Việt Nam có dư địa để thúc đẩy xuất khẩu gỗ pellet
Gỗ pellet trở thành một bộ phận xuất khẩu quan trọng của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng 3 triệu tấn, trị giá 350 triệu USD. Hàn Quốc và Nhật Bản hiện là thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam, chiếm hơn 90% lượng xuất khẩu gỗ pellet hàng năm của Việt Nam.
Việc hình thành và phát triển của ngành gỗ pellet tại Việt Nam nhờ nguồn cung nguyên liệu dồi dào đến từ phụ phẩm của ngành chế biến gỗ. Các nguồn đầu vào cho sản xuất gỗ pellet bao gồm mùn cưa, vỏ bào, cành và ngọn cây gỗ rừng trồng đường kính nhỏ. Ngoài ra, sản xuất gỗ pellet không yêu cầu vốn đầu tư lớn hoặc công nghệ quản lý phức tạp, tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào giai đoạn sản xuất. Nguồn cung nguyên liệu thô cho sản xuất gỗ pellet cũng đặt gần các cảng biển nên thuận tiện cho vận chuyển và xuất khẩu. Đó là những lợi thế cho mở rộng ngành gỗ pellet trong thời gian trước đây và sự tăng trưởng của ngành này trong tương lai.
Theo các chuyên gia của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hàn Quốc và Nhật Bản là các thị trường nhập khẩu gỗ pellet Việt Nam lớn nhất. Hàn Quốc là thị trường có quy mô lớn hơn Nhật Nản. Tuy nhiên, mức độ ổn định của thị trường Nhật Bản lại cao hơn nhiều. Giá xuất khẩu trung bình sang thị trường Nhật Bản hiện cao hơn khoảng 20 – 30 USD/tấn so với thị trường Hàn Quốc.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Việt Nam hiện có khoảng 80 nhà máy sản xuất gỗ pellet. Tuy nhiên, cuộc điều tra thông tin cho Forest Trends cho thấy số doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào sản xuất và xuất khẩu gỗ pellet có thể lên tới hàng trăm doanh nghiệp. Tại vùng Đông Nam bộ, vốn là trung tâm của các nhà máy chế biến gỗ, là nơi đặt số lượng nhà máy sản xuất gỗ pellet đông đảo nhất trên cả nước, nhờ nguồn cung dồi dào phụ phẩm từ các nhà máy gỗ.
Ngành gỗ pellet vẫn còn dư địa mở rộng nhờ nhu cầu tăng đối với gỗ pellet tại thị trường Nhật Bản trong tương lai. Theo các nhà xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, lượng gỗ pellet dự báo tăng gấp 3 lần từ nay tới năm 2024 – 2025. Nếu công suất chế biến của Việt Nam duy trì ở mức hiện nay thì cân bằng cung cầu của mặt hàng này sẽ đảm bảo trong 2 – 3 năm tới. Ngành gỗ pellet Việt Nam cũng có tiềm năng tăng tỷ trọng trong các sản phẩm chứng nhận Forest Stewardship Council (FSC) nhờ sự hợp tác giữa những nhà sản xuất gỗ và những người trồng rừng để tạo ra nguồn gỗ chứng nhận.
Bất chấp tốc độ tăng trưởng nhanh, ngành sản xuất và xuất khẩu gỗ pellet hiện bộc lộ hàng loạt hạn chế. Đầu vào nguyên liệu thô chưa được kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng và các khía cạnh pháp lý. Một số cơ sở chế biến sử dụng các nguồn nguyên liệu hỗn hợp, ảnh hưởng xấu tới chất lượng. Nguồn cung nguyên liệu thô với các chứng nhận quản lý rừng bền vững (FSC) vẫn còn ít trong khi nhu cầu đối với các sản phẩm chứng nhận tiếp tục tăng. Do đó, kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng nguyên liệu đầu vào và tiếp cận công nghệ hiện đại để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao với giá cả hợp lý là điều quan trọng tiên quyết cho các doanh nghiệp đang sản xuất gỗ pellet cho xuất khẩu.
Theo VNS
Bình luận