Các hạn chế về nguồn cung nguyên liệu đầu vào cản trở xuất khẩu gỗ pellet
Với chi phí nhiên liệu tăng trên khắp thế giới, gỗ pellet được coi là một nguồn năng lượng thay thế hấp dẫn, với nhu cầu tăng vọt trong thời gian qua, hứa hẹn mang tới lợi nhuận lớn nếu tất cả các điều kiện đều thuận lợi.
Do nhu cầu cao đối với gỗ pellet trên thị trường thế giới, giá gỗ pellet tăng 1,4 – 1,6 lần so với năm 2021, tạo ra nhiều cơ hội lớn cho ngành gỗ pellet Việt Nam mở rộng sản xuất và xuất khẩu. Theo thống kê từ Tổng cục Lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu gỗ pellet liên tục tăng từ 145 triệu USD năm 2017 lên 603 triệu USD trong 10 tháng đầu năm 2022.
Với động lực tăng trưởng hiện nay, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) dự báo giá trị xuất khẩu gỗ pellet trong cả năm 2022 có thể đạt khoảng 700 triệu USD. Trong thời gian tới, xuất khẩu gỗ pellet thậm chí có thể đạt hơn 1 tỷ USD. Viforest cũng nhấn mạnh rằng trong những tháng đầu năm 2022, một số nhà xuất khẩu đã ký các hợp đồng sang Hàn Quốc với giá 150 – 160 USD/tấn, tăng khoảng 19,4% so với cuối năm 2021. Trong khi đó, giá xuất khẩu sang Nhật dao động từ 140 – 145 USD/tấn, tăng khoảng 10%.
Tuy nhiên, Việt Nam “không thể thúc đẩy xuất khẩu do thiếu nguyên liệu gỗ có chứng nhận”, theo ông Nguyễn Thanh Phong, tổng giám đốc CTCP Nhiên liệu Sinh học Phú Tài cho biết. “Chứng nhận FSC cần để đáp ứng các yêu cầu của các thị trường như Nhật Bản, thị trường xuất khẩu gỗ pellet lớn nhất. Thậm chí có những doanh nghiệp không thể vận hành hết công suất do thiếu nguyên liệu thô”, ông Phong cho hay.
Ông Nguyễn Hoàng Tân, phó chủ tịch Energy Asia tại Swedish CellMark Ltd., vừa quay trở lại văn phòng tại thành phố Hồ Chí Minh sau chuyến công tác tới Quảng Ninh. Ông đã gặp gỡ các nhà sản xuất gỗ pellet và thảo luận vềcác cơ hội hợp tác và xuất khẩu sản phẩm này sang châu Âu. “Cuộc xung đột Nga – Ukraine đang khiến châu Âu thiếu 3 triệu tấn gỗ pellet”, ông Tân cho hay.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Wood Resources International, 40% gỗ pellet tại châu Âu được sử dụng để sưởi ấm tại các hộ gia đình, 36% sử dụng cho các nhà máy nhiệt điện và 14% cho hệ thống sưởi ấm các tòa nhà thương mại. Hiện giá pellet để sản xuất nhiệt điện khoảng 400 – 500 USD/tấn và giá pellet để sưởi ấm ở hộ gia đình là khoảng 530 – 540 USD/tấn. Trong khi đó, giá gỗ pellet tại Việt Nam chỉ khoảng 200 USD/tấn.
Ngành sản xuất và xuất khẩu gỗ pellet tại việt Nam chỉ phát triển trong hơn 1 thập kỷ qua, chủ yếu nhằm đáp ứng đầu vào cho phát triển điện sinh học tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Với xu hướng tiêu dùng xanh sau này, xuất khẩu gỗ pellet đang tăng trưởng mạnh do được coi là mộ giải pháp thay thế cho nhiên liệu hóa thạch do phát thải thấp, khả năng tái tạo và chi phí thấp.
Theo VNS
Bình luận