(Reuters) - Giá phân bón cao kỷ lục khiến cho nông dân trên toàn thế giới phải giảm tiêu dùng phân bón và giảm diện tích trồng trọt, đồng thời cuộc xung đột Ukraine-Nga khiến các chuyên gia kỳ cựu ngành nông nghiệp cảnh báo về tình trạng thiếu lương thực. Các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, quốc gia xuất khẩu chủ lực của kali, amoniac, urê và các chất dinh dưỡng khác trong đất, đã làm gián đoạn các chuyến hàng cung cấp nguyên liệu đầu vào quan trọng trên toàn cầu. Phân bón là chìa khóa để giữ cho cho năng suất sản xuất ngô, đậu nành, gạo và lúa mì được được tăng cao. Điều này khiến cho người trồng trọt phải xoay xở để điều chỉnh theo.
Việc xoay trục có thể nhận thấy ở các cường quốc nông nghiệp Brazil, nơi một số nông dân phải giảm lượng phân bón cho ngô, và các nhà lập pháp cấp liên bang đang thúc đẩy việc mở rộng đất bản địa cho việc khai thác kali. Ở Zimbabwe và Kenya, nông dân nhỏ đang chuyển sang sử dụng phân chuồng cho các loại cây trồng. Ở Canada, một nông dân trồng cải dầu đã dự trữ hẳn lượng phân bón cho toàn vụ năm 2023 do dự đoán giá sẽ còn tăng trong thời gian tới.
Nông dân ở những vùng khác cũng đang bắt đầu các động thái tương tự. Reuters đã nói chuyện với 34 người ở sáu địa lục khác nhau, bao gồm các bên sản xuất ngũ cốc, các nhà phân tích nông nghiệp, thương nhân và các nhóm nông dân. Tất cả đều bày tỏ sự lo lắng về chi phí và nguồn cung phân bón. Chỉ riêng tại Mỹ, chi phí phân bón dự báo tăng 12% trong năm nay, sau khi tăng 17% trong năm 2021, theo nguồn dữ liệu của Liên đoàn Cục Nông nghiệp Hoa Kỳ và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA). Một số nông dân đang dự tính sẽ chuyển sang các cây trồng cần ít dinh dưỡng hơn. Những người khác thì đang lên kế hoạch để giảm diện tích trồng trọt. Một vài người cho rằng họ chỉ đơn giản cắt giảm việc sử dụng phân bón, một chiến lược mà theo các chuyên gia dự đoán sẽ ảnh hưởng xấu đến năng suất. Ông Tony Will, giám đốc điều hành của CF Industries Holdings, có trụ sở tại Illinois, một trong những nhà sản xuất phân đạm dẫn đầu ngành cho hay, sản xuất ở các nước đang phát triển đang đứng trước nhiều rủi ro nhất, nơi nông dân có ít nguồn tài chính để chống chọi với lần càn quét này hơn. Ông bày tỏ với Reuters: “Mối quan tâm của tôi hiện lúc này chính là cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn cầu.”
Tuần trước, Peru đã ban bố tình trạng khẩn cấp cho ngành nông nghiệp vì lo ngại về mất an ninh lương thực. Sắc lệnh cho biết diện tích trồng trọt của quốc gia này đã giảm 0,2% kể từ tháng 8 do giá phân bón tăng, và sản lượng ngũ cốc Peru nhập khẩu để làm TACN cũng giảm do lo ngại về chi phí. Chính phủ hiện đang soạn thảo kế hoạch để tăng nguồn cung cấp lương thực cho đất nước.
NHÂN ĐÔI
Giá phân bón toàn cầu đã ở mức cao từ trước khi Nga xâm lược nước láng giềng vào ngày 24/2, khi giá khí đốt tự nhiên và giá than đạt kỷ lục, buộc một số nhà sản xuất phân bón phải cắt giảm sản lượng của lĩnh vực thâm dụng năng lượng. Các thành phố của Ukraine đã bị bao vây bởi tên lửa, xe tăng và quân đội trong hoạt động mà chính phủ Nga gọi là "chiến dịch đặc biệt" nhằm phi quân sự hóa Ukraine. Nga phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường trong cuộc xung đột.
Các quốc gia phương Tây đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn đối với Nga, trong khi Mỹ và EU áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, người đã hỗ trợ cho cuộc tấn công của Nga. Trong báo cáo mới công bố, Rabobank cho biết Nga và Belarus chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu kali toàn cầu vào năm 2021, một trong ba chất dinh dưỡng quan trọng được sử dụng để tăng năng suất cây trồng. Ngoài ra, Nga chiếm khoảng 22% lượng amoniac xuất khẩu toàn cầu, 14% lượng urê xuất khẩu của thế giới và khoảng 14% monoammonium phosphate (MAP) - tất cả các loại phân bón chủ lực. Các lệnh trừng phạt đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh phân bón và nông sản từ Nga. Nhiều ngân hàng và thương nhân phương Tây đang loại bỏ dần nguồn cung từ Nga do lo ngại sự thay đổi nhanh chóng các quy định, trong khi các công ty vận tải biển đang phải tránh khu vực Biển Đen do sự lo lắng về an toàn.
Tất cả đều cộng hưởng thành một cú đúp giáng lên nguồn cung cấp lương thực toàn cầu. Nga và Ukraine là những nước sản xuất ngũ cốc lớn. Tổng cộng, hai quốc gia này chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu lúa mì toàn cầu và 20% tổng kim ngạch xuất khẩu ngô. Các chuyến hàng ngũ cốc qua Biển Đen đều đã bị gián đoạn. Việc giao hàng bị đình trệ từ hai quốc gia đó đã góp phần đẩy lạm phát lương thực toàn cầu tăng phi mã. Ngân hàng Thế giới tuần trước cho biết một số nước đang phát triển phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung lúa mì trong thời gian ngắn do phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của Ukraine.
Maximo Torero, nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, cho biết cuộc khủng hoảng phân bón ở một số khía cạnh đáng lo ngại hơn vì nó có thể kìm hãm sản xuất lương thực ở phần còn lại của thế giới. Torero nói với Reuters: “Nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề phân bón và việc buôn bán phân bón không tiếp tục, thì chúng ta sẽ gặp vấn đề rất nghiêm trọng về nguồn cung [lương thực] trong năm tới.
BRAZIL ĐƯƠNG ĐẦU VỚI RỦI RO
Brazil, nhà xuất khẩu đậu tương lớn nhất thế giới, phụ thuộc nặng nề vào phân bón nhập khẩu như kali, chiếm 38% chất dinh dưỡng cây trồng mà nước này sử dụng vào năm ngoái. Nga và Belarus là nguồn cung cấp một nửa nguồn cung này.
Trước xung đột Ukraine-Nga, nông dân Brazil đã giảm diện tích trồng ngô do giá phân bón tăng. Theo Agroconsult, một công ty tư vấn nông nghiệp Brazil, việc trồng đậu tương cũng sẽ bị ảnh hưởng, với việc người trồng mở rộng diện tích chậm hơn so với những năm trước. Ở bang Mato Grosso, nông dân Cayron Giacomelli nói với Reuters rằng ông đã giảm sử dụng phân bón cho vụ ngô hiện tại của mìn - một động thái mà ông cho tằng có thể làm giảm sản lượng ít nhất 8%. Giacomelli cho biết rất khó kiếm được nguồn phân bón và một số đại lý sẽ không thể chốt hợp đồng cho đến khi tàu chở hàng cập cảng Brazil. Ông vẫn tự động viên mình vì đã không hoàn tất giao dịch đang đàm phán ngay trước khi Nga xâm lược Ukraine. “Tôi đã bị phân tâm và bây giờ đang phải trả nhiều tiền hơn,” Giacomelli nói. Trong khi đó, các nhà lập pháp từ các bang nông nghiệp của Brazil đang thúc đẩy luật mở các vùng đất bản địa ở Amazon để khai thác kali. Biện pháp đó bị phản đối bởi các thành viên của bộ lạc Mura địa phương, những người nói rằng việc khai thác mỏ sẽ hủy hoại môi trường sống tự nhiên mà họ phụ thuộc vào. Dự luật vẫn đang được thông qua trong kỳ đại hội của quốc gia.
Ở Zimbabwe, phân bón nhập khẩu khan hiếm và đắt đỏ đã buộc những người trồng ngô như Boniface Mutize phải tự sản xuất phân bón. Ông nói: “Chúng tôi trộn phân bò hoặc chất thải gà với kẽm. Ở nông thôn Kenya cũng vậy. Nông dân Mary Kamau cho biết cô cũng đã cắt giảm việc mua phân bón thương mại và đang sử dụng phân để bón cho cà phê và bơ mà cô trồng trên diện tích 12 mẫu Anh ở Hạt Murang’a. Bà lo lắng: “Nếu tôi không được mùa, tôi sẽ không nhận được giá tốt. Và điều đó sẽ ảnh hưởng đến tôi trong hai năm tới - không chỉ trong vụ này”, Kamau nói.
GIẢM DIỆN TÍCH, GIẢM PHÂN BÓN
Tại Hoa Kỳ, nông dân New Mexico thế hệ thứ năm Mike Berry cũng có những lo lắng tương tự. Gần đây, ông đã trả 680 đô la một tấn cho nitơ lỏng để bón cho vườn ngô, một mức giá "cắt cổ" mà ông nói là cao hơn 232% so với giá năm ngoái. Berry cho biết có kế hoạch giảm diện tích trồng ngô vào mùa xuân để làm thức ăn cho gia súc xuống còn khoảng 300 mẫu Anh từ 400 đến 600 mẫu Anh thông thường. Berry cho biết ông cũng sẽ giảm lượng sử dụng nitơ lỏng khoảng 30%, điều này có thể làm giảm năng suất của ông khoảng 25%. Điểm mấu chốt: “Chúng tôi sẽ sản xuất ít hơn,” ông nói.
Điều đó có vẻ thiển cận khi giá hàng hóa đã tăng mạnh trong những tuần gần đây. Nhưng chi phí trồng trọt đang vượt xa doanh thu tiềm năng đối với nhiều nông dân. “Các quyết định trồng trọt ngày càng được đưa ra không dựa trên các nguyên tắc cơ bản của thị trường mà dựa trên chi phí sản xuất do giá cả và nguồn cung phân bón thúc đẩy”, hàng chục nhà lập pháp Hoa Kỳ đã viết trong một bức thư ngày 17 tháng 3 cho Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ. Họ đang tìm cách giảm thuế nhập khẩu phân bón từ Maroc và Trinidad và Tobago.
Nông dân Hoa Kỳ Don Batie đã mô tả quá trình căng thẳng để đảm bảo đủ phân bón cho vụ gieo trồng năm nay. Batie, người trồng ngô và đậu nành trên 1.500 mẫu Anh ở Lexington, Nebraska, cho biết: “Thật khó khăn! Vào thời điểm khách hàng báo giá tới bạn, giá sẽ thay đổi."
NƠI ĐỂ MUA?
Châu Á cũng đang gặp khó khăn.
Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu phân bón cho ngành nông nghiệp đang ngày càng mở rộng, đang ngày càng quay sang Canada và Israel để thay thế nguồn cung cấp cho Nga. Trong khi đó, Thái Lan đang phải đối mặt với áp lực trong vụ lúa chính. Theo số liệu của chính phủ Thái Lan, Nga và Belarus chiếm khoảng 12% lượng phân bón nhập khẩu trong năm 2021. Tuy nhiên, khó tìm các nguồn cung khác, một phần là do việc kiểm soát giá phân bón trong nước đang ép các nhà nhập khẩu Thái Lan khi giá thị trường toàn cầu bùng nổ, theo Plengsakdi Prakaspesat, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón và Vật tư Nông nghiệp Thái Lan. “Nếu là mộtt hương nhân và đang thua lỗ, bạn có còn nhập thêm hàng không?” Plengsakdi nói.
Năm ngoái, Trung Quốc đã áp đặt hạn chế xuất khẩu phân bón để bảo vệ quyền lợi nông dân khi giá toàn cầu tăng cao do nhu cầu mạnh và giá năng lượng cao. Gavin Ju, nhà phân tích phân bón chính tại Văn phòng tư vấn hàng hóa CRU tại Thượng Hải, cho biết dự báo chính phủ Trung Quốc sẽ nới lỏng những hạn chế đó trong năm nay, có khả năng thúc đẩy nguồn cung thế giới. Nhưng ông nói rằng điều đó hiện nay ít xảy ra hơn với thị trường toàn cầu đang hỗn loạn.
Những lo ngại về lạm phát gia tăng và cuộc chiến kéo dài ở Ukraine khiến một số nông dân phải lên kế hoạch từ trước. Ở Manitoba, Canada, nông dân trồng ngô và cải dầu Bert Peeter gần đây đã đồng ý chi hơn 500.000 đô la Canada để mua 80% lượng phân bón mà anh ta sẽ cần - cho năm 2023. Mặc dù giá cả đang tăng vọt, ông cho rằng mọi thứ vẫn có thể trở nên tồi tệ hơn. Peeter nói: “Điều này có thể không kết thúc sau một năm”.
(Báo cáo của Tom Polansek ở Chicago và Ana Mano ở Sao Paulo; Báo cáo bổ sung của Dominique Patton và Emily Chow ở Bắc Kinh; Patpicha Tanakasempipat ở Bangkok; Marcelo Rochabrun ở Lima; Nelson Banya ở Harare; Ayenat Mersie và Duncan Miriri ở Nairobi; Gus Trompiz ở Paris; Michael Hogan ở Hamburg; Sonali Paul ở Melbourne; Biên tập bởi Caroline Stauffer và Marla Dickerson)
Bình luận