách hàng châu Phi có thể tiếp cận chính phủ Ấn Độ để mua gạo; và các nước nhập khẩu châu Á như Indonesia và Philippines có thể ký các hợp đồng G2G với các nước xuất khẩu gạo hàng đầu khu vực là Thái Lan và Việt Nam, theo các thương nhân trên thị trường quốc tế cho hay.
Indonesia đã ký một thỏa thuận với chính phủ Ấn Độ về khả năng nhập khẩu 1 triệu tấn gạo nếu hình thái thời tiết El Nino gây thiệt hại cho nguồn cung trong nước. tháng trước, Ấn Độ đã phê duyệt xuất khẩu lúa mỳ và gạo tấm tới một số nước có nhu cầu mua các loại ngũ cốc này. Cơ quan Thực phẩm Quốc gia Indonesia (NFA) cho thấy các hợp đồng mà nước này đã thỏa thuận kể từ cuối năm 2022 sẽ đảm bảo đủ nguồn cung cho tới nay; trong khi Cơ quan Thực phẩm Quốc gia tại Philippines có thể nhập khẩu gạo dựa trên phê duyệt của tổng thống trong trường hợp khẩn cấp.
Ấn Độ có tồn kho dồi dào cho tới nay để đáp ứng các nhu cầu như vậy, trong khi Việt Nam đang chuẩn bị thu hoạch vụ chính, theo các nhà phân tích. “Dự trữ gạo non-basmati của chính phủ Ấn Độ đang dồi dào, ở mức khoảng 41 triệu tấn tính tới ngày 1/7”, theo FAO. “Do đó, họ có thể đáp ứng các nhu cầu phân phối cho các chính sách công nội địa và các thỏa thuận ở cấp chính phủ”.
Theo Reuters
Bình luận